15/03/2023 17:17 GMT+7

Đề xuất cho thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tài chính nước ngoài

Nhiều chuyên gia đề xuất quy định trong Luật đất đai (sửa đổi) cho phép tổ chức sử dụng đất ở Việt Nam được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để vay vốn tại các tổ chức nước ngoài.

Đề xuất cho thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tài chính nước ngoài - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai chiều 15-3 - Ảnh: TIẾN LONG

Đề xuất cho thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tài chính nước ngoài đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại TP.HCM chiều 15-3.

Cho phép thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức nước ngoài

Theo quy định tại dự thảo luật, doanh nghiệp Việt Nam được quyền thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.

Dự thảo chưa quy định doanh nghiệp Việt Nam được phép thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức kinh tế nước ngoài để có thể vay vốn hoạt động. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, đề nghị bổ sung quy định cho phép thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tài chính có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính nước ngoài.

Theo ông Hậu, việc cho phép thế chấp quyền sử dụng đất để huy động vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài có ưu điểm là các doanh nghiệp Việt Nam được mở rộng khả năng thu hút vốn đầu tư, có thêm sự lựa chọn trong các phương thức huy động vốn.

Đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế, nhu cầu đầu tư của các tổ chức nước ngoài đối với bất động sản Việt Nam không hề thấp. Nếu nắm bắt chính xác, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn vốn cao hơn so với thị trường trong nước, góp phần tạo điều kiện cho thị trường kinh tế và bất động sản phát triển.

Tuy nhiên, chính sách này nếu không giới hạn khu vực sẽ gây nguy hiểm đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia cũng như gây ảnh hưởng đến các khu vực trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý.

Do đó, cần phải đảm bảo quyền sử dụng đất trong toàn bộ quy trình không được thuộc về tổ chức nước ngoài, mà sẽ được xử lý bán lại hoặc chuyển nhượng bởi chính tổ chức tín dụng nhận thế chấp, sau đó mới lấy số tiền thu được đưa lại cho bên cho vay nước ngoài. 

Bên cho vay nước ngoài sẽ chỉ có ảnh hưởng đối với tổ chức tín dụng, chứ không phải với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất.

Đề xuất cho thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tài chính nước ngoài - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

Cùng quan điểm, ông Darryl Dong - phó giám đốc quốc gia Việt Nam, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) - nói "tiền sẽ đến Việt Nam khi thay đổi luật". Theo ông, Việt Nam đang cần rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nếu Luật đất đai tạo được cơ chế khuyến khích đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tới.

Hiện nhiều nước quanh Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia… đã cho phép doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất cho các tổ chức tín dụng nước ngoài. 

Nếu cũng có cơ chế cho phép thế chấp như thế sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau từ nước ngoài. Nếu không, các quốc gia khác sẽ hút hết nguồn vốn.

Ông Darryl Dong cho rằng nếu lo ngại về vấn đề an ninh, quốc phòng, Việt Nam có thể quy định từng khu vực, loại đất được thế chấp. Mặt khác, có thể quy định cho thế chấp gián tiếp qua các đại lý trung gian.

Có nên quy định xây dựng bảng giá đất hằng năm?

TS Nguyễn Vinh Huy - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - đề nghị dự thảo luật không nên quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm, mà nên quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.

Trao đổi lại, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng việc xây dựng bảng giá đất 5 năm một lần sẽ không đáp ứng được nguyên tắc phù hợp giá thị trường. Nếu giữ nguyên sẽ không có lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Ngân, việc xây dựng giá đất định kỳ hằng năm chỉ khó khi xây dựng bảng giá đất lần đầu tiên, cho năm đầu tiên của thời kỳ.

Các năm tiếp theo không cần làm lại, mà trên cơ sở bảng giá đất đó, chuyên gia, nhà chuyên môn định giá sẽ bổ sung khu vực còn thiếu, điều chỉnh giá tại khu vực có biến động và giữ nguyên đối với những khu vực không có sự thay đổi.

Cần làm rõ sự chồng chéo giữa Luật đất đai và các luật khácCần làm rõ sự chồng chéo giữa Luật đất đai và các luật khác

Nêu tình trạng chồng chéo, dư thừa quy định giữa Luật đất đai và các luật khác, đại biểu dự Hội thảo góp ý dự án Luật đất đai (sửa đổi) kiến nghị cần làm rõ vấn đề chồng chéo này để gỡ khó cho các địa phương khi áp dụng luật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên