11/01/2023 13:00 GMT+7

Bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa: 'Cuộc sống' ở nơi dự kiến thành công viên, trường học

Đúng 10 năm kể từ khi được phê duyệt quy hoạch, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) gặp vô vàn trắc trở. Nhưng thông tin toàn bộ khu vực này có thể thành công viên, trường học một lần nữa khiến nhiều người dân mong chờ.

Bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa: 'Cuộc sống" ở nơi dự kiến thành công viên, trường học - Ảnh 1.

Từ năm 2014, quận Bình Tân thực hiện việc di dời giai đoạn 1 nhưng đến nay vẫn còn khoảng 1.800 mộ chưa bốc được. Trong số này có 900 ngôi mộ trẻ sơ sinh, còn lại không có thân nhân kê khai. Giai đoạn 2 bắt đầu bốc mộ từ năm 2019 nhưng mới được 50%, còn 5.000 mộ - Ảnh: T.T.D.

Mới đây, ông Nguyễn Minh Nhựt - chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết quận đang xin TP chủ trương dành toàn bộ diện tích đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau di dời để làm công viên, trường học thay vì một phần làm dịch vụ, thương mại như dự kiến ban đầu.

Trong 10 năm quy hoạch, những hộ dân sống trong khu nghĩa trang đều đau đáu giấc mơ khu vực này sớm di dời hết mộ và chỉnh trang để người rời đi và cả người ở quanh đó được an cư. Dù mới chỉ là dự kiến nhưng hầu hết người dân đều rất phấn khởi.

Theo ông Nhựt, ban đầu TP dự tính dành ra 12ha chức năng thương mại, nhà ở để hoàn vốn. Tuy nhiên, hiện nay quận nhận thấy rằng định hướng dự án lại làm công trình công cộng phục vụ người dân sẽ mang ý nghĩa lớn hơn.

Minh chứng thực tế cho định hướng xây dựng cụm sáu trường, với một quận đông dân nhất nhì TP.HCM, nhu cầu trường học cho các em nhỏ luôn thiếu hụt. "Số lượng lớp học trên địa bàn quận ngày một tăng, thời gian qua các lớp phải tăng số lượng học sinh hoặc giảm buổi học để tất cả đều được đến trường", ông Nhựt tâm tình.

Bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa: 'Cuộc sống" ở nơi dự kiến thành công viên, trường học - Ảnh 2.

Sống tạm bợ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa hơn 7 năm qua để mưu sinh, bà Trần Thị Lan cho biết khu đất quanh nhà dù đã bóc tách mộ đi dần nhưng vẫn còn hơn 1.000 ngôi mộ không tên, không người thân đến nhận. Khát khao có nơi an cư mới nhưng vì khó khăn nên bà vẫn đang bám trụ lại chờ sự hỗ trợ từ địa phương - Ảnh: T.T.D.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho rằng việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa khó khăn hơn so với những nghĩa trang đã thực hiện ở giai đoạn trước. "Khó khăn của dự án giờ đây không phải là tiền hay cách làm mà là không tìm được thân nhân dù đã bắt đầu lập trang web về dự án, đăng báo, làm cả phóng sự truyền hình phát ở nước ngoài", ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ.

Để tìm hướng đi cho nút thắt này, UBND TP.HCM đã thống nhất trình Ban thường vụ Thành ủy về bốc mộ tập trung trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án trong thời gian tới. Với sự quyết tâm và quyết liệt này, kỳ vọng về sự chuyển mình của nghĩa trang lớn nhất TP sẽ không còn là nỗi khát khao.

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 12km, nghĩa trang Bình Hưng Hòa được mở trước năm 1975 trên diện tích 44ha và là nơi chôn cất khoảng 70.000 ngôi mộ. Đầu năm 2011, nghĩa trang bị đóng cửa để chuẩn bị bồi thường, di dời giải tỏa với 58 hộ dân bị ảnh hưởng.

Năm 2013, dự án chính thức nằm trong danh sách được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 với kinh phí đầu tư gần 2.500 tỉ đồng. Việc di dời nghĩa trang cũng tạo bộ mặt đô thị, giải quyết tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội tại khu vực.

Dự kiến toàn bộ khu đất tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ làm công viên cây xanh, quảng trường và hai cụm trường học (sáu trường) để 300.000 người dân bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều năm qua thụ hưởng sự thay đổi.

Bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa: 'Cuộc sống" ở nơi dự kiến thành công viên, trường học - Ảnh 4.

Xóm trọ nghèo ẩn mình trong khu nghĩa trang là nơi tạm cư của nhiều hộ dân, trong đó có ông Trương Văn Hùng. Đã gần 70 tuổi nhưng ông sống một mình, hằng ngày nhặt ve chai để nuôi sống bản thân và sáu con chó, mèo trong nhà. Nghĩ đến việc sẽ rời đi, ông vừa trăn trở về chi phí vừa không nỡ xa nơi tạm cư thân thuộc - Ảnh: T.T.D.

Bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa: 'Cuộc sống" ở nơi dự kiến thành công viên, trường học - Ảnh 5.

Cặm cụi xây dựng lại ngôi mộ đổ bể được thuê làm, ông Trương Quang Đại (trái) cho biết gia đình ông hai thế hệ đều hành nghề bóc tách, lau dọn và sơn sửa mộ. Dù Nhà nước đã có chủ trương di dời nghĩa trang nhưng với ông, “còn ở đây ngày nào thì vẫn phải mưu sinh để kiếm cái ăn, cái mặc” - Ảnh: T.T.D.

Bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa: 'Cuộc sống" ở nơi dự kiến thành công viên, trường học - Ảnh 6.

Không chỉ lo lắng về nơi ăn chốn ở, người dân khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng luôn phải canh cánh với tệ nạn hút chích tại khu vực này bởi kim tiêm để bừa bãi khắp nơi - Ảnh: T.T.D.

Dành hết đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa làm công viên, trường họcDành hết đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa làm công viên, trường học

Dự kiến toàn bộ khu đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau khi di dời mộ sẽ được làm công viên cây xanh, quảng trường và hai cụm trường học (6 trường), thay vì dành một phần làm thương mại, nhà ở như dự kiến trước đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên