Sáng 4-8, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quy định cụ thể các dự án thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nêu ý kiến gợi mở, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết đã tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội về việc quy định rõ các trường hợp thu hồi đất.
Theo đó, sửa đổi các quy định tại dự thảo luật theo hướng quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Bao gồm dự án kết cấu hạ tầng vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển; dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng (trừ công viên, vườn hoa, bãi tắm và các khu vực dành cho vui chơi giải trí công cộng khác không thu phí của người dân).
Đối với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, dự thảo luật đưa ra 2 phương án về xác định tiêu chí thu hồi và thực hiện đấu giá, đấu thầu.
Trong đó, phương án 1 giao HĐND quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc như bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Phương án 2, quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, trên 10ha là trường hợp đấu thầu, không phân biệt loại đất thực hiện dự án; dưới 10ha và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá.
Dưới 10ha và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có...
Bên cạnh đó, dự luật quy định rõ đấu giá đối với dự án đầu tư sử dụng đất sạch có sẵn (không phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) giao tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý và khai thác.
Với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, quy định rõ đấu giá, đấu thầu đối với dự án cũng như thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có...
Đề xuất dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng
Ông Đinh Dũng Sỹ - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) - nêu rõ vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cực kỳ phức tạp.
Ông cho rằng theo nghị quyết 18 của trung ương và trên cơ sở luật đề nghị ủng hộ quan điểm cần sử dụng vốn ngân sách để tạo quỹ đất sạch. Tức là dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, thực hiện đấu thầu, đấu giá.
"Tôi không phải chuyên gia kinh tế nhưng nhìn thấy đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch kể cả 1-2-3.
Đồng thời sẽ là giải pháp tốt nhất để xử lý hài hòa lợi ích giữa người bị thu hồi đất - Nhà nước và nhà đầu tư. Nếu làm được càng nhiều đấu thầu, đấu giá sẽ càng quý", ông Sỹ nói.
Ông phân tích thêm nếu đấu thầu, đầu giá, người bị thu hồi đất chịu thiệt một chút nhưng sẽ nghĩ Nhà nước có lợi chứ không phải nhà đầu tư. Còn không họ sẽ nghĩ chênh lệch địa tô rơi vào nhà đầu tư.
"Chúng ta cố gắng rà soát lại dự thảo luật. Nếu dùng vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, tạo quỹ đất sạch, đấu thầu, đấu giá sẽ tốt nhất", ông Sỹ nhấn mạnh thêm.
Tuy nhiên, theo ông Sỹ, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi vốn ở đâu? Đề xuất sau đó, ông Sỹ nêu có thể có cơ chế để mời các ngân hàng thương mại vào cho vay.
"Nếu như có cơ chế, giao quyền cho các tổ chức phát triển quỹ đất cho phép các ngân hàng thương mại vào cho vay để đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau đó đấu thầu, đấu giá, rồi hoàn trả lại cho ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại không thiếu vốn và nếu thấy dự án nào khả thi họ sẵn sàng tham gia...", ông Sỹ đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận