06/04/2018 09:39 GMT+7

Chuyện gì đang xảy ra với ngành giáo dục nước mình?

HỒ QUỐC MINH
HỒ QUỐC MINH

TTO - Theo bạn đọc Hồ Quốc Minh, đó là một sự hoang mang hơn là một câu hỏi. Dưới đây là góc nhìn của tác giả cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Chuyện gì đang xảy ra với ngành giáo dục nước mình? - Ảnh 1.

Tôi cho rằng, rất nhiều người cũng đang nghĩ như tôi. Sẽ ra sao nếu những bất ổn của ngành giáo dục cứ kéo dài mãi thế này. Nào là:

- Phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ.

- Phụ huynh đánh cô giáo đang mang thai.

- Cô giáo 4 tháng không giảng bài.

- Học trò bóp cổ cô giáo tại lớp.

- Phụ huynh chặn đường cô giáo nói chuyện phải trái.

- Học sinh đánh nhau.

Và rất nhiều chuyện khác nữa.

"Những câu chuyện xấu xí, chưa được đẹp trong môi trường giáo dục tuy chỉ là những "con sâu làm sầu nồi canh", nhưng đã đến lúc cần coi lại "nồi canh" môi trường giáo dục, bởi sâu quá nhiều thì vấn đề không chỉ là chuyện cá biệt, có nơi, có chỗ nữa rồi".

Hồ Quốc Minh

Giáo viên khi là nạn nhân, khi là người có lỗi. Và cho dù là thế nào, chẳng có chuyện nào là đẹp, là nên xảy ra cả. Sư phạm lâu nay chẳng phải là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý hay sao? Đâu rồi truyền thống tôn sư trọng đạo? Đâu rồi "tiên học lễ - hậu học văn"?

Tôi tin, những truyền thống và đạo lý tốt đẹp đó vẫn còn được gìn giữ.

Tôi còn nhớ, trong lời kể của ông bà mình ngày trước, hình ảnh thầy giáo, cô giáo luôn là những gì tôn nghiêm, tôn trọng, và trân trọng. Còn ngày nay, tôi thường thấy người ta bàn nhau 8/3 này tặng gì cho cô giáo, 20/11 này gởi gì cho thầy giáo.

Rồi cũng có người chụp hình vài cái phong bì kèm theo câu than thở rằng dịp Tết này phải lì xì bao nhiêu đây cho cô giáo của con… Nói về nghề giáo, dường như người ta đang kèm theo hình ảnh của những phong bì, tiền học thêm, tiền phụ đạo…

Ít khi nghe nói về những chuyện như ngày xưa, kiểu như học trò cô X đứa nào cũng thành tài, thầy Y mà rèn học sinh giỏi là đạt giải chắc luôn…

Nghề giáo chủ yếu sống nhờ đồng lương ít ỏi. Dịp Tết nhìn mức thưởng mà buồn cho nghề. Tôi tin, phải yêu nghề lắm các thầy cô mới bám trụ được với trường, với lớp, mới hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học.

Nhưng thầy cô giáo cũng sống như bao người khác làm những ngành nghề khác. Thầy cô giáo cũng phải lo cơm áo, gạo tiền, cũng quần quật mưu sinh, cũng chịu nhiều áp lực trong môi trường sư phạm.

Chuyện cô giáo 4 tháng không mở miệng giảng bài cho học sinh, nhà trường đã mời chuyên gia về giúp các em ổn định tâm lý. Đấy là việc làm tốt.

Nhưng tôi nghĩ cô giáo cũng cần được khai thông tâm lý, giúp cô vượt qua được những bất ổn sau lần làm sai ở trường cũ. Mọi chuyện đều có lý do. Chỉ có tháo gỡ vấn đề mới là giải pháp hiệu quả. Kỷ luật, kiểm điểm, khiển trách, và cả rút kinh nghiệm, theo tôi, sẽ không thay đổi được gì.

Và cả cộng đồng nữa, chúng ta đọc báo, rồi chúng ta bức xúc, chúng ta lên án mạnh mẽ những sai phạm của giáo viên, chúng ta ném đá, mắng chửi những học sinh chưa ngoan, cá biệt.

Chúng ta kêu rằng: ai đó làm gì đi chứ, ngành giáo dục làm gì đi chứ, bộ trưởng làm gì đi chứ, nhà nước làm gì đi chứ? Nhưng chính chúng ta không chịu làm gì, ngoài gõ phím ném đá. Bản thân tôi cũng vậy, cũng chưa làm gì ngoài gõ phím.

Tôi vẫn hay cười mỗi khi xem truyền hình, đọc báo, thấy người ta nói rằng giáo dục học sinh là nhiệm vụ của nhà trường và cộng đồng xã hội, rằng nhà trường cần phối hợp với cộng đồng trong giáo dục con trẻ…

Tôi không hiểu phối hợp kiểu gì, chung tay dạy dỗ con em ra sao? Tôi cho rằng đó là những giải pháp hết sức chung chung, ai hiểu sao cũng đúng, nhưng làm kiểu gì cũng không chặt chẽ và hiệu quả như mong đợi.

Thôi thì, tôi mong các thầy cô giáo sẽ được tháo gỡ những áp lực vô hình trong nghề. Hãy bỏ bớt đi những thi đua nặng tính hình thức. Kiểu như năm nào cũng phải có sáng kiến giảng dạy, mà rốt cuộc có được bao nhiêu sáng kiến thực chất đâu.

Hãy bỏ bớt đi những yêu cầu, nhiệm vụ không cần thiết, hãy cho người thầy giáo, cô giáo sự thoải mái khi đứng lớp, để các thầy các cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn của các em, là tấm gương để các em noi theo trong cách sống, cách ăn nói, ứng xử…

Thầy cô giáo đến lớp mà mang vác những tảng đá vô hình nhưng quá nặng trên vai. Trách sao được những lúc khó kiềm chế được mình, "giận cá chém thớt" âu cũng là chuyện hiển nhiên.

Thôi thì tôi mong, mỗi nhà, mỗi người cha người mẹ đừng giao hết nhiệm vụ dạy con cho nhà trường. Đừng mải mê kiếm tiền mà lơ là việc dạy dỗ con cái. Đừng vô tình hay cố ý gieo vào đầu trẻ rằng phải đưa phong bì cho cô X, thầy Y thì mới được dạy dỗ đàng hoàng.

Đừng làm méo mó hình ảnh thầy cô giáo trong mắt trẻ, vì sau đó sẽ là sự thiếu tôn trọng. Và hơn hết, đừng muốn con mình phải nhất lớp, nhất trường và nghĩ rằng thầy cô giáo phải làm được điều đó cho mình.

Chuyện gì đang xảy ra với ngành giáo dục nước mình?

Tôi thật sự không biết. Nhưng tôi nghĩ, cách dạy con, dạy học trò ở nhiều nhà, nhiều trường đang thực sự có vấn đề.

Vấn đề đến từ cách mỗi người trong chúng ta dường như đang coi trọng nhiều thứ khác hơn là truyền thống "tôn sư, trọng đạo."

Chuyện gì đang xảy ra với ngành giáo dục nước mình? Cách dạy con, dạy học trò ở nhiều nhà, nhiều trường đang thực sự có vấn đề hay còn nguyên do nào khác? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Yêu cầu xử nghiêm cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng Yêu cầu xử nghiêm cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng

TTO - Phòng Giáo dục huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết sẽ kỷ luật trước toàn trường, chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, người bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.


HỒ QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên