16/12/2015 14:00 GMT+7

Đại sứ "Tây" ở Ta - Kỳ 10: “Hãy gọi tôi là Camilla”

QUỲNH TRUNG - 
VÕ VĂN THÀNH
QUỲNH TRUNG - 
VÕ VĂN THÀNH

TT - Khi Thụy Điển quyết định đóng cửa sứ quán tại Việt Nam vào năm 2010, bà Camilla Mellander đang là phó đại sứ Thụy Điển ở Israel.

Đại sứ Camilla Mellander cùng hai con - Ảnh: Quỳnh Trung
Đại sứ Camilla Mellander cùng hai con - Ảnh: Quỳnh Trung

Nhà ngoại giao Bắc Âu xinh đẹp này có thể sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Đức và Do Thái... 

Và với năng khiếu học ngoại ngữ của mình, bà cũng tìm hiểu về tiếng Việt. Lý do là bà Camilla đã được bổ nhiệm làm đại sứ tại Việt Nam vào tháng 8-2012, sau khi Chính phủ Thụy Điển bất ngờ rút lại quyết định ngừng hoạt động sứ quán ở Việt Nam vào tháng 12-2011.

“Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được bổ nhiệm làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Việt Nam sau quyết định đảo ngược đó, vì Việt Nam là một trong số ít các nước mà Thụy Điển có mối quan hệ đặc biệt cũng như có nhiều công dân Thụy Điển sinh sống và làm việc ở đây” - bà Camilla chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Thử thách với nữ đại sứ

Nhận nhiệm vụ mới, bà Camilla bay qua Hà Nội “một nách hai con”. Chồng bà đang công tác tại Bộ Ngoại giao Thụy Điển (thủ đô Stockholm) nên không thể đi theo bà trong chế độ phu quân.

Một mình chăm sóc hai đứa con sinh đôi (một trai, một gái) ở tuổi 12, thử thách không dễ vượt qua đối với nữ đại sứ là làm sao cân bằng giữa gia đình và công việc.

Một ngày của bà Camilla bắt đầu lúc 6g sáng để có đủ thời gian đưa hai con đi học tại trường Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội.

Sau đó bà bắt đầu kiểm tra lịch công việc phải làm trong ngày, thường là những cuộc họp hoặc gặp gỡ đối tác, làm việc với các doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam, nếu có các dự án ở tỉnh xa thì bà phải sắp xếp thực hiện những chuyến công tác dài ngày.

Dù bận rộn thế nào chăng nữa bà Camilla vẫn cố gắng thu xếp công việc để có mặt tại buổi khai giảng và tổng kết năm học của hai con để thể hiện sự ủng hộ về mặt tinh thần. “Điều này thì có vẻ như người Thụy Điển và người Việt Nam đều giống nhau” - bà Camilla cười nói.

“Thường trong những chuyến công tác xa, bà Camilla phải nhờ chồng từ Thụy Điển qua trông nom hai con. Hiếm có trường hợp nào hai đứa trẻ không có bố mẹ bên cạnh, vì người Thụy Điển quan niệm rằng không ai chăm sóc con cái tốt hơn bố hoặc mẹ.

Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong năm gia đình họ hiếm khi có dịp đoàn tụ. Vợ chồng chấp nhận sống xa nhau để hoàn thành công việc” - một nhân viên sứ quán tiết lộ.

Bà Camilla tâm sự: “Tôi cố gắng hoàn thành công việc trước 5g chiều để dành thời gian cho con. Tôi thường dẫn bọn nhỏ đi thưởng thức nghệ thuật ở Hà Nội để chúng tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Tôi không nói mình cân bằng thời gian một cách hoàn hảo nhưng tôi luôn cố gắng hết sức.

Tôi nghĩ hiện nay nhiều phụ nữ muốn phát triển sự nghiệp và không muốn từ bỏ đam mê của mình. Tôi rất thích nghề ngoại giao vì nếu bạn là đại sứ, bạn có thể tạo sự khác biệt”.

Các nhân viên người Việt của sứ quán Thụy Điển cho biết dường như không có khoảng cách giữa sếp và nhân viên khi làm việc cùng bà Camilla.

Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ đại sứ, bà nói với các nhân viên rằng hãy gọi bà bằng tên thân mật là Camilla và cửa phòng bà luôn rộng mở, bất cứ nhân viên ở mọi cấp bậc có thể trình bày và trao đổi ý kiến với bà mà không cần hẹn trước.

Bà Camilla Mellander uống bia hơi vỉa hè cùng bạn bè ở ngã tư Tạ Hiện (Hà Nội) - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Camilla Mellander uống bia hơi vỉa hè cùng bạn bè ở ngã tư Tạ Hiện (Hà Nội) - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Được làm việc ở Việt Nam là một phần thưởng...”

Bà Camilla chia sẻ với chúng tôi rằng hình ảnh một đất nước năng động chính là ấn tượng đầu tiên của bà khi đến Việt Nam.

“Ở mọi ngã tư, bạn có thể thấy người địa phương buôn bán như mở quán ăn, cửa hiệu. Người dân tìm thấy cơ hội kinh doanh ở khắp mọi nơi, thậm chí trên vỉa hè”, bà bồi hồi nhớ lại.

Có lần nữ đại sứ cùng chồng tản bộ ở khu trung tâm Hà Nội lúc sáng sớm, vợ chồng bà trông thấy người dân mang theo một máy cassette đến vườn hoa Lý Thái Tổ. Sau đó nhiều người tề tựu lại nhảy. Họ thậm chí còn mời vợ chồng bà tham gia.

“Đó là một hình ảnh vô cùng đẹp và thú vị. Chúng tôi sau đó cùng nhảy với họ các điệu salsa, tango. Họ là những vũ công rất giỏi”, bà nói.

Từ đó cảm giác thích thú luôn đến với bà Camilla vào mỗi buổi sáng sớm, khi bà lướt đi trên đường phố và nhìn thấy người dân địa phương tập thể dục ở hầu hết mọi con phố, người già đi bộ, thanh niên đánh cầu lông, các em nhỏ đạp xe, chị em phụ nữ tập thể dục nhịp điệu...

“Đó là một nét văn hóa độc đáo. Người dân Việt Nam không cần một sân vận động hay một trung tâm hiện đại để tập thể dục như ở Thụy Điển. Người Việt Nam tập ngay công viên, trên đường phố. Ở Thụy Điển không bao giờ có hình ảnh như thế này”, bà nhận xét.

Đại sứ Camilla cho biết sau giờ làm việc, bà thích tham gia các hoạt động văn hóa của người địa phương, thỉnh thoảng bà cùng chị Thảo (một người bạn Việt Nam thân thiết) đi dạo phố cổ, thăm viếng các ngôi chùa, hoặc thậm chí uống bia hơi vỉa hè ở ngã tư phố Tạ Hiện - nơi được ví như phố “Liên Hiệp Quốc” tại Hà Nội vì luôn nhộn nhịp du khách bốn phương.

Khi sứ quán mời đầu bếp Thụy Điển Tareq Taylor sang Việt Nam quảng bá ẩm thực Thụy Điển năm 2014, bà Camilla đã dẫn ông Tareq Taylor đi ăn bún chả Hàng Mành ở phố cổ Hà Nội, rồi sau đó nảy ra ý tưởng để đầu bếp Tareq Taylor nấu món bún chả theo hương vị Thụy Điển.

Trong sự kiện ẩm thực này (diễn ra trong một ngày), bà Camilla đã cho các nhân viên mua ghế nhựa về để tạo ra một quán cà phê vỉa hè trước cửa sứ quán, qua đó thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia. Một ý tưởng độc đáo nhờ để ý quan sát thói quen cà phê của người Hà Nội.

Với vai trò là đồng chủ tọa Nhóm điều phối không chính thức của các đại sứ và đại diện các cơ quan quốc tế về bình đẳng giới, bà còn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Chẳng hạn như bà đưa ra sáng kiến dự án tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cấp ra quyết định ở tỉnh Đắk Nông và đến tỉnh Hà Giang khảo sát thực tế về tình trạng buôn bán phụ nữ qua đường biên giới.

Với sự khéo léo của phụ nữ, bà Camilla đã vận động các nhà ngoại giao nam tham gia các dự án bảo vệ nữ quyền của mình. Kết quả là trong hai chuyến đi thực tế trên, hầu hết những người tham dự là nam giới, trong đó có đại sứ Canada, phó đại sứ Iceland...

Với những đóng góp của mình, bà Camilla được Chính phủ Thụy Điển trao tặng giải ngoại giao xuất sắc nhất về xúc tiến năm 2014. Đây là phần thưởng mơ ước của các đại sứ Thụy Điển ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới - một nhân viên sứ quán cho biết.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới, bà Camilla còn nhớ lúc bấy giờ quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển là độc nhất vô nhị, vì Thụy Điển đã chấp nhận mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt với Mỹ khi quyết định công nhận và ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh.

Giờ đây trên cương vị đại sứ, bà Camilla chia sẻ “được làm việc ở Việt Nam là một phần thưởng vì tôi có thể tìm hiểu và học hỏi những điều mới mẻ từ một nước châu Á từng có mối quan hệ độc đáo với Thụy Điển”.

__________

Kỳ tới: Ông đại sứ mê chụp ảnh

QUỲNH TRUNG - 
VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên