17/12/2015 11:36 GMT+7

Đại sứ "Tây" ở Ta - Kỳ 11: Ông đại sứ mê chụp ảnh

QUỲNH TRUNG - 
VÕ VĂN THÀNH
QUỲNH TRUNG - 
VÕ VĂN THÀNH

TT - Ông là Fukada Hiroshi, một người có làn da ngăm đen và gây ấn tượng cho người đối diện bởi phong thái gần gũi cùng nụ cười hiền từ.

Đại sứ Fukada Hiroshi - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đại sứ Fukada Hiroshi - Ảnh: Nguyễn Khánh

Năm 1994, một người Nhật trẻ tuổi rong ruổi khắp phố cổ Hà Nội với chiếc máy ảnh trên tay và say mê chụp. Hàng trăm tấm hình về sinh hoạt, cuộc sống của người dân địa phương đã được anh lưu lại. 19 năm sau, năm 2013, người Nhật trẻ tuổi đó nay đã là một người đàn ông tóc hoa râm quay lại Việt Nam với tư cách đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật Bản.

“Đồng âm cộng hưởng”

Trước khi đến Việt Nam, ông là đại sứ tại quốc gia Tây Phi Senegal. “Ban đầu tôi nghĩ rất đơn giản là đi từ một đất nước thời tiết nóng sang một đất nước cũng có thời tiết nóng. Tuy nhiên, sau khi đã bỏ công sức tìm hiểu về Việt Nam, tôi cảm thấy hạnh phúc và rất vinh dự khi trở thành đại sứ ở đất nước các bạn”, đại sứ Fukada cười tươi trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ tại nhà riêng trên phố Vạn Phúc.

Một cách tự nhiên, câu chuyện giữa chúng tôi và ngài đại sứ được bắt đầu bằng những hình ảnh xúc động về tình cảm giữa hai nước Việt - Nhật, khi thảm họa kép động đất - sóng thần đổ vào đất nước mặt trời mọc tháng 3-2011.

Lúc bấy giờ, theo lời kể của một nhân viên sứ quán Nhật, thảm họa ập đến quá bất ngờ nên sứ quán chưa kịp tổ chức lễ tưởng niệm, chưa làm chỗ đặt hoa, đặt nến. Dù vậy rất nhiều người Việt đã xếp hàng dài trước sứ quán để chia sẻ đau thương với nhân dân Nhật.

“Từng người một đã không quản mưa nắng đến chờ để được chia sẻ cảm nghĩ vào quyển sổ tưởng niệm. Nhiều người còn dành thời gian xếp hạc giấy. Có những cụ già về hưu chắt chiu từng đồng để đóng góp hỗ trợ các nạn nhân. Những người khác gửi đến những bức tranh được kết từ hoa anh đào để chia sẻ, động viên nhân dân Nhật Bản” - nhân viên này nhớ lại.

Đại sứ Fukada (thứ hai từ trái) chụp hình cùng các anh thợ cắt tóc trẻ măng ở phố cổ Hà Nội năm 1994 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đại sứ Fukada (thứ hai từ trái) chụp hình cùng các anh thợ cắt tóc trẻ măng ở phố cổ Hà Nội năm 1994 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau đó, sứ quán treo một tấm biểu ngữ trước cổng sứ quán nhằm bày tỏ lòng biết ơn của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đối với nhân dân Việt Nam trong vòng một năm trời. Hiện hình ảnh tấm biểu ngữ này vẫn còn được lưu giữ tại sứ quán.

Khi nhận nhiệm sở, được nghe kể lại những câu chuyện trên, đại sứ Fukada rất xúc động. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông nói dù Nhật Bản hứng chịu thiệt hại kinh tế lớn vào thời điểm đó nhưng nước này vẫn duy trì mức viện trợ ODA cao để giúp Việt Nam phát triển. Điều đó đã phản ánh mối quan hệ khắng khít giữa hai dân tộc và còn thể hiện Nhật Bản và Việt Nam không chỉ có những kết nối về lợi ích kinh tế.

Đại sứ Fukada chia sẻ ông cảm nhận được sự “đồng âm cộng hưởng” giữa hai dân tộc trong thời gian qua. Hai dân tộc chia sẻ nhiều nét văn hóa và suy nghĩ, trong đó có sự nhẫn nại và rộng lượng.

Đại sứ Fukada còn nhớ đầu những năm 1990, khi ông đang đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng hợp tác phát triển, Cục Hợp tác kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông đã gặp rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn của Nhật Bản mong muốn đầu tư vào VN.

Trong số đó, thật ngạc nhiên là có những doanh nghiệp Nhật đầu tư vào VN không chỉ vì nguồn lao động dồi dào giá rẻ, mà họ đến VN với tâm niệm muốn hỗ trợ VN phát triển. Hiện nay dù kinh tế Nhật Bản và VN có sự chênh lệch về trình độ phát triển, nhưng hai nước có thể bổ khuyết cho nhau. Đặc biệt là chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy sự liên kết kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Một người thợ hớt tóc trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh: Fukada Hiroshi chụp năm 1994
Một người thợ hớt tóc trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh: Fukada Hiroshi chụp năm 1994

Đi tìm cố nhân

Trong giới ngoại giao ở Hà Nội, ít ai biết rằng đại sứ Fukada là một trong những người đã góp phần đặt những viên gạch cho sự gắn kết giữa hai nền kinh tế Nhật - Việt từ 20 năm trước.

Đại sứ Fukada Hiroshi cho biết lúc đó Việt Nam còn rất nghèo song ông vẫn cảm nhận được năng lượng sống tràn trề của người dân ở khu phố cổ. Kể đến đây, ông đề nghị ngưng cuộc trò chuyện trong chốc lát và chạy lên phòng làm việc tìm lại những tấm ảnh ông chụp ngày xưa. Rồi ông chỉ cho chúng tôi một loạt tấm ảnh vẫn được lưu giữ từ 20 năm trước, và cẩn thận lưu những tấm ảnh này vào một chiếc thẻ nhớ tặng cho chúng tôi.

Hà Nội những năm đầu thập niên 1990 hiện lên trong ảnh của Fukada thật bình yên với những mái ngói lô xô, cửa hàng tạp hóa tràn ra vỉa hè, hàng ăn nằm bên phố nhỏ với dãy xe Cub Nhật đời mới là tài sản lớn lúc bấy giờ, các nữ sinh với áo dài trắng thong dong đạp xe trên phố... “Đến giờ, tôi vẫn rất trân trọng những bức ảnh quý này. Tôi ước ao gặp lại những người mà mình đã chụp ảnh lúc đó”, đại sứ Fukada Hiroshi mở lòng.

Đại sứ Fukada cho biết trong số những bức ảnh ông chụp ở phố cổ Hà Nội, có hai bức ảnh mà ông nhớ nhất. Đầu tiên là tấm ông chụp một cửa hiệu ảnh nằm sâu trong phố cổ, còn tấm thứ hai là về một cô bé Hà thành có khuôn mặt thiên thần. Ngay khi trở lại Việt Nam, ông đã giấu thân phận đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản để một mình lặn lội đi tìm cửa hiệu ảnh ngày xưa, nhưng thật tiếc là cửa hiệu này đã thay chủ mới.

“Tôi cho ông chủ mới của cửa hàng xem những bức ảnh này và nói những bức ảnh này được chụp cách đây 20 năm. Người chủ rất ngạc nhiên. Sau đó tôi hỏi cuộc sống của người chủ năm xưa thì người chủ hiện tại bảo họ đã đi nơi khác, đã lập gia đình và sinh con”, đại sứ Fukada nhớ lại với vẻ mặt trầm ngâm.

Về bức ảnh thứ hai, đại sứ Fukada kể rằng khi ông đang đi dạo trên phố thì gặp một cô bé rất dễ thương với khuôn mặt và đôi mắt tròn, trong veo như một thiên thần. Ngay lập tức ông nghĩ rằng đây sẽ là một nhân vật cho khung hình của mình. Ông tặng cô bé một hộp kẹo sôcôla và đề nghị chụp ảnh kỷ niệm với gia đình cô bé. Gia đình rất vui vẻ và cô bé cũng có vẻ tự nhiên trước ống kính.

Sau bao nhiêu năm, ngài đại sứ vẫn canh cánh trong lòng làm sao để tặng nhân vật năm xưa một tấm hình của cô nhưng thời gian như nước trôi qua cầu, biết cô bé năm xưa nay đâu rồi?

Cảm giác bồi hồi khi thăm lại phố cổ sau hai thập kỷ vẫn còn nguyên vẹn trong giọng nói của đại sứ Fukada khi ông trò chuyện với chúng tôi. 20 năm là khoảng thời gian dài của đời người, khi đến Việt Nam lần đầu ông Fukada Hiroshi đã cảm nhận rõ sự thân thiện của người VN cũng như nhiệt huyết của người dân địa phương trong việc phát triển đất nước. Và khi ông quay lại VN, điều này vẫn không thay đổi, đối với ông đó là một đặc điểm vô cùng đặc biệt.

Tuy nhiên, có một điều đại sứ Fukada cảm thấy tiếc nuối chính là hiện nay ông ít được chứng kiến cảnh nhiều nữ sinh mặc áo dài đạp xe như trước đây. Ông bảo mình đặc biệt ấn tượng với tà áo dài nữ sinh ở Văn Miếu, xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Với tư cách một nhà nhiếp ảnh chứ không phải là một nhà ngoại giao, ông Fukada nói rằng những khung hình người dân VN đang quây quần bên mâm cơm gia đình hoặc đang làm việc, đi lại trên phố với năng lượng tràn đầy luôn là chủ đề yêu thích của ông. Chính vì vậy, những lúc rảnh rỗi, ông lại dành thời gian đọc những cuốn sách về Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng Nhật và đặc biệt là... vác máy ảnh xuống phố.

_____________

Kỳ tới: Trong thánh đường Al-Noor Hà Nội

QUỲNH TRUNG - 
VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên