Theo tạp chí National Review, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, lệnh phong tỏa được áp dụng hầu như trên toàn thế giới, ngoại trừ Thụy Điển và một vài nước.
Đáng lẽ trách nhiệm chính của hệ thống y tế công cộng trong đại dịch là giữ cho mọi người bình tĩnh và duy trì hoạt động xã hội. Nhưng các quan chức y tế công cộng đã làm điều ngược lại.
Tạo ra sự hoảng loạn xã hội không cần thiết
Sự hoảng loạn mà các quan chức y tế công cộng tạo ra đã dẫn đến hàng trăm nghìn ca tử vong không phải do COVID-19, vì không được điều trị kịp thời. Động thái này còn gây ra những tổn hại lớn về kinh tế và xã hội, và tệ nhất là một thảm họa chưa từng có trong giáo dục.
Ông Francis Collins, người đứng đầu Viện Y tế Quốc gia Mỹ trong thời kỳ đại dịch và hiện là cố vấn khoa học cho Tổng thống Biden, gần đây đã đưa ra lời thú nhận thẳng thắn đáng chú ý.
“Nếu bạn là chuyên gia y tế công cộng và đang cố gắng đưa ra quyết định vào thời điểm đó, bạn ắt có thái độ rất nghiêm ngặt về cái gọi là quyết định đúng để cứu nguy cho mạng sống của người dân.
Mặc kệ mọi thứ, bạn khăng khăng cho rằng việc chặn đứng bệnh dịch và cứu sống nhân mạng có giá trị tối thượng. Bạn bất chấp những đảo lộn trong cuộc sống của mọi người, bỏ qua tác động hủy hoại nền kinh tế và khiến nhiều trẻ em phải nghỉ học theo cách mà chúng không bao giờ hồi phục được trong nền nếp học tập.
Có thể nói đây là kiểu tư duy vì sức khỏe cộng đồng đã và đang hiện hữu. Và điều đó thực sự đáng tiếc. Một sai lầm khác mà chúng ta mắc phải”.
Lời thú nhận sai lầm muộn màng của bác sĩ F. Collins đã được dư luận xã hội hoan nghênh và đón nhận.
Phong tỏa: tác hại gấp 5 lần lợi ích
Tháng trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã đưa ra chứng cứ tương tự từ cuộc điều tra độc lập về công cuộc chống COVID-19 ở Anh.
Cuộc điều tra đã đưa ra bức tranh" rất ảm đạm" khi nước Anh rơi vào tình trạng phong tỏa khi làm theo Mỹ.
Trong thời kỳ COVID-19, ông Sunak đứng đầu Bộ Tài chính Anh. Ông cho rằng Anh đã làm rất kém trong việc thảo luận minh bạch về chi phí và lợi ích, cũng như sự xói mòn của cơ cấu xã hội do lệnh phong tỏa gây ra: “Nhiều tác động trong số này không được cảm nhận ngay lập tức. Chúng dần được cảm nhận theo thời gian”.
Các báo cáo nghiên cứu của Học viện Hoàng gia London và Đại học Manchester gợi lên nhận định: “Tác hại của lệnh phong tỏa ở Anh lớn hơn gấp 5 lần lợi ích thu được”.
Một cái giá phải trả khác của việc phong tỏa là sự gia tăng tâm trạng hoài nghi đối với chính phủ. Helen MacNamara, quan chức cấp cao trong nội các Anh thời kỳ đại dịch, chỉ trích việc phụ thuộc quá nhiều vào lời khuyên của các nhà khoa học. Bà nói các chính trị gia mà bà làm việc đều coi lời khuyên của các nhà khoa học là “lời của Chúa”.
Chính vì thế, việc mổ xẻ các chính sách COVID-19 ở hầu hết các quốc gia hiện nay chủ yếu tập trung vào việc chôn vùi những sai lầm của chính phủ và né tránh mọi trách nhiệm giải trình, tạp chí National Review kết luận bài báo của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận