11/10/2023 12:48 GMT+7

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 8: Người hiến cả sản nghiệp cho độc lập

Một tối mùa thu Hà Nội cách đây 7 năm, nhà nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến tâm sự về bố mình - cụ Trịnh Đình Kính - trong căn gác nhỏ bé, cũ kỹ ở phố Hàng Bồ.

Bức ảnh đặc biệt “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” Trịnh Đình Kính do con trai chụp

Bức ảnh đặc biệt “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” Trịnh Đình Kính do con trai chụp

"Ông cụ nhà tôi từng có nhà máy lớn đến Tây cũng phải nể trọng, nhưng cuối đời cụ chỉ có căn nhà nhỏ xíu trú thân. Thời cuộc đổi thay, cụ như bao thương nhân khác cũng bị hiểu lầm này nọ, nhưng vẫn rất nhẹ lòng. Cụ nói mình hiến tặng tất cả cho cách mạng cũng là cho dân tộc mình, chút hiểu nhầm, oan ức có là gì đâu".

Một tối mùa thu Hà Nội cách đây bảy năm, nhà nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến, đã tâm sự như thế khi thắp hương lên bàn thờ bố mình trong căn gác nhỏ bé, cũ kỹ ở phố Hàng Bồ. 

Ông cụ là Trịnh Đình Kính, một doanh nhân ngành thủy tinh nổi tiếng, từng có tên trong sách Vua chúa và hào kiệt Đông Dương xuất bản năm 1943, ngang hàng các tên tuổi lẫy lừng Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà...

Doanh nhân nổi tiếng

May mắn tôi được hạnh ngộ với nhiếp ảnh gia cao tuổi Trịnh Đình Tiến ngần ấy năm nhờ sự giới thiệu của ông Dương Trung Quốc. Hỗ trợ tôi viết loạt bài "Chuyện cứu đói năm Ất Dậu", ông Quốc đã chỉ một số nhân vật không thể không gặp như các ông Trịnh Đình Tiến, Bùi Công Bội... là con các doanh gia Trịnh Đình Kính, Bùi Hưng Gia... đã tận tâm cứu giúp đồng bào trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945.

Khác hẳn hình dung của tôi về những người Hà Nội lớn tuổi trầm kín, ông Tiến vui vẻ, xởi lởi ngay lần đầu gặp mặt, dù tuổi ông (sinh năm 1938) còn cao hơn tuổi cha tôi. Mời tôi về căn gác gỗ ọp ẹp, chật chội ở phố Hàng Bồ, ông thắp hương bàn thờ và giới thiệu tấm ảnh người cha do chính ông chụp ngày 20-6-1953. 

Tôi lặng lẽ ngắm bức ảnh cụ Trịnh Đình Kính đang phảng phất khói hương. Cụ sinh năm 1886, được con trai chụp vào năm 1953, thời điểm cụ đã 67 tuổi. Nét ảnh đã mờ theo dòng thời gian nhưng vẫn toát được thần thái con người.

Ông Trịnh Đình Kính và các con - Ảnh gia đình cung cấp

Ông Trịnh Đình Kính và các con - Ảnh gia đình cung cấp

Điều thú vị là tôi nhìn mãi vẫn không nhìn thấy nét doanh gia Việt "bị cả giới thương nhân Tây, Tàu ganh tỵ", mà chỉ thấy nét một thầy đồ nho nhã đang ung dung, tự tại trong bộ đồ truyền thống áo dài, khăn đóng và cây bút lông. Ông Tiến kể nếu mình không nhầm thì hôm ấy bố ông đang viết chữ Phúc, ông cụ cầu Phúc cho gia đình, cho dân tộc đang chìm trong khói lửa chiến tranh.

Người con trai cũng đã thành ông lão tâm sự: "Cụ nhà tôi vậy đấy. Không tấm hình nào cụ mặc Tây phục. Thời đấy, nhiều người thành đạt chuộng bộ vest phục, giày đen của Pháp rồi, nhưng ông cụ vẫn chỉ áo dài, khăn đóng nước Nam. Đi hội chợ Paris, cụ cũng mặc như thế và nói đó là niềm tự hào của nước mình, việc gì phải bắt chước họ".

Đúng là nhìn tấm ảnh đầy thần thái "thầy đồ" này, nếu không được chính con cháu trong nhà kể thì khó hình dung cụ Trịnh Đình Kính lại một nhà sản xuất thủy tinh thuở đầu nước Việt và được chính báo Pháp viết là "ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương". 

Sinh trong nhà nghèo ở làng Đôn Thư (xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, đất Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), cậu bé Kính mới 10 tuổi đã phải đi làm tài chạp (sai vặt) ở lò thủy tinh của người Hoa. Nhưng chỉ 18 năm sau, cậu bé nghèo khó ngày nào đã thành ông chủ xưởng thủy tinh Thanh Đức nổi tiếng.

Là người Việt đầu tiên làm chủ hoàn toàn được thủy tinh màu nhiều hoa văn độc đáo, cụ Kính năm ấy mới 28 tuổi, còn dần chế tạo được các kiểu bóng đèn độc đáo cùng nhiều sản phẩm thủy tinh cao cấp có thể cạnh tranh với hàng Pháp. 

Và chỉ thêm ít năm sau, thương hiệu Thanh Đức đã nổi tiếng đến mức được chính Pháp mời đưa sản phẩm đi dự hội chợ ở Paris. Trong hành trình ấy, ai mặc vest Tây thì mặc kệ, ông chủ Trịnh Đình Kính mới ngoài 30 tuổi vẫn tự hào với áo dài khăn đóng "quốc hồn nước Nam mình".

Nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến và bức ảnh ông chụp Hà Nội ngày tiếp quản 1954  - Ảnh: QUỐC VIỆT

Nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến và bức ảnh ông chụp Hà Nội ngày tiếp quản 1954 - Ảnh: QUỐC VIỆT

Người Việt yêu đồng bào

Khi nạn đói năm Ất Dậu xảy ra, nhiều cơ xưởng ở miền Bắc phải đóng cửa, nhưng cụ Kính vẫn duy trì được hoạt động nhà máy Thanh Đức, nuôi sống hơn 100 công nhân. Cụ cũng xuất hai vạn đồng Đông Dương cùng kho gạo dự trữ để cứu đói đồng bào. Một số tiền rất lớn khi lương công nhân thuở ấy chỉ vài chục đồng, một tạ gạo cũng chỉ có giá 50 - 60 đồng bạc.

Ông Tiến kể sau đợt cứu trợ ban đầu này, gia đình còn tiếp tục thực hiện thêm nhiều đợt cứu trợ tại quê hương Hà Tây và Hà Nội. Ngoài phát tặng tiền, gạo, họ còn thực hiện các điểm nấu cháo miễn phí cho người dân đang đói. Chính ông Trịnh Đình Kính lúc đó cũng bị phỏng, vì người ta tranh nhau làm đổ nồi cháo trong lúc ông đang trực tiếp phát cháo đến đồng bào.

Sau cứu đói, gia đình cụ Trịnh Đình Kính lại hiến tặng sản nghiệp cho sự nghiệp cách mạng. Ban đầu là tiền, vàng cho "tuần lễ vàng", sau đó dần dần là các nhà cửa, đất đai, cơ xưởng từ ở quê nhà Đôn Thư lên đến Hà Nội. Số liệu chính xác là bao nhiêu? Ông Tiến cũng không thể kể chính xác được. 

"Bởi ông cụ tôi lúc đấy nhiều nhà cửa, đất đai trải khắp phố Hàng Bồ, rồi qua Khâm Thiên, về Đôn Thư... Đến nhà máy Thanh Đức sau này cũng thuộc về Nhà nước mà", ông Tiến tâm sự thêm hầu như gia đình ông hiến tặng hết tất cả cho cách mạng.

Trở lại chuyện đời cầm máy của ông Trịnh Đình Tiến, tôi chỉ may mắn được quen biết khi ông đã tuổi ngoài 70 nhưng cũng kịp hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác về ông. Nhiều lần tiếp tôi ở căn gác chất chứa đầy hình ảnh, máy móc chụp hình bạc màu ở phố Hàng Bồ, ông kể mình đã theo học nghề nhiếp ảnh - quay phim từ hồi còn trẻ. 

Ông Trịnh Đình Tiến chụp ảnh chung với đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Phan Huy Lê - Ảnh Trịnh Đình Tiến cung cấp

Ông Trịnh Đình Tiến chụp ảnh chung với đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Phan Huy Lê - Ảnh Trịnh Đình Tiến cung cấp

Nhưng một chuyến tham gia đoàn quay phim Vợ chồng A Phủ, ông bị chú ngựa chứng đá gần hư một mắt nên không thể đi tiếp sự nghiệp quay phim chuyên nghiệp. Trở về với nhiếp ảnh, có lúc ông cầm máy bấm chuyên nghiệp, có lúc lại nghiệp dư ở bờ hồ bởi "thích là chính", và rất thường xuyên ông cầm máy như phóng viên ảnh không thẻ.

Trong các xấp ảnh ngổn ngang của mình, ông Tiến đã cho tôi xem rất nhiều hình ảnh hiếm chụp Hà Nội ngày tiếp quản 1954, rồi các văn nghệ sĩ tài ba như Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, và cả tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều nhất là các ảnh phố phường Hà Nội như trang sử trải suốt đời người...

Ông chụp nhiều đến mức chính ông cũng không nhớ hết nổi. Nhưng có bức ảnh đặc biệt đã đi vào trái tim ông, đó chính là ảnh chụp về cha mình. Bức ảnh đo không chỉ ghi hình tổ tiên gia đình, mà góp phần kể lại giai đoạn lịch sử đồng bào sẵn sàng hiến dâng tất cả cho cách mạng, cho khát vọng độc lập - tự do của dân tộc mình...

Trước khi nhà nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến mất đầu năm 2021, tôi ra Hà Nội và đi ăn phở với ông lúc nửa đêm. Ngày ấy, ông đã quá tuổi 81, vẫn hào hứng nói kế hoạch vào Nam chụp bộ ảnh "Sài Gòn trong mắt người Hà Nội".

Ghé thăm triển lãm "Con Giáp của tôi - Heo sung túc" của ông Dương Trung Quốc, ông Tiến chẳng biết linh cảm thế nào đã nói "kẻ Bắc, người Nam chụp chung bức ảnh", và đó là bức ảnh cuối cùng tôi bên ông.

************

>> Kỳ tới: Bi hùng đám tang cụ Phan Chu Trinh

Những bức ảnh này đang trưng bày tại nhà lưu niệm và lăng Phan Chu Trinh gần sân bay Tân Sơn Nhất. Một số sách báo thời ấy đã lưu truyền các bài nói, bài viết đầy tâm huyết của cụ Phan cùng với những bức ảnh tang lễ.

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 7: Nguyễn Tư Nghiêm và mâm rượu thời cuộcChuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 7: Nguyễn Tư Nghiêm và mâm rượu thời cuộc

Chụp ảnh văn nghệ sĩ tài hoa một thời ở Hà Nội không chỉ có cha con Trần Văn Lưu - Trần Chính Nghĩa, mà còn nhân vật thú vị khác là nhà nhiếp ảnh Hà Tường và sau này có Nguyễn Đình Toán nối tiếp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên