10/03/2023 18:51 GMT+7

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Đất lấn chiếm của nông, lâm trường sau thu hồi xử lý thế nào?

Ngày 10-3, tại TP Pleiku, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Đất lấn chiếm của nông, lâm trường sau thu hồi xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi hội thảo lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại TP Pleiku chiều 10-3 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Không công nhận quyền sử dụng đất cho hộ đang nhận khoán

Ông Lê Trọng Yên, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng quy định liên quan đến thửa đất sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường, lấn chiếm, tỉnh Đắk Nông đề nghị bỏ điểm C khoản 3 "Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người đang thuê đất sử dụng đất".

Các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc là nhận giao khoán thuê đất của các công ty lâm nghiệp, nông lâm trường bản chất là đất của Nhà nước, các công ty có đầu tư về tài sản nên không thể công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nhận giao khoán.

Đối với việc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, tỉnh Đắk Nông đề nghị sửa điểm a khoản 2 điều 137, "Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn chiếm tranh chấp đất đai", sửa thành "Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp có nguồn gốc từ lấn chiếm đất của các nông lâm trường sử dụng ổn định không tranh chấp đất đai".

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Đất lấn chiếm của nông, lâm trường sau thu hồi xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Ông Lê Trọng Yên, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Lý do hiện nhiều diện tích đất người dân đã lấn chiếm của các công ty nông, lâm nghiệp, lâm trường và sử dụng ổn định. Hiện nay những diện tích đất này đã được thu hồi của các công ty lâm nghiệp, các nông lâm trường giao về địa phương quản lý. Tuy nhiên nếu theo quy định của dự thảo, các công ty lâm nghiệp, nông lâm trường sẽ khó có phương án để xử lý.

Thanh lý, hóa giá, cho thuê, khoán đất sau thu hồi

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý đất có nguồn gốc nông lâm trường, ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay các công ty nông lâm nghiệp đã cổ phần hóa chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013. Tuy nhiên các hộ dân nhận khoán vẫn tiếp tục quản lý sử dụng đất theo hợp đồng khoán trước đây, hoặc trường hợp không có hợp đồng khoán nhưng thực tế các hộ đã sử dụng đất từ trước.

Do đó đề nghị quy định cụ thể điều kiện tiêu chí để các công ty nông lâm nghiệp được xây dựng phương án thanh lý hóa giá vườn cây, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thực hiện việc thanh lý theo quy định.

Ông S đề ra hai phương án, phương án một là thực hiện giao đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất, đồng thời cho thuê phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp vượt hạn mức, sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo điều 15 nghị định số 118/2014 do Chính phủ ban hành năm 2014.

Phương án hai là thực hiện theo hình thức người nhận mua tài sản là giá trị vườn cây thì được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định. Cụ thể người mua tài sản sẽ được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá trị đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Đất lấn chiếm của nông, lâm trường sau thu hồi xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đồng chủ trì hội thảo - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Tỉnh Kon Tum đề nghị tại dự thảo Luật đất đai cần rà soát lại trường hợp theo hướng đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý là đất của Nhà nước quản lý. Nhà nước sẽ xác định lại từng đối tượng đang sử dụng đất để giải quyết. 

Đối với trường hợp đang nhận khoán, đang thuê đất thì Nhà nước tiếp tục cho thuê nếu người sử dụng đất có nhu cầu.

Về việc thu hồi diện tích đất đang cho thuê cho mượn trái pháp luật bị lấn chiếm, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư không đúng quy định, tỉnh Kon Tum kiến nghị diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý thì phải tiến hành đo đạc lập bản đồ địa chính và cần có nguồn kinh phí lớn để thực hiện, do đó cần quy định ưu tiên bố trí kinh phí đo đạc đối với đất nông, lâm trường để giải quyết triệt để việc lấn chiếm sử dụng đất nhưng không có hồ sơ đất đai.

Quy định khung chính sách hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Liên quan đến chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị Chính phủ quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. UBND cấp tỉnh sẽ theo điều kiện thực tế của địa phương quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.

Hai tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng cùng đề nghị bổ sung thêm quy hoạch về quy định về hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khuyến khích các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống sản xuất nông nghiệp, nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hạn chế được tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.

Sửa Luật đất đai: Cần thu hồi dự án sau 3 năm Sửa Luật đất đai: Cần thu hồi dự án sau 3 năm 'án binh bất động' để nông dân sản xuất

Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM kiến nghị như vậy tại hội nghị góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 7-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên