12/10/2023 10:42 GMT+7

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 9: Bi hùng tang lễ cụ Phan Chu Trinh

Tiểu thuyết Les Misérables - Những người khốn khổ của Victor Hugo và những bộ phim chuyển thể có một đại cảnh đầy ấn tượng. Đó là cảnh đám tang một tướng quân yêu nước trở thành cuộc tuần hành châm ngòi cho người dân Paris (Pháp) nổi dậy.

Toàn cảnh đám tang cụ Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh) với dòng người trải dài hai bên đại lộ cùng những nhiếp ảnh viên

Toàn cảnh đám tang cụ Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh) với dòng người trải dài hai bên đại lộ cùng những nhiếp ảnh viên

Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một đám tang mang tính chính trị bi hùng không kém. 97 năm trước, đám tang Phan Chu Trinh tại Sài Gòn là một sự kiện lớn chưa từng có mà chứng tích còn lưu lại qua những bức ảnh quý hiếm.

Tôn vinh nhà ái quốc trí dũng

Những bức ảnh này đang được trưng bày tại nhà lưu niệm và lăng Phan Chu Trinh, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Một số sách báo thời ấy đã lưu truyền các bài nói, bài viết đầy tâm huyết của cụ Phan cùng với những bức ảnh tang lễ. Cụ Phan là nho sĩ danh tiếng, gốc Quảng Nam, dám từ quan để khởi xướng phong trào Duy Tân.

Bị chính quyền thực dân đày ra Côn Đảo, cụ là người tù khổ sai trong hai năm 1908 - 1910. Nhờ Hội Nhân quyền ở Pháp can thiệp, cụ Phan sang Paris tiếp tục cuộc mưu cầu cách mạng. Không thể hoạt động bí mật, cụ tiếp tục dùng ngòi bút và trước tác để nêu các đòi hỏi dân quyền và thức tỉnh đồng bào. Vào mùa hè năm 1925, mặc dù tuổi cao và sức yếu, cụ vẫn quyết tâm về nước để trực tiếp gặp gỡ quốc dân và đối thoại với chính quyền thuộc địa.

Tại Sài Gòn, cụ Phan có hai cuộc diễn thuyết truyền dẫn tư tưởng, cảm hứng đấu tranh vì công bằng và tự do cho xã hội, nhất là cho giới trẻ. Là một ngọn đèn cháy đến từng giọt cuối, sau sáu tháng hoạt động nhiều nơi, cụ lâm bệnh và mất vào ngày 24-3-1926.

Phụ nữ miền Nam tham gia tuần hành trong đám tang cụ Phan Chu Trinh - Ảnh tư liệu

Phụ nữ miền Nam tham gia tuần hành trong đám tang cụ Phan Chu Trinh - Ảnh tư liệu

Sự ra đi đột ngột của nhà ái quốc trí dũng làm dấy lên không chỉ niềm thương tiếc mà còn làm bùng lên nỗi khát khao làm một việc gì đấy cụ thể để cổ võ lý tưởng Duy Tân của cụ Phan.

Ngay lập tức nhiều trí thức, doanh nhân và hội nhóm ở Nam Kỳ, dẫn đầu là kỹ sư Bùi Quang Chiêu, luật sư Phan Văn Trường, thương gia Trương Văn Bền, nhà báo Trần Huy Liệu cùng Đông Pháp Thời báo đã chung tay tổ chức lễ tang. Trong số này, có nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, với bút hiệu và thương hiệu là Khánh Ký. Ông cũng là tác giả bức ảnh chụp cụ Phan Chu Trinh với phong thái bất khuất và lịch lãm được sử dụng nhiều nơi từ xưa đến nay.

“Hội kín Nguyễn An Ninh” dự đám tang với biểu ngữ tôn vinh nhà chính trị cách mạng quốc gia Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh)

“Hội kín Nguyễn An Ninh” dự đám tang với biểu ngữ tôn vinh nhà chính trị cách mạng quốc gia Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh)

Khắc ghi cuộc tuần hành thiêng liêng

Chính cụ Khánh Ký và cộng sự đã thực hiện phóng sự ảnh ghi lại đám tang cụ Phan diễn ra ngày 4-4-1926 với nhiều bức ảnh rất kỳ công. Tham gia chụp ảnh đám tang, ngoài Khánh Ký còn có một số người không để lại tên.

Qua những bức ảnh sống động, thế hệ đương thời và các đời sau đều hình dung được quy mô và tính chất của một đám tang kỳ vĩ, thu hút hàng chục ngàn người, phản ánh hào khí của lớp lớp người Sài Gòn và các nơi khác cùng tuần hành biểu thị lòng yêu nước cao độ.

Một trong những bức ảnh thể hiện rõ nhất về sự kiện là ảnh toàn cảnh dòng người đưa tang dài ngút ngàn. Họ mặc y phục tề chỉnh, đứng nghiêm trang dọc hai bên đại lộ với một loạt cờ phướn, liễn đối dài rộng trông như các biểu ngữ mạnh mẽ.

Ở góc phải bức ảnh, có thể thấy hai người đứng chụp ảnh với chân máy đặt trên cao. Người đứng xoay lưng đội nón phớt, mặc bộ veste sẫm màu đang hướng máy ảnh trên chân trụ, hướng về cuối đại lộ. 

Người đứng nghiêng gần đấy mặc bộ đồ veste trắng, đội nón cối, hướng ống kính về hàng người đưa tang đứng bên kia đường. Không rõ đấy có phải là các nhiếp ảnh viên của hiệu ảnh Khánh Ký hay ai khác. Tuy nhiên, nhìn tư thế và y phục, ta có thể nhận ra đấy là các tay máy "nhà nghề". Và họ đã tính toán từng góc độ ghi hình sao cho hiệu quả, chứ không phải chụp ảnh một cách ngẫu nhiên!

Một bức ảnh khác cho thấy đám đông tràn ngập tại nghĩa trang khi xe tang chở thi hài cụ Phan vừa đến. Đám đông hầu như lấp kín phần lớn không gian ảnh, trong đó phổ biến là những người mặc quần áo trắng với nón cối - vốn là đồng phục của viên chức nhà nước hay công sở hoặc nam sinh thời Pháp thuộc. 

Tại một góc ảnh, chúng ta trông rất rõ có một nhiếp ảnh viên đang điều khiển máy ảnh trên chân trụ máy thật cao. Phía dưới có mấy người đứng giữ chân máy, chứng tỏ việc chụp hình đám tang được một tập thể thực hiện rất chu đáo.

Trong khi ấy, nhiều bức ảnh ghi lại từng đoàn người đưa tang xếp hàng rất trật tự dọc theo các con đường. Mỗi đoàn đại diện cho một đội hình cụ thể.

Chẳng hạn, phụ nữ đại diện cho Nam Kỳ (áo dài, trùm khăn che nắng), phụ nữ đại diện cho Bắc Kỳ (áo dài, tóc vấn khăn). Hay công nhân, học sinh, nhà giáo, viên chức và sư sãi. Tất cả người đưa tang đều mặc y phục trang trọng, trên tay áo buộc băng đen đúng như hướng dẫn của ban tổ chức.

Trang bìa sách “Quốc gia huyết lệ” có chân dung cụ Phan Chu Trinh

Trang bìa sách “Quốc gia huyết lệ” có chân dung cụ Phan Chu Trinh

Quảng bá cách mạng và yêu nước

Trong số ảnh đám tang, có một bức ảnh thấy rõ tấm biểu ngữ chữ đen nền trắng tôn vinh cụ Phan Chu Trinh là "Việt Nam Chánh trị Cách mạng gia". Bên dưới có hàng chữ nhỏ, ghi một cách đường hoàng: "Thanh niên Đảng". 

Hóa ra, đấy là "Thanh niên cao vọng Đảng", sách sử còn ghi là "Hội kín Nguyễn An Ninh" - một tổ chức tập hợp giới trẻ và quần chúng đấu tranh cho dân chủ và ái quốc. Như vậy, "Hội kín" của ông Nguyễn đã công khai lộ diện trong sự kiện sôi nổi này.

Nhà trí thức trẻ Nguyễn An Ninh cũng chính là người cùng hoạt động với cụ Phan tại Paris vào những năm trước đó. Bản thân ông và các đồng chí của mình trở thành "truyền nhân" đi tiếp con đường đấu tranh của Phan Chu Trinh.

Những bức ảnh đám tang của cụ Phan không chỉ lưu truyền qua báo chí và ảnh kỷ niệm. Thư viện quốc gia Pháp đang lưu giữ tập sách Quốc gia huyết lệ bao gồm các bài diễn thuyết của cụ Phan cùng hình ảnh đám tang tại Sài Gòn và các lễ truy điệu cùng ngày tại Hà Nội và các tỉnh thành. 

Sách do Thư quán Thịnh Quang ấn hành, ngoài bức ảnh cụ Phan trên bìa, còn có một trang ảnh đám tang của hiệu Nadal và những tác giả khác. Tám bức ảnh với nhiều góc độ đa dạng đều là tư liệu quý.

Đặc biệt, rất cảm động, sách có hẳn một trang ghi lại lời cho phép của bốn tác giả về việc đăng lại ảnh. Đấy là hai hiệu ảnh Thụy Ký và Hương Ký ở Hà Nội, hiệu ảnh Đa Kao ở Sài Gòn và một người ở Đà Lạt ký tên bằng tiếng Pháp.

Thật cảm động, có bức hình chụp những người phu kéo xe đi chân đất, ngưng công việc để tham gia trong đoàn tuần hành. Hình ảnh những "người cùng khổ" đó còn xuất hiện ở bức ảnh chụp trước cửa nhà đặt linh cữu cụ Phan tại số 54 đường Pellerin (Pasteur).

-----------------------

24 năm sau, Sài Gòn lại có một đám tang bi hùng lớn lao khác, được ghi nhận bởi nhiều ống kính không tên.

Kỳ tới: "Đám tang trò Ơn" và những ống kính không tên

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 8: Người hiến cả sản nghiệp cho độc lậpChuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 8: Người hiến cả sản nghiệp cho độc lập

Một tối mùa thu Hà Nội cách đây 7 năm, nhà nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến tâm sự về bố mình - cụ Trịnh Đình Kính - trong căn gác nhỏ bé, cũ kỹ ở phố Hàng Bồ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên