Người thương binh thành bác sĩ giúp đời

Buổi chiều ở Nha Trang, những cựu chiến binh và thương binh chiến trường Campuchia ngồi ôn ký ức buồn vui.

Người thương binh thành bác sĩ giúp đời - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng cùng đồng đội và quân nhân Campuchia trao tặng quà kỷ niệm chuyến đi thắp nhang liệt sĩ vào ngày 21-7-2025 tại Udor Meanchey

Chuyện bị đứt đoạn bởi liên tục cuộc điện thoại của đồng đội từ Pleiku, Đức Cơ gọi xuống, từ Đà Nẵng gọi vô và cả bạn lính từ Stung Treng gọi qua cho Nguyễn Văn Xáng - người thương binh năm nào đã trở thành bác sĩ giúp đời, giúp đồng đội.

3h sáng mai, các anh em ở đây lên xe hành quân về tập kết tại cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ) để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng hằng năm dành cho đồng đội, những anh hùng liệt sĩ đã nằm lại tại các nghĩa trang dọc biên giới...

Viết đơn xin nhập ngũ

Kết thúc năm học cuối cấp III (1978), chàng trai Nguyễn Văn Xáng tròn 18 tuổi. Tin tức cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc vọng về. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Xáng đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội và được chấp thuận ngay.

Ngày 30-9-1978, anh cùng đơn vị hành quân lên Gia Lai, ra thẳng biên giới và đặt chân lên đất K. Đội hình đơn vị anh thuộc trung đoàn 93, sư đoàn 2 (E93 F2) QK5, tiến đánh hướng Đức Cơ - Stung Treng.

Những trận đánh máu lửa theo bước chân người lính trên khắp vùng rừng núi, làng mạc đất nước chùa tháp. Vừa hành quân, vừa đánh trận, vừa huấn luyện, nên những tân binh như Xáng đã trưởng thành nhanh chóng. Anh về trung đội vệ binh của trung đoàn bộ 93. Nhiệm vụ vệ binh là theo sát bảo vệ các cán bộ chỉ huy trung đoàn đi trinh sát, điều nghiên trước trận đánh.

Và một buổi chiều định mệnh đã gọi tên Xáng. Trong trận đụng độ ác liệt với quân Pôn Pốt, một quả đạn DKZ-82 bắn trúng vào nơi Xáng trong đội hình chiến đấu của đơn vị. Anh chỉ nhớ một ánh chớp lửa sáng lóe trùm lên gần anh. Và khi tỉnh lại, anh đã thấy mình nằm ở bệnh xá tiền phương của sư đoàn!

thương binh - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng và đại tướng Seng Sareu (Campuchia) dưới chân Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại tỉnh Udor Meanchey

Từ thương binh trở thành bác sĩ

Những tháng ngày nằm ở trạm xá dã chiến rồi chuyển về bệnh viện hậu cứ, Xáng đã tận mắt thấy sự gian khổ mà đầy tận tụy, tình thương đối với thương binh của các y tá, bác sĩ.

Họ không nề hà quản ngại khi chăm sóc, bón từng muỗng cháo, ân cần nhắc nhở uống thuốc, thay quần áo cho thương binh nặng. Những ca thương binh về trong đêm, bất kỳ giờ nào họ cũng đón nhận, chăm sóc, chữa trị không một lời than thở... Có lần tận mắt Xáng chứng kiến một đại úy - bác sĩ quê Nghệ Tĩnh, sau một ca mổ kéo dài 4-5 tiếng đồng hồ, khi bước ra khỏi trạm phẫu anh đã kiệt sức, gục ngã.

Thời còn trên ghế nhà trường, Xáng từng mơ ước sau này sẽ học ngành địa chất để được đi khám phá tài nguyên đất nước. Thế nhưng, sau những ngày tháng nằm bệnh viện, anh cảm phục các thầy thuốc quân y, và anh đã thay đổi ước mơ: nhất định sẽ thi vào trường y, học làm bác sĩ cứu giúp đồng đội và giúp đời.

Cuối năm 1980, sau khi điều trị, Xáng xuất ngũ với tấm thẻ thương binh ¾, mất sức 41%. Bằng tất cả sự quyết tâm như chính ý chí người lính trên chiến trường, anh cố gắng ôn luyện và đã thi đỗ Trường đại học Y khoa Huế. Đặc biệt, anh là thủ khoa môn sinh với 7,5 điểm.

Và cũng với ý chí người lính, Xáng đã vượt qua những năm học thời đất nước còn quá khó khăn. Với tiêu chuẩn sinh viên, 12kg lương thực/tháng, cái đói gần như thường trực. "Chúng tôi lên giảng đường học cũng đói, ngủ cũng đói, thế mà lứa chúng tôi có lẽ đã quen với cái đói rồi nên vẫn thể dục thể thao hằng ngày, lạc quan tương lai. Tôi thuộc diện trợ cấp khó khăn, có học bổng vì hoàn cảnh gia đình nghèo và thương binh, nên tôi san sẻ chút nhu yếu phẩm cho bạn học cùng phòng.

Một kỷ niệm tôi không thể nào quên được trong mùa bão lụt miền Trung năm 1983, đôi giày đặc biệt dành cho thương binh chân thấp chân cao của tôi đã trôi mất theo dòng lũ. Tôi phải lặn lội vào Đà Nẵng, ở lại hai ngày để làm lại đôi giày thương binh có đế chênh nhau 5cm để mang đi học..." - anh Xáng tâm sự.

Cuối năm 1986 khi anh tốt nghiệp, nhà trường muốn giữ anh lại để làm cán bộ giảng dạy, nhưng anh nhất quyết xin về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa - quê hương thứ hai của mình. Xáng sinh ở Phú Vang (Huế), năm 1968 do chiến tranh ngày càng khốc liệt nên ba mẹ anh đã chuyển vào Nha Trang.

Giúp đời, giúp đồng đội

Một bác sĩ vừa ra trường, lại là một thương binh nặng, anh phải tìm tòi học hỏi thêm chuyên môn để theo nghề, theo kịp đồng nghiệp. Với những nỗ lực không ngừng, anh đã được tin giao nhiều vị trí như phó phòng y vụ, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, rồi lên làm phó giám đốc, rồi năm 2014 anh được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho đến lúc nghỉ hưu năm 2020.

Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, người thương binh - bác sĩ Nguyễn Văn Xáng đều hoàn thành nhiệm vụ được tổ chức giao phó. Ngoài chuyên môn, anh rất tích cực tham gia hoạt động xã hội. 

Là chủ tịch chi hội cựu chiến binh Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ hội cựu chiến binh tỉnh như khám chữa bệnh và tầm soát bệnh định kỳ cho đồng đội là những cựu chiến binh, thương binh có hoàn cảnh khó khăn. Anh cũng vận động kinh phí mua máy trợ thính, xe lăn, nạng tặng những anh em thương binh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt...

Những ngày cuối tháng 7 này, Xáng cùng anh Nguyễn Kính, cũng là thương binh 2/4 mà ngày trước từng chiến đấu cùng trung đội, tổ chức đoàn trở lại chiến trường xưa, thắp nhang cho anh linh các liệt sĩ. Đoàn tập kết tại Đức Cơ cùng một số cựu chiến binh ở Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đà Nẵng về... đi các nghĩa trang để thắp hương cho đồng đội.

Bác sĩ Xáng tâm sự: "Về hưu, mình lại bận rộn hơn ngày còn đi làm vì ít khi mình có mặt ở nhà, thường là có những chuyến đi tìm đồng đội còn sinh sống ở các tỉnh thành, và đi tìm hài cốt những bạn bè đã nằm lại đâu đó trên các nghĩa trang Tổ quốc...".

Với nhiều hoạt động tích cực hơn 30 năm đóng góp cho ngành y, năm 2008 bác sĩ Nguyễn Văn Xáng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2018, anh được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Bác sĩ Xáng cũng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc nhân dân vào năm 2020.

Nghĩa tình đồng đội

Người thương binh thành bác sĩ giúp đời - Ảnh 3.

Bác sĩ Xáng thăm đồng đội Báng tại Bệnh viên tâm thần Diên Khánh - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Xáng có rất nhiều kỷ niệm thân thương về nghĩa tình đồng đội: "Một hôm tôi gặp anh Mến, lính cùng đơn vị E93 với tôi. Mến kể anh nghe có đồng đội tên Báng bị bệnh tâm thần lang thang đâu đó, anh em mình phải làm sao tìm, giúp chữa bệnh và cuộc sống! Vợ Báng thì đi bán vé số, con thì người tâm thần nhẹ, người không nghề nghiệp gì, phải làm "thợ đụng" ai mướn việc gì thì làm nấy.

Tôi nghe mà thắt lòng, đi tìm hiểu ngay là anh Đinh Văn Báng, lính Phú Khánh nhập ngũ 1976. Lúc chiến đấu ở chiến trường K, tụi tôi cùng đơn vị E93-F2. Lính đánh trận liên tục, ăn ngủ ngày đêm trong rừng nên nhiều người bị sốt rét ác tính quật ngã. Báng cũng vậy, sau nhiều trận sốt lúc tại ngũ, khi về nhà anh thể trạng yếu, bệnh tái phát và tâm thần.

Chúng tôi gặp Báng, nhưng chính ảnh không còn biết ảnh là ai. Tụi tôi phải lên "kế hoạch tác chiến" như một trận đánh. Giờ G, anh em cựu binh đến nhà khuyên nhủ và "áp giải" Báng lên trại điều trị tâm thần ở Diên Khánh để chữa trị. Cứ hai tuần một lần, chúng tôi đóng góp kinh phí lên thăm anh.

Ngoài thuốc men điều trị, mỗi lần lên tụi tôi đều mang theo đàn ghita và lương khô, thức ăn nhẹ để cùng Báng ăn uống và hát hò như thời lính ở chiến trường. Hy vọng ký ức hào hùng sẽ giúp anh tỉnh dần...

Thế là Báng đã khỏi bệnh, về được nhà. Cuối năm đó, anh em đồng đội đã đến thăm mang quà tất niên cuối năm cho gia đình Báng. Nhìn anh đứng trước bàn thờ thắp hương cho ông bà tổ tiên, chúng tôi ai cũng rưng rưng muốn khóc".

Người thương binh thành bác sĩ giúp đời - Ảnh 4.Nữ thương binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang tâm sự với thanh thiếu niên cai nghiện ma túy

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi nhắc thanh thiếu niên đang cai nghiện phải cố gắng sớm tái hòa nhập, không để uổng phí thanh xuân, phải sống xứng đáng với máu xương của thế hệ đi trước đã hy sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên