24/02/2023 15:16 GMT+7

Nhiều người đang làm giàu bằng việc đầu tư nghĩa trang

Nêu hiện trạng có nhiều người làm giàu bằng việc đầu tư nghĩa trang, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng Luật đất đai hiện hữu chưa thể chế hóa được các quy định về thu hồi đất.

Nhiều người đang làm giàu bằng việc đầu tư nghĩa trang - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận buổi làm việc - Ảnh: ÁI NHÂN

Ý kiến được nêu tại buổi làm việc giữa Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nghe báo cáo tình hình về lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật đất đai (sửa đổi), sáng 24-2.

Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), những quy định về thu hồi đất trong dự thảo Luật đất đai chưa được cụ thể. Điều này đã và đang dẫn đến các vấn đề tranh chấp thời gian qua.

Quy định Nhà nước thu hồi đất dù cho mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội nhưng cần bổ sung là phải thật sự cần thiết và quy định rõ thế nào là cần thiết. Bên cạnh đó việc thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, trong đó có việc xây dựng cơ sở tôn giáo, xây dựng nghĩa địa, nghĩa trang cũng chưa được cụ thể.

"Nghĩa trang thì quy định cho bao nhiêu người được chôn cất? Việc không có quy định cụ thể dẫn tới hiện trạng nhiều người đang làm giàu bằng việc đầu tư nghĩa địa. Họ bán các lô đất với giá rất đắt và người nghèo không thể được chôn cất ở đó", ông Nghĩa cho hay.

Qua đó, ông đề nghị cần cụ thể hóa các quy định về thu hồi đất. Trong quá trình xây dựng luật về đất đai, bên cạnh mục đích phát triển kinh tế phải đảm bảo hài hòa lợi ích, bảo vệ văn hóa và sự đoàn kết của 54 dân tộc.

Cũng về vấn đề thu hồi đất, Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM Phùng Văn Hải cho biết, quy định thu hồi đất phải có dự án tái định cư gây ra rất nhiều khó khăn. Bởi thực tế hiện nay quỹ đất ở TP.HCM rất hạn hẹp. Có những dự án phải lấy quỹ đất của dự án để thực hiện việc tái định cư.

"Khi làm dự án bắt buộc phải có nền tái định cư, nhưng để có nền tái định cư bắt buộc phải thu hồi đất, cứ như một vòng tuần hoàn không có lối ra", ông Hải nói và kiến nghị dự thảo luật lần này cần có quy định riêng cho từng loại dự án.

Cùng quan điểm, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Bảy cho rằng điều khoản thu hồi đất hiện nay chưa cụ thể. Phương án xử lý tài sản công khi thu hồi đất cũng chưa rõ ràng.

"Việc thu hồi đất chỉ thực hiện sau khi đã bố trí tái định cư là rất khó, không khả thi, nhất là dự án đầu tư công. Nếu thông qua nội dung này chúng ta phải sửa hàng loạt đạo luật, liên quan đến hàng loạt vấn đề, nhất là về giá đất", ông Bảy trăn trở.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, các nội dung góp ý được tổng hợp khá đầy đủ, gắn với các vấn đề đặc trưng của TP.HCM. Đoàn công tác sẽ ghi chép và tổng hợp các góp ý để chuyển cho cơ quan soạn thảo.

Ngoài ra, ông Hải đề nghị việc góp ý dự thảo Luật đất đai tại TP cũng đồng thời gắn với việc đánh giá tổng kết nghị quyết 54. Tạo điều kiện phát triển đất đai ở TP.HCM theo hướng phát triển đô thị, tạo nên một thị trường bất động sản ổn định nhưng vẫn phải đảm bảo quy hoạch.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Hoàn thiện Luật đất đai Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Hoàn thiện Luật đất đai 'để người dân nào đọc cũng hiểu, thực hiện'

Chiều 21-2, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên