04/01/2022 06:29 GMT+7

Choáng với tâm lý 'trước sau gì cũng nhiễm COVID-19'

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh COVID-19, nhiều người mang tâm lý 'xác định trước sau gì cũng mắc COVID-19', 'nhiễm bệnh rồi sẽ bất tử với COVID-19'...

Choáng với tâm lý trước sau gì cũng nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Dù xác định sống chung với dịch COVID-19 và tiêm đủ vắc xin nhưng người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch - Ảnh: XUÂN MAI

Theo các chuyên gia y tế, những suy nghĩ, hành động không đúng về y học dự phòng sẽ làm gia tăng lây lan dịch bệnh, gây nguy hiểm cộng đồng.

"Miễn đừng xảy ra lúc Tết!"

Hiện nhiều người, đặc biệt một số bạn trẻ có suy nghĩ trước sau gì cũng bị COVID-19. Nếu chẳng may nhiễm bệnh thì họ sẵn sàng đón nhận, có niềm tin bệnh khó chuyển nặng vì đã tiêm đủ vắc xin, sau bệnh "bất tử với COVID-19". 

Có người còn cho rằng nhiễm bệnh ở thời điểm này lại thích hợp hơn vì nếu nhiễm đúng dịp Tết có thể gặp nhiều rắc rối, đây cũng là điều không may mắn trong dịp năm mới.

Sau một ngày có biểu hiện uể oải, đau đầu và sốt, chị N.T.P.T. (26 tuổi, TP.HCM) nghi ngờ bản thân nhiễm COVID-19 nên đã mua que test nhanh COVID-19 về xét nghiệm. Nhận kết quả dương tính vào ngày cận kề Tết dương lịch 2022, chị T. bần thần như người không hồn.

Chị T. chia sẻ với tính chất công việc phải di chuyển, tiếp xúc nhiều người, chị đã xác định bản thân trước sau gì cũng nhiễm COVID-19. Tuy vậy, khi nhiễm chị mới biết suy nghĩ này thật ích kỷ vì không chỉ bản thân chị bệnh mà sẽ ảnh hưởng đến người chị tiếp xúc, đặc biệt là người cao tuổi, nguy cơ cao.

Trong quá trình cách ly, điều trị tại nhà, anh D.C.P. (32 tuổi, TP.HCM) nhận nhiều lời động viên từ bạn bè, người thân. "Sau khỏi bệnh sẽ bất tử với COVID-19" là câu nói, lời nhắn mà anh P. nhận nhiều nhất và đây cũng là suy nghĩ của anh.

Anh P. cho rằng nếu không gặp phải các di chứng hậu COVID-19 thì so với người chưa mắc bệnh, anh lại thấy "may mắn hơn" vì "không bị nhiễm trong thời gian Tết, sau này được thoải mái làm việc, vui chơi, gặp gỡ mọi người hơn!".

Choáng với tâm lý trước sau gì cũng nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Mẫu xét nghiệm nhanh hiện kết quả dương tính với COVID-19 - Ảnh: X.MAI

Không tự bảo vệ mình, nguy hiểm cho cộng đồng

PGS Trần Văn Ngọc - phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam - cho biết mặc dù có khoảng 80% người nhiễm COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ, nhưng 20% còn lại có biểu hiện nặng, nguy cơ tử vong cao, thường thấy ở người cao tuổi, mắc bệnh nền.

Do đó dù đã được phủ vắc xin ở nhiều độ tuổi nhưng khi chúng ta nhiễm bệnh, vẫn có thể lây cho những người mình tiếp xúc... Nếu gia đình họ có người cao tuổi, mắc bệnh nền hay trẻ béo phì, suy giảm miễn dịch thì khả năng bệnh chuyển nặng, thậm chí tử vong rất cao ở nhóm người này, nếu mắc phải.

Theo PGS Ngọc, dù xác định sống chung với dịch COVID-19 nhưng mọi người cần đảm bảo an toàn, nếu không sẽ gia tăng lây lan dịch bệnh.

Còn ThS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết suy nghĩ sẽ nhiễm COVID-19 trong tương lai là một thách thức, đánh đổi sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.

TS Nguyễn Ngọc Minh (giảng viên bộ môn tai - mũi - họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cũng cho rằng phòng bệnh phải đảm bảo hiệu quả vì không chỉ riêng bản thân mình mà còn những người xung quanh nên quan điểm đó không đúng về y học dự phòng.

"Khả năng bị nhiễm bệnh trong thời điểm này là rất cao vì đang sống chung với dịch. Gánh nặng sau nhiễm không thể bỏ qua khi hiện có rất nhiều người gặp các di chứng hậu COVID-19 và khó trị. Vì vậy quan điểm, suy nghĩ trên là không nên, phải tự bảo vệ mình" - TS Minh nói.

Không có chuyện "sau nhiễm bất tử với COVID-19"

"Sau khi khỏi bệnh không tạo ra kháng thể bền vững dù đã tiêm đủ vắc xin", ThS Vân Anh nhấn mạnh. Bà cho hay đã gặp rất nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh, tiếp tục trở thành nguồn lây cho những người xung quanh.

Theo quan điểm PGS Ngọc, những câu nói, lời nhắn nhủ trên cũng có hiệu quả về mặt tâm lý, giúp trấn an, động viên, hỗ trợ tinh thần cho người bệnh COVID-19 trong thời gian cách ly, điều trị. 

Tuy vậy nếu dùng câu này truyền thông rộng rãi cho cộng đồng thì lại rất nguy hiểm vì đã có rất nhiều người sau khi khỏi bệnh vẫn tái nhiễm. Đồng thời virus dễ xảy ra đột biến, xuất hiện các biến chủng mới khi lây nhiễm từ người này sang người khác.

"Virus thụ động, chúng không đủ thông minh mà đi tìm người để gây bệnh. Sự lây lan dịch bệnh là do sự chủ quan, lơ là của con người, nhất là bộ phận giới trẻ vì họ năng động, phải đi làm, học tập, gặp gỡ nhiều người... 

Nguy cơ người trẻ nhiễm bệnh sau này ngày càng nhiều là điều khó tránh khỏi, nếu có suy nghĩ trên. Người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng và chống lây nhiễm COVID-19" - PGS Ngọc nói. 

Luôn tuân thủ 5K

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn tuân thủ 5K và hướng dẫn của ngành y tế, nhất là dịp Tết cổ truyền sắp tới.

Nhiễm COVID-19 nặng hay nhẹ - tùy thuộc vào tình trạng tiêm vắc xin Nhiễm COVID-19 nặng hay nhẹ - tùy thuộc vào tình trạng tiêm vắc xin

TTO - Trả lời Đài NBCnews, các bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Mỹ cho biết các triệu chứng nặng hay nhẹ ở người bệnh phụ thuộc vào tình trạng tiêm vắc xin của họ.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên