15/12/2015 12:00 GMT+7

Đại sứ "Tây" ở Ta - Kỳ 9: Cất cánh đi, Việt Nam!

TT - Suốt thời kỳ gần ba năm làm đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và hai năm là cố vấn chiến lược cho Tập đoàn Samsung, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tại các trường đại học cũng như những địa phương tôi đã tới thăm.

Đại sứ Ha Chan Ho trong dịp thăm Trường đại học Thái Nguyên - Ảnh: TNU
Đại sứ Ha Chan Ho trong dịp thăm Trường đại học Thái Nguyên - Ảnh: TNU

Câu hỏi tôi thường nhận được là: “Theo ông, đâu là điểm yếu của thanh niên Việt Nam? Làm cách nào để có thể nắm bắt và tận dụng được các cơ hội đến từ dòng đầu tư nước ngoài?”.

Những đôi mắt sáng

Hãy chậm lại một chút trước khi đến với câu trả lời của tôi! Bởi, tôi cho rằng các câu hỏi này không nhằm mục đích đi tìm một đáp án cụ thể nào đó. Quan trọng hơn cả, câu hỏi đó đã thể hiện sự day dứt và cả những khát khao, mong mỏi của những người trẻ Việt Nam muốn hội nhập với thế giới.

Tôi có ấn tượng rất lớn trước tỉ lệ sinh viên đeo kính cận mà mình gặp tại các trường đại học. Thậm chí có những trường đại học tỉ lệ này chiếm đến 70% số lượng sinh viên có mặt trong khán phòng.

Hình thức không nói lên tất cả, nhưng có những chỉ dấu rõ ràng rằng những người đọc sách nhiều, sử dụng máy tính thường xuyên sẽ có nguy cơ giảm thị giác cao hơn. Tôi hi vọng chủ nhân những “cặp kính” mình gặp đều là sinh viên chăm chỉ.

Giờ tôi có thể đưa ra câu trả lời của mình. Rất đơn giản: “Học chăm chỉ, làm việc cần cù và nỗ lực hết sức”. Nếu như so sánh thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay với thế hệ trẻ Hàn Quốc ở thời kỳ của tôi, có thể khẳng định ngay thanh niên Việt Nam có khả năng quốc tế hóa tốt hơn nhiều.

Tôi còn nhớ buổi đối thoại với sinh viên Câu lạc bộ Hàn Quốc tại Đại học Ngoại thương, các em dù mới là sinh viên năm 2, năm 3 nhưng đã trực tiếp chất vấn tôi bằng tiếng Anh thuần thục với những câu hỏi rất hóc búa.

Về câu hỏi đầu tiên, tôi không thấy thanh niên Việt Nam có điểm yếu nào, mà thực tế họ rất thông minh, dám đón nhận thách thức và nỗ lực để phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mình. Nhưng tôi cũng để ý thấy câu trả lời này của mình không được đón nhận nhiệt tình.

Đó lại là một ngạc nhiên khác đối với tôi. Tôi nhìn thấy rất rõ tiềm năng của thanh niên Việt Nam, tôi tin vào thế hệ trẻ Việt Nam cũng như cơ hội mà họ có thể đón nhận, nhưng dường như các em chưa tin vào điều đó.

Tôi thấy một mặt người trẻ Việt Nam nóng lòng tìm kiếm cơ hội, nhưng mặt khác lại có vẻ chưa sẵn sàng để đón lấy.

Sinh viên và giới trẻ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nếu như họ mở rộng tầm nhìn hơn nữa ra ngoài biên giới quốc gia. Vị trí địa chiến lược ở trung tâm khu vực Đông Nam Á của Việt Nam là điều không có gì phải bàn cãi.

Việt Nam có tài nguyên phong phú và cả một thế hệ dân số vàng. Tất cả những điều này đều mang lại điều kiện hết sức cạnh tranh của Việt Nam nếu đặt trên bàn cân so sánh với Hàn Quốc - một quốc gia không tài nguyên.

Người Hàn Quốc hiểu rất rõ về bất lợi của đất nước mình nên họ chỉ có cách làm việc chăm chỉ và tập trung phát huy trí tuệ đất nước để thoát nghèo. Làm việc liên tục 16 giờ mỗi ngày là điều rất bình thường tại Hàn Quốc.

Kỳ tích sông Hồng: không phải giấc mơ xa vời

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Han Myoungsup, trong cuộc đối thoại với sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội hồi tháng 5-2015, đã gây bất ngờ khi hỏi có bao nhiêu người trong khán phòng xuất thân từ gia đình nông dân.

Gần một nửa trong số 500 sinh viên có mặt giơ tay. Và những tiếng cười ồ lên thích thú khi ông Han Myoungsup chia sẻ mình cũng sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, nên việc đồng áng với ông không có gì xa lạ.

Tuy nhiên, để đạt được thành công trong Tập đoàn Samsung như hiện nay, ông Han Myoungsup đã thường xuyên làm việc 16-18 giờ mỗi ngày khi còn là thanh niên trẻ vào 30 năm trước.

Thời kỳ đó, mỗi tháng Hàn Quốc chỉ được nghỉ một ngày chủ nhật để dồn sức cho phát triển sản xuất. Chỉ khi nền kinh tế đã mạnh hơn, các quy định về ngày nghỉ mới nới lỏng lên hai chủ nhật rồi bốn chủ nhật, và cho đến nay là hai ngày mỗi tuần.

Tôi muốn kể lại câu chuyện này để thấy xuất phát điểm không quan trọng bằng sự nỗ lực và thái độ thật sự cầu thị để tiến lên phía trước. Là người đã trưởng thành trong thời kỳ “kỳ tích sông Hàn” tại Hàn Quốc và với tình yêu Việt Nam, tôi thật sự mong chờ kinh tế Việt Nam sẽ có cú hích nhảy vọt của “kỳ tích sông Hồng”.

Trong vòng 30 năm qua, Việt Nam tăng trưởng kinh tế từ 6-8% mỗi năm với thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 2.000 USD. Nhiều doanh nghiệp toàn cầu lớn, trong đó có Samsung nơi tôi đang là cố vấn, đều tìm đến Việt Nam để xây dựng cứ điểm sản xuất. Điều đó chứng tỏ sức hút của Việt Nam như điểm đến đầu tư.

Nhưng để nền kinh tế Việt Nam cất cánh còn cần nhiều yếu tố khác. Điều đầu tiên có thể thấy là sự khác biệt khá lớn về việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế ở Hàn Quốc và Việt Nam.

Tại Hàn Quốc, một khi quyết sách phát triển đã được thông qua, toàn bộ chính phủ và đất nước sẽ dồn tổng lực để thực hiện bằng được mục tiêu đó đúng thời hạn dù cần rất nhiều nỗ lực và sự hi sinh. Chính phủ không chấp nhận bất cứ lý do nào để biện minh cho việc không hoàn thành kế hoạch phát triển với châm ngôn: “Mọi việc đều có thể làm được”.

Tại Việt Nam, kế hoạch luôn được đề ra đúng hướng nhưng kết quả luôn “có nhiều điểm chưa đạt được” và lý do biện minh thường được chấp nhận dễ dàng.

Nhiều đoàn cán bộ Việt Nam đã sang Hàn Quốc để tìm hiểu về mô hình và kinh nghiệm phát triển nên mọi “bí quyết” đều đã được chuyển giao. Điều còn thiếu chính là quyết tâm thực hiện.

Một cách ví von, máy bay chạy trên đường băng chỉ cần vận tốc 100km/h, nhưng để cất cánh thì tốc độ phải đẩy lên 270km/h. Để cất cánh, bạn phải huy động tất cả năng lượng rồi mới thư giãn sau khi máy bay đã ổn định trên không.

Tôi cho rằng trong 20 năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn chỉ giữ vận tốc vừa đủ thư giãn để chạy trên đường băng mà chưa chịu tăng tốc để cất cánh.

Người Việt Nam rất giàu tiềm năng và rất thông minh. Nếu phát huy hết tiềm năng và quyết tâm, Việt Nam có thể đạt được 100% mục tiêu các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đề ra. Và khi đó, “kỳ tích sông Hồng” sẽ không còn là giấc mơ xa vời!

ChuthichCuối năm 2014, cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak trở lại Việt Nam. Gặp tôi, ông nói bằng giọng rất đỗi tự hào: “Tôi là người đưa ông đến với Việt Nam để từ đó sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, ông được mời làm cố vấn cho Tập đoàn Samsung”.

Tôi thật sự cảm ơn Tổng thống Lee Myung Bak về quyết định cử tôi làm đại sứ tại Việt Nam năm 2011.

Bây giờ ngày nào tôi cũng dành hai giờ học tiếng Việt vì tình yêu với Việt Nam chưa đủ, mà tôi muốn thật sự gắn kết tâm hồn qua ngôn ngữ. Để tôi có thể tự tin ví von: “Trong huyết quản của tôi có dòng máu Việt. Tôi có 90% tương đồng là người Việt Nam”.

 

 

HA CHAN HO

___________

Kỳ tới: Nữ đại sứ Camilla

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên