15/01/2024 09:25 GMT+7

Khi Anh, Mỹ xét lại cách chống COVID-19

Sự tàn phá của đại dịch COVID-19 đã đi qua nhưng "di chứng" của nó dành cho khoa học vẫn rất nặng nề. Mới đây quan chức Mỹ và Anh đã thừa nhận sai lầm khi phong tỏa chống dịch.

Cựu giám đốc NIH Francis Collins - Ảnh: REUTERS

Cựu giám đốc NIH Francis Collins - Ảnh: REUTERS

Việc giữ khoảng cách 2m trong tương tác xã hội theo chỉ dẫn của Mỹ có thực sự giúp tránh lây lan COVID-19 không? Con số 2m này có dựa trên bằng chứng khoa học nào không? Câu trả lời là không. Hôm 13-1, Tiểu ban đặc biệt về đại dịch vi rút corona của Hạ viện Mỹ công bố thêm một số thông tin chấn động từ bác sĩ Francis Collins, cựu giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH).

"Lời thú tội" của Collins

Không nổi bật trên mặt báo như bác sĩ Anthony Fauci nhưng bác sĩ Collins là một tượng đài y tế Mỹ và là một nhân vật quan trọng trong chiến lược đối phó COVID-19 của Mỹ.

Vừa qua, ông Collins đã điều trần trước Hạ viện Mỹ về vai trò giám đốc NIH trong giai đoạn COVID-19, lặp lại những lời của ông Fauci về các vấn đề như hướng dẫn giãn cách xã hội, nghiên cứu "gain-of-function" (một dạng nghiên cứu khuếch đại độ mạnh của vi rút để phục vụ phòng thí nghiệm) gây tranh cãi về vi rút, cũng như giả thuyết vi rút lọt ra ngoài từ phòng thí nghiệm.

Tiểu ban đặc biệt về đại dịch vi rút corona đã rút ra một số điểm quan trọng từ cuộc chất vấn dài 7 tiếng với ông Collins, gồm rất nhiều vấn đề phức tạp và quan trọng. Trong số này, chi tiết cơ bản, dễ nhớ và dễ sốc nhất là khuyến nghị về việc liệu người dân cần đứng cách xa nhau bao nhiêu để tránh lây lan COVID-19.

Theo đó, ông Collins đồng ý với ông Fauci rằng khuyến nghị "giữ cự ly 6 foot (gần 2m)" mà quan chức y tế liên bang ở Mỹ đưa ra có thể không dựa trên bất kỳ dữ liệu hoặc bằng chứng khoa học nào.

Thông tin này được công bố không lâu sau khi National Review đăng bản tin về "lời thú tội" của ông Collins, người đã rời chức ở NIH vào tháng 12-2021. Ông thừa nhận đã "mắc sai lầm" trong việc quyết phong tỏa chống dịch, bất chấp hậu quả từ việc gián đoạn hoàn toàn đời sống của người dân, hủy hoại nền kinh tế.

"Lời thú tội" của ông Collins xuất hiện từ trước đó nhưng vài tuần gần đây video về phát biểu này mới lan truyền mạnh trên X (Twitter), giữa lúc biến thể JN.1 gia tăng tại Mỹ và nhiều nơi. Trong khi đó, chỉ một số tờ theo khuynh hướng bảo thủ hoặc thiên hữu như National Review và Wall Street Journal đưa tin về phát biểu của Collins.

Giới chức Anh cũng bắt đầu xét lại về các biện pháp chống COVID-19. Vào tháng trước, Thủ tướng Rishi Sunak cũng đã đưa ra chứng cứ tương tự từ cuộc điều tra độc lập về công cuộc chống COVID-19 ở Anh.

Trong thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành, ông Sunak là bộ trưởng tài chính Anh. Ông cho rằng Anh đã làm rất kém trong việc thảo luận minh bạch về chi phí và lợi ích, cũng như sự xói mòn của cơ cấu xã hội do lệnh phong tỏa gây ra. "Nhiều tác động trong số này không được cảm nhận ngay lập tức. Chúng dần được cảm nhận theo thời gian" - ông nêu.

Người dân chờ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở  New York năm 2021 - Ảnh: AFP

Người dân chờ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York năm 2021 - Ảnh: AFP

Thu hẹp khoảng cách

Người Mỹ gần như chắc chắn không tiếp tục phong thành, đồng nghĩa "sai lầm" ông Collins thừa nhận sẽ khó tái diễn trước JN.1. Nhưng tranh luận về chính sách chống dịch, về chuyện có hay không vấn đề "đàn áp khoa học" ở giai đoạn COVID-19 đang càng khiến niềm tin của dân chúng vào khoa học có phần suy giảm.

Báo cáo của Trung tâm Pew vào tháng 11-2023 cho thấy niềm tin của người Mỹ vào khoa học và các nhà khoa học đã giảm kể từ đầu dịch COVID-19. Theo khảo sát trên 8.800 người trưởng thành ở Mỹ, tỉ lệ nói khoa học có tác động "đa phần tích cực" lên xã hội rớt xuống 57%, thấp hơn 8 điểm phần trăm so với tháng 11-2021, và 16 điểm so với ngay trước khi dịch bùng phát.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng suy giảm niềm tin vào khoa học, giám đốc quốc gia CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban cho rằng truyền thông có thể đóng góp rất nhiều từ việc đối phó với thông tin sai lệch. Bên cạnh đó cũng có những bài học rút ra từ kinh nghiệm tiếp cận với những đợt bùng phát dịch bệnh mới.

"Khi xuất hiện một căn bệnh hoàn toàn mới, sẽ có nhiều điều lúc đầu chúng ta không biết. Và chúng ta phải dựa vào thông tin tốt nhất ở thời điểm ấy, mà đó là thứ sẽ thay đổi. Có thể khi thông tin mới được đưa ra, chúng ta phải thay đổi chiến lược của mình. Và chúng ta cần công chúng cùng trải qua quá trình đó với chúng ta", ông nói.

CDC Mỹ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam

Cuối tuần qua, ông Eric Dziuban đã có chuyến thăm TP.HCM. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dziuban nhấn mạnh cam kết của CDC Mỹ về hợp tác với Việt Nam trong việc phòng chống các mối đe dọa y tế truyền thống lẫn bệnh dịch mới.

"COVID thật tệ hại khi chúng ta đi qua, nhưng một trong những gì ta thấy là mối quan hệ hợp tác này đã mạnh mẽ như thế nào cũng như cách thức chúng ta hành động nhanh trước mối đe dọa mới", ông khẳng định.

Hiện nay CDC Mỹ có nhiều chương trình phối hợp với Chính phủ Việt Nam, bao gồm phòng chống bệnh lao. Tuy nhiên theo ông Dziuban, với mật độ dân số đông, Việt Nam cũng cần lưu ý dịch bệnh lây từ động vật sang người để ngăn cách dịch như cúm gia cầm, H1N1 tái diễn.

"Những thứ như chất lượng không khí cũng là mối đe dọa y tế tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Chúng tôi ngày càng nhận thấy mối quan tâm lớn hơn từ chính phủ và công chúng trong việc giải quyết vấn đề, và đảm bảo nó không ảnh hưởng sức khỏe người dân trong các thành phố ở quốc gia này", ông nói.

WHO: Gần 10.000 người chết vì COVID-19 trong tháng trướcWHO: Gần 10.000 người chết vì COVID-19 trong tháng trước

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết gần 10.000 ca tử vong vì COVID-19 đã được báo cáo trong tháng 12-2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên