14/12/2015 12:54 GMT+7

Đại sứ "Tây" ở Ta - Kỳ 8: Việt Nam, với tôi, là trở về…

HA CHAN HO (Nguyên đại sứ 
Hàn Quốc tại Việt Nam)
HA CHAN HO (Nguyên đại sứ 
Hàn Quốc tại Việt Nam)

TT - Rất nhiều người hỏi tôi: “Vì sao ông chọn trở lại Việt Nam sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ?”. Câu hỏi thật thú vị nhưng tôi thích được thay cụm từ “trở lại” bằng “trở về Việt Nam”.

Ông Ha Chan Ho về Làng Sen, Nghệ An thăm mái nhà tranh quê Bác cùng tổng giám đốc Samsung VN Han Myoungsup đầu năm 2015 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Ha Chan Ho về Làng Sen, Nghệ An thăm mái nhà tranh quê Bác cùng tổng giám đốc Samsung VN Han Myoungsup đầu năm 2015 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dường như trong huyết quản của tôi luôn chảy sẵn một dòng máu Việt, đến mức nhiều người lầm tưởng tôi là người Việt Nam.

Từ bỏ “lương cao, bổng hậu” để làm viên chức ngoại giao

Tôi bẩm sinh không phải là một nhà ngoại giao, và trong suốt thời kỳ đi học chưa từng nghĩ đến một ngày sẽ là đại sứ. Năm 1976, tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, tôi nhận được công việc đáng mơ ước tại Ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc (Korea Exchange Bank).

Công việc ổn định, thu nhập cao nhưng tôi không thấy hạnh phúc, cho đến khi ước mơ trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp bùng cháy.

Có thể nhiều bạn trẻ sẽ thấy khó hiểu, nhưng được làm việc trong ngành ngoại giao là niềm tự hào vô cùng lớn với các thanh niên Hàn Quốc khi đó.

Vào cuối thập kỷ 1970, Hàn Quốc đang ào ạt chuyển mình từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu sang quốc gia phát triển bùng nổ ở mức tăng trưởng GDP 8,5% mỗi năm.

Là một người trẻ, hoài bão của tôi không dừng ở việc lương cao, bổng hậu mà thật sự khát khao được đóng góp cho đất nước.

Hãy so sánh thế này, mức lương tôi nhận được tại ngân hàng khi đó chừng 300 USD/tháng (tương đương 2.000 USD hiện nay), thì công việc xuất phát điểm trong Bộ Ngoại giao với sức ép lớn hơn nhiều nhưng lương chỉ chừng 120 USD/tháng.

Bởi quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc là làm công chức để phục vụ đất nước chứ không phải để làm giàu. Nhưng mức lương thấp không làm giảm sự nhiệt thành tuổi trẻ, điển hình là tỉ lệ xét tuyển vào ngành ngoại giao khi đó là 50/10.000 người.

Tôi phải vượt qua kỳ thi tuyển chọn gắt gao gồm ba vòng để vào Bộ Ngoại giao. Phần lớn ứng viên dành khoảng bốn năm ôn thi để vượt qua kỳ thi này, còn tôi đặt mục tiêu chỉ cho phép mình ôn luyện trong hai năm.

Trong thời gian đó, ban ngày tôi đi làm ở ngân hàng, tối về chong đèn học. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng.

Nỗ lực được đền bù khi tôi trúng tuyển Bộ Ngoại giao Hàn Quốc năm 25 tuổi. Cuộc sống viên chức thật khó khăn, khi mức lương trước đó của tôi ở ngân hàng đủ để nuôi sống cả gia đình, thì giờ đây tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ để có thể nuôi vợ con. Nhưng cả gia đình đều tự hào và ủng hộ tôi.

Cuộc đời ngoại giao suốt 35 năm sau đó đã đưa tôi đến nhiều vùng đất, nhiều quốc gia từ châu Âu, Trung Á cho đến Bắc Mỹ, với vô số trải nghiệm khó quên.

Chẳng hạn như khi tôi đảm nhận nhiệm kỳ tại Iraq vào đúng thời kỳ cuộc chiến của Mỹ lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein, khiến vật bất ly thân khi đó là áo giáp chống đạn.

Rời Iraq, xứ sở sa mạc với nhiệt độ ban ngày có thể lên đến 50 độ C, tôi đến với mùa đông Canada tuyết trắng với nhiệt độ luôn ở mức âm 20 độ C. Một sự chênh lệch quả là đáng kể về thời tiết cũng như ngoại cảnh.

Mối duyên với Việt Nam bắt đầu khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak sau chuyến thăm Canada đã đề nghị Bộ Ngoại giao: “Đại sứ Ha Chan Ho là một người rất năng động. Nên để ông ấy đến Việt Nam”.

Khi nhận quyết định tôi hơi sững sờ với cảm giác về “một sự giáng chức”!

Nguyên đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho chụp hình cùng sinh viên tại Đại học Soongsil (Seoul, Hàn Quốc) nơi ông từng giảng dạy - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyên đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho chụp hình cùng sinh viên tại Đại học Soongsil (Seoul, Hàn Quốc) nơi ông từng giảng dạy - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tế bào” Việt Nam trong huyết mạch

Một cách chân thực, ấn tượng ban đầu của tôi về Việt Nam không tốt lắm. Trên chặng đường từ sân bay Nội Bài vào trung tâm Hà Nội, tôi cảm thấy bối rối khi quá nhiều xe máy trên đường với những cú lượn lách thót tim và ngổn ngang công trình xây dựng dang dở xung quanh.

Nhưng chỉ sau một tuần, tôi phát hiện Hà Nội là một thành phố vô cùng năng động và tình yêu bắt đầu từ đó. Tôi dành nhiều thời gian đi bộ và đặc biệt yêu thích sự xen lẫn màu tím của bằng lăng và hoa phượng đỏ đang nở rộ trên các con phố.

Rất khó để giải thích tại sao, nhưng tôi có cảm giác trong huyết mạch của mình đã có sẵn một tế bào mang tên Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ gần ba năm (2011-2013), tôi đã đi hầu khắp tỉnh thành tại Việt Nam để nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Lúc đó, tôi mới hiểu quyết định của Tổng thống Lee Myung Bak là “một phần thưởng” cho mình.

Nhiệm kỳ của tôi cũng đúng dịp kỷ niệm 20 năm Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức (1992-2012).

Nếu như khi còn là đại sứ tại Canada, số lượng các đoàn cấp cao Hàn Quốc mà tôi được tiếp đón chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì thời gian làm đại sứ ở VN cứ cách tuần lại có một chuyến thăm cấp cao.

Tần suất các chuyến thăm cũng chính là minh chứng tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc. Nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun Hye cũng đã chọn Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên ngay sau khi vừa nhậm chức năm 2013.

Trong nhiệm kỳ của mình, tôi tự hào về những dự án xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện tại hai tỉnh nghèo của Việt Nam là Lào Cai và Quảng Trị, thông qua vốn viện trợ không hoàn lại ODA. Bởi tôi mong mỏi được đóng góp điều gì đó cho Việt Nam, đặc biệt là người dân nghèo.

Tôi không thể quên chuyến đi đến Rạch Giá, Kiên Giang, nơi những ngôi nhà nhỏ lúp xúp nằm san sát nhau dọc các con sông và dòng kênh, với phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe hoặc xuồng nhỏ. Nguồn nước cho sinh hoạt người dân địa phương đều lấy trực tiếp từ sông ngòi.

Cuộc sống như vậy nhưng nụ cười luôn bừng nở trên khuôn mặt mỗi người dân tôi gặp. Đó chính là sức sống Việt Nam.

Tôi có nhiều trải nghiệm đáng nhớ với đặc sản địa phương như món rắn hổ mang. Để chiêu đãi đại sứ Hàn Quốc, mọi người ưu ái gắp cho tôi những phần ngon nhất, nhưng thú thật trong đầu tôi lúc đó chỉ hình dung ra cái mang phình rộng và cái đuôi trườn ngoằn ngoèo của con rắn.

Tôi chưa từng ăn thịt rắn trước đó! Nhưng món thịt cuối cùng vẫn được tôi nuốt gọn vì tôi không muốn phụ lòng hiếu khách của địa phương. Sau bữa tiệc đó, tôi bị một trận đau bụng nhớ đời.

Những trải nghiệm đó là một phần trong dòng chảy đầy sôi động của những năm tháng nhiệm kỳ khó quên của tôi tại Việt Nam. Nói cho đúng hơn, khoảng thời gian làm đại sứ ở Việt Nam chính là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ngoại giao 35 năm của tôi.

________

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: “Con rể” Việt Nam

>> Kỳ 2: Chuyến bay đặc biệt của chủ tịch Arafat

>> Kỳ 3: ​Cùng Saadi ở Palestine

>> Kỳ 4: Ted Osius đạp xe xuyên Việt 

>> Kỳ 5: Đội mưa lên chùa báo hiếu

>> Kỳ 6: Ông “đại sứ Giờ Trái đất” cao 1,96m

>> Kỳ 7: Duyên phận đặc biệt của đại sứ Pháp

______________

Kỳ tới: Cất cánh đi, Việt Nam!

“Chính phủ Hàn Quốc không chấp nhận bất cứ lý do nào để biện minh cho việc không hoàn thành kế hoạch phát triển với châm ngôn: “Mọi việc đều có thể làm được”.

Tại Việt Nam, kế hoạch luôn được đề ra đúng hướng nhưng kết quả luôn “có nhiều điểm chưa đạt được” và lý do biện minh thường được chấp nhận dễ dàng...

... Tại sao “kỳ tích sông Hồng” vẫn là giấc mơ ?” (Ha Chan Ho).

HA CHAN HO (Nguyên đại sứ 
Hàn Quốc tại Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên