Sáng 1-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Nhiều ý kiến nêu ra về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Tòa án quá tải?
Góp ý tại hội thảo, có không ít ý kiến lo ngại ngành tòa án quá tải, khó đảm bảo thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai, ảnh hưởng quyền lợi của người tranh chấp, khi dự thảo Luật đất đai đang sửa đổi theo hướng gần như "dồn" hết thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa mà không giao cho UBND các cấp như trước.
Theo dự thảo, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là của tòa án nhân dân. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
Trong khi theo quy định Luật đất đai 2013, UBND cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và người tranh chấp được lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng cách gửi đơn khởi kiện ra tòa hoặc theo đường hành chính.
Góp ý, ông Lê Nhật Bảo, trưởng phòng pháp chế Công ty xi măng Hà Tiên, cho rằng cần đánh giá tính khả thi khi "dồn" thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho ngành tòa án, bởi khối lượng tranh chấp đất đai là rất nhiều (chiếm hơn 70% tổng số tranh chấp), tòa án khó có thể bảo đảm nhân sự, thời hạn giải quyết.
Ông Bảo cũng tán đồng việc dự thảo bỏ việc bắt buộc có thủ tục hòa giải cơ sở ở UBND cấp xã đối với các tranh chấp đất đai để làm cơ sở khởi kiện, vì nhiều rắc rối liên quan thủ tục này.
Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận
Nhìn ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch UBND phường 8 (quận 10, TP.HCM), đề xuất giữ cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai như Luật đất đai 2013 vì UBND giúp giải quyết linh hoạt, kịp thời đối với các tranh chấp phát sinh ở cộng đồng dân cư như phân chia ranh giới nhà đất, thông hành địa dịch, cập nhật chủ quyền…
Về việc dự thảo Luật đất đai "dồn" thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án, trước đó, tại cuộc tiếp nhận ý kiến đóng góp nhân dân của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Phùng Văn Hải, phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM, cho rằng ngành tòa án đang có giải pháp bảo đảm tiếp nhận giải quyết các tranh chấp nếu luật giao thẩm quyền, với điều kiện là luật phải quy định cơ chế bảo đảm các cơ quan chức năng phải nhanh chóng, kịp thời cung cấp chứng cứ, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của tòa.
Nêu thực trạng về việc có nhiều người dân bị đối tượng tội phạm đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Văn Thành cũng đề xuất dự thảo Luật đất đai bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân bị đánh tráo giấy chứng nhận. Đồng thời bổ sung vào quy định điều 146 của dự thảo (thu hồi, đính chính giấy chứng nhận đã cấp) trường hợp bị đánh tráo giấy chứng nhận.
Ông Thành cho hay thực tiễn đang thiếu quy định cấp lại giấy chứng nhận cho người dân bị đánh tráo giấy chứng nhận sau khi được cơ quan công an xử lý.
Ngoài ra, hội thảo cũng nhận đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật về việc thu hồi đất để phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng; hoàn thiện quy định về thu hồi đất, đền bù, giải tỏa; quy định về trách nhiệm hoàn thiện phát triển, chia sẻ dữ liệu bản đồ, trắc địa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận