Đó là cảnh ông Mậu khoác áo len dạ, đang đứng gò cong người, dán chặt đôi mắt vào khung ngắm máy ảnh Mamiya, tay mở khẩu độ và canh chỉnh nét để ghi lại khoảnh khắc người bạn mình, ông Trần Cao Lĩnh, ngồi thong thả trên chiếc ghế mây bên hiên nhà chăm chú lau đôi tròng kính.
Có lẽ đôi tròng kính của nhà nhiếp ảnh danh tiếng đến từ Sài Gòn đã bị mờ nhòe bởi hơi sương lạnh trong một buổi sáng nào đó của Đà Lạt giữa thập niên 1960.
Lò chưng cất khói sương
Xem lại ảnh nghệ thuật và bưu ảnh du lịch Đà Lạt của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu giai đoạn 1960-1970, có thể thấy đa số là hình ảnh núi non, dốc đồi, đường sá, thác và hồ... Cảnh vực nhuốm màu khói sương.
Con người, kiến trúc cửa nhà hài hòa trong phông nền cây cỏ, tự nhiên. Nhiếp ảnh - bằng cách chớp bắt khoảnh khắc, biến thời gian dịch chuyển và đổi thay thành ra ngưng đọng và lưu trữ - là thể loại chưng cất thực tế trực quan và đủ đầy nhất trong các loại hình nghệ thuật.
Ông Nguyễn Bá Mậu, sinh năm 1928, tại Bảo An, Phan Rang. Năm 1947, ông theo gia đình lên Đà Lạt lập nghiệp bằng nghề chụp ảnh. Khi có thể kiếm sống và thành danh bằng nghề ảnh, ông mua căn nhà ở số 88 Minh Mạng cũ (nay là Trương Công Định, cuối dốc Sông Lô).
Trong căn nhà này, ít ai biết đây là nơi ông nghiên cứu các kỹ thuật buồng tối, tráng phim để theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh phân sắc độ từng mang về cho ông nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước.
Trong bài báo viết về Nguyễn Bá Mậu trên tờ Ảnh Nghệ Thuật số 1 năm 1970 xuất bản tại Sài Gòn, nhiếp ảnh gia Khưu Từ Chấn nhận xét: "Nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu sẽ tiến tới đâu, điều đó các bạn cũng như tôi không thể biết được.
Nhưng điều tôi biết là trong dịp nghỉ hè, nếu bạn đi du lịch Đà Lạt, muốn mua vài chiếc bưu ảnh để kỷ niệm xứ Hoa Đào, tôi đảm bảo với bạn 80% rằng ảnh đó do lò Nguyễn Bá Mậu sản xuất".
Các bưu ảnh, ảnh nghệ thuật của Nguyễn Bá Mậu lặng lẽ đưa hình ảnh Đà Lạt đi xa, làm ngân dài những kỷ niệm đẹp trong lòng lữ khách ghé qua thành phố và gửi tới tương lai dư ảnh về một đô thị thanh tao, hiền hòa, thơ mộng như một thứ cứ liệu để mà nuối tiếc.
Đà Lạt diễm ảo một thuở
Sau khi người Pháp rời đi, Đà Lạt trở nên "thân thuộc" hơn với giới trung lưu, trí thức, nghệ sĩ miền Nam. Nhiều công trình, dự án văn hóa kiến thiết một diện mạo Đà Lạt tân kỳ trong khoảng 1954-1963. Nhiều giá trị đô thị được đặt nền tảng trong 9 năm đó đã phát huy lâu dài về sau.
Nhiếp ảnh lại cũng là lĩnh vực nhạy cảm với sự đổi thay này. Trong album nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu, ta thấy rất nhiều cuộc gặp gỡ đặc biệt của những nhiếp ảnh gia hàng đầu miền Nam giữa Đà Lạt.
Các bức ảnh ghi lại những chuyến nhàn du của ông Mậu với bạn bè đồng nghiệp từ khắp miền Nam lên Đà Lạt săn ảnh như Tôn Lập, Lại Hữu Đức, Ngô Đình Cường, Lê Văn Khoa, Nguyễn Trí Minh... bên cạnh những bức ảnh ông kề vai sát cánh hằng ngày cùng các bạn đồng nghiệp cùng thời tại Đà Lạt như Trần Văn Châu, Đặng Văn Thông...
Nhưng bức ảnh bình dị bên hiên nhà cùng nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh được nhắc đến ở đầu bài viết lại làm ta nhớ đến những trang sách nói về kỹ thuật chụp ảnh sương mù trong cuốn Bước đầu nhiếp ảnh nghệ thuật của Trần Cao Lĩnh và Nguyễn Cao Đàm (Màn Ảnh ấn hành, Sài Gòn, 1966).
Trong cuốn sách cẩm nang nhiếp ảnh nói trên, nhà nhiếp ảnh Trần Cao Lĩnh đã mô tả vào mùa hoa đào nở, giới nhiếp ảnh Sài Gòn đi Đà Lạt như "trẩy hội".
Thoát trên ngôn ngữ cẩm nang nhiếp ảnh, cảnh sắc không gian đặc thù được Trần Cao Lĩnh mô tả chi tiết, chân xác mà vẫn đầy chất thơ: "Đà Lạt những ngày cuối năm, mỗi khi phủ một tấm áo màu sương nhẹ, mới thật nói hết vẻ diễm ảo của nơi này.
Thung lũng trắng một màu sữa, mấy ngọn thông cao cố nhô lên, mây thấp vắt ngang chân núi, chân đồi, phất phơ như dải lụa trôi, trong đường phố, những buổi sớm, những cô gái tảo tần gánh hàng ra chợ. Dáng xinh xinh, tay ủ trong tà áo bước đi thoăn thoắt đó là hình ảnh cô nữ sinh đi học. Mặt hồ lạnh giá ẩn hiện trong làn sương trắng đục tưởng như hơi lạnh bốc lên từ lòng nước".
Ngày trước, có thể chụp được cảnh đẹp Đà Lạt ở bất cứ nơi nào trong thành phố. Nhưng nếu theo chân nhà nhiếp ảnh thì hành trình săn tìm cũng đã là một trải nghiệm thú vị: "Chịu khó dậy sớm vào những miền thung lũng, cảnh sương mới thật lạ: núi đồi không có chân vì sương vắt ngang, nổi trôi thành nhiều lớp, càng xa càng mờ, có khi đến chín mười đợt, đường lối sắp xếp sẵn, quay phải sang trái đều bấm được cả.
Kiên tâm hơn một chút nữa, ngồi chờ mặt trời vươn lên khỏi vách núi, rọi ánh sáng vào thung lũng, sương và mây thấp bị bắt buộc bốc hơi nhanh nên co dãn mạnh, chuyển động uốn éo trong những tia nắng xẹt.
Gặp được cảnh ấy chắc chắn có mấy tấm phong cảnh loại đẹp. Trong một vài thung lũng ươm cây trồng lâu, những người làm vườn thì hay đốt lá lấy tro, khói bốc cao ngất mù mịt thôn làng, đó cũng là một cảnh lạ và đẹp mắt".
Về kỹ thuật, để chụp được sương mù, ông lưu ý rằng không nên dùng kính lọc ultra-violet. Kính lọc làm loại bớt phần nào những hơi nước màu lam khiến hình ảnh in vào âm bản trong hơn, như vậy là "phá sương", không ra được sắc thái không gian Đà Lạt.
Trong một cuốn sách ảnh có tựa Cao Nguyên - Việt Nam quê hương yêu dấu (Gấm Hoa ấn hành, Sài Gòn, 1969), các bức ảnh chụp không gian Đà Lạt sương khói của Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh được thể hiện thuyết phục nhất cho những gì mà ông Lĩnh trình bày trong cuốn cẩm nang nói trên.
Không gian núi đồi nguyên sơ, thanh bình với sương giăng mờ ảo, hơi giá ngập tràn của Đà Lạt trên những bức ảnh chính là chứng tích triệu hồi hoài niệm đẹp của bao người.
Bên kia màn sương
Bên hiên ngôi nhà nhỏ buổi sáng ở cuối con dốc Sông Lô, một nhà nhiếp ảnh của thành phố sương mù đang ghi lại hình ảnh người bạn vừa đến từ Sài Gòn đang lau tròng mắt kính. Hẳn đó là một buổi sáng hạnh ngộ thật nhẹ nhàng trong không gian Đà Lạt những ngày xưa.
Họ, người này lau lớp hơi nước trên bờ mặt kính để nhìn rõ hơn màu sương trong phố, người kia gắn đôi mắt của mình vào thấu kính máy ảnh để ghi lại bóng hình người bạn qua một không gian đang bàng bạc sương mai.
--------------------
Nhiếp ảnh Việt Nam có câu chuyện đặc biệt khi hai cha con cùng chụp văn nghệ sĩ tài hoa Việt Nam thế kỷ 20. Người cha chụp khi họ còn xanh mướt tuổi xuân ở chiến khu Việt Bắc, còn con chụp họ khi về già gai góc tại Hà Nội.
Kỳ tới: Phạm Duy và số phận ly kỳ của bức ảnh hiếm ở Việt Bắc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận