Đội ngũ tài xế của Công ty Phương Trang nhiều tháng trời chuyên chở hành khách miễn phí di chuyển giữa các tỉnh có dịch - Ảnh: M.VINH
Suốt đợt dịch, người dân thành phố chắc vẫn thường thấy dòng chữ "Trả ơn đất nước, đóng góp cộng đồng" trên những chiếc xe Phương Trang ngược xuôi khắp các cung đường: đưa đón y bác sĩ, tình nguyện viên đến điểm công tác; đưa đón bệnh nhân F0 đến bệnh viện dã chiến; xe 16 chỗ đón khách ngày thường được cải tiến thành xe cấp cứu lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm mang oxy đến bệnh nhân đang cơn khó thở...
Dịch kéo dài hơn dự kiến, giãn cách khắc nghiệt hơn nên xe khách Phương Trang phải sáng tạo nữa: tháo ghế để chở rau củ quả từ Đà Lạt, từ miền Tây đến với người dân thành phố. Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, hàng trăm ngàn người lao động các tỉnh có nguyện vọng về quê, Phương Trang lại vào cuộc với hàng ngàn chuyến xe nghĩa tình miệt mài xuôi ngược.
Hàng chục ngàn nhân viên, hàng chục ngàn tỉ đồng, hàng chục ngàn giờ lao động đã được Phương Trang "dốc ngược" vì cộng đồng như vậy.
Không chỉ Phương Trang, còn rất nhiều doanh nghiệp cũng huy động tổng lực vào cuộc chống dịch thay vì án binh bất động, như những chuyến bay 0 đồng chuyên chở y bác sĩ, vận chuyển trang thiết bị y tế của Vietnam Airlines.
Như Novaland, chỉ trong vòng hai tuần đã có thể hoàn tất đưa vào hoạt động ba trung tâm hồi sức dã chiến - theo sát yêu cầu chuyên môn của các bác sĩ - từ những bãi đất trống và nhà kho xuống cấp, góp phần tích cực cứu sống những bệnh nhân trở nặng.
Như Công ty Ba Huân đã thẳng thắn từ chối những gợi ý tăng giá trứng khi chi phí cho việc vận chuyển và duy trì sản xuất tăng cao. Và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ khắp Sài Gòn đã biến thành những bếp ăn 0 đồng, siêu thị 0 đồng trong suốt thời gian giãn cách xã hội...
Sinh thời, trong một bài giảng cho các bạn trẻ khởi nghiệp, tiến sĩ Alan Phan nói: "Doanh nhân không phải là một người có nhiều tiền. Chữ "nhân" ở phía sau phải thể hiện một cái gì đó lớn hơn rất nhiều sự thỏa mãn giàu sang cá nhân, đó là sự thỏa mãn ước mơ, đam mê của bản thân để cống hiến cho cộng đồng, xã hội mà mình sống".
TP.HCM vừa đi qua một chặng đường lịch sử với những mất mát và đau thương không hề dự định trước và từng người, từng doanh nghiệp đều đã ngoan cường vào cuộc từ vị trí, vai trò của mình. Không ít tổn thất nhưng "Vì dân, vì cộng đồng" là lý giải duy nhất cho cả những cá nhân và doanh nghiệp.
"Chứng kiến sự vào cuộc có lúc trào nước mắt ấy, chúng tôi - qua những phút bị tin xấu làm cho bất ngờ đến kinh hoàng, bối rối - đã có lại niềm tin rằng chúng ta sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng" - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cảm kích nói vậy trong Ngày doanh nhân 13-10 cùng rất nhiều những đặt hàng trong giai đoạn tiếp theo với doanh nhân thành phố.
Chặng đường phía trước còn nhiều cam go, thử thách. Bốn tháng qua các y bác sĩ đã xả thân vì người bệnh, bây giờ là lúc các doanh nghiệp đồng lòng dấn bước để hồi sinh chính mình và cộng đồng quanh mình. "Phố thưa lại đầy", "sau lũ phù sa sẽ lại về", người dân chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quên những thương hiệu đã cùng mình đồng hành qua sinh tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận