Hội nghị do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức đã ghi nhận 13 ý kiến phản biện của các chuyên gia, luật sư, người dân, đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Trong đó, các ý kiến đều thống nhất là cần thiết xây dựng bảng giá đất mới nhưng nên có lộ trình, đánh giá tác động thật kỹ và cần tuyên truyền cho người dân đồng thuận.
Không vội vàng điều chỉnh giá đất
Phát biểu tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng theo tinh thần xây dựng Luật Đất đai, bảng giá đất xây dựng phải đạt được mục tiêu hài hòa 3 lợi ích gồm lợi ích Nhà nước, lợi ích người sử dụng đất và lợi ích nhà đầu tư.
Theo ông Hậu, bảng giá đất tác động đến tâm lý thị trường, vốn đầu tư vào đất cũng tăng, chi phí đầu vào tăng cao, các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng sẽ làm chi phí đầu vào của dự án công và cả dự án tư nhân.
Việc tăng giá đất cũng tạo áp lực tài chính lên người dân tại các huyện ngoại thành, gây khó cho nhu cầu an cư, tách thửa, chuyển mục đích cho con cái... "Vì vậy cần tính toán lại việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh ở thời điểm này. TP cần thêm thời gian tập trung đánh giá toàn diện tác động giá đất để ban hành vào đầu năm 2026, bảo đảm hài hòa các lợi ích...", ông Hậu nói.
Dù khẳng định đồng ý với Sở TN&MT về việc cần thiết điều chỉnh giá đất, nhưng luật sư Trương Thị Hòa cho rằng việc điều chỉnh nên theo lộ trình để người dân, doanh nghiệp chuẩn bị, đồng thuận.
"Cần đánh giá tác động sâu rộng, kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời cần lưu tâm về thẩm quyền ban hành quyết định điều chỉnh giá đất là của HĐND TP.HCM", luật sư Hòa nói.
Tương tự, bà Ung Thị Xuân Hương - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cũng đề nghị cần điều chỉnh giá đất nhưng phải theo lộ trình và xem lại phương pháp định giá. Bên cạnh đó, cần thêm thời gian cho người dân phản biện nhiều hơn.
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng TP.HCM không thể kéo dài tình trạng ngưng giải quyết hồ sơ nhà đất cho dân nhưng cũng không nên vội vàng ban hành bảng giá đất điều chỉnh thời điểm này mà cần thêm thời gian đánh giá hết tác động của chính sách giá đất hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Không để quyền lợi người dân bị ảnh hưởng
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng rằng độ vênh trong áp dụng Luật Đất đai sẽ dẫn đến rủi ro cho các địa phương khi Luật Đất đai cho phép áp dụng bảng giá đất cũ mà không quy định rõ về việc có cho phép áp dụng hệ số điều chỉnh hay không.
Tuy nhiên theo bà Ung Thị Xuân Hương, việc cơ quan thuế của TP.HCM ngưng giải quyết nghĩa vụ tài chính về hồ sơ nhà đất từ 1-8 cho người dân là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở TN&MT - khẳng định sự cần thiết phải ban hành bảng giá đất, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến để hoàn thiện xây dựng bảng giá đất điều chỉnh.
Theo ông Thắng, dự thảo bảng giá đất điều chỉnh là kết quả cập nhật 1.300 vị trí đất đã phê duyệt bồi thường tại các dự án và 97.000 giao dịch thời gian gần đây trên địa bàn TP.
"Đơn vị tư vấn đã thu thập, tổng hợp, so sánh, chiết trừ... để cho ra bảng giá đất điều chỉnh. Bảng giá đất này còn phải được Hội đồng giá đất TP thẩm định lại. Nếu không có bảng giá đất mới, không có cơ sở tính nghĩa vụ tài chính. Bởi áp dụng bảng giá đất cũ mà đã bỏ hệ số K sẽ không bảo đảm thu đúng cho ngân sách nhà nước", ông Thắng nói.
Trong khi đó, ông Trần Đình Trữ - phó chánh Thanh tra TP.HCM - khẳng định việc điều chỉnh giá đất là hoàn toàn có căn cứ pháp lý. Mục đích điều chỉnh giá đất nhằm bảo đảm giá đất sát giá thị trường, cập nhật hơn 550 tuyến đường mới chưa có bảng giá, bảo đảm công bằng về nghĩa vụ tài chính, bảo đảm quyền lợi người dân tại các dự án bồi thường tái định cư...
"Luật Đất đai cho phép duy trì sử dụng bảng giá đất đến 31-12-2025, trong khi hệ số K không còn sử dụng được nữa. Vì vậy rất cần thiết ban hành bảng giá điều chỉnh. Nhưng tỉ lệ điều chỉnh như thế nào thì cần tính toán để vừa bảo đảm nguồn thu cho Nhà nước và phù hợp quyền lợi người dân...", ông Trữ nói.
Áp dụng bảng giá đất cũ đến hết ngày 31-12-2025
Trong văn bản về triển khai các quy định Luật Đất đai năm 2024, vừa gửi tới các cơ quan chức năng, Bộ Tài chính khẳng định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định Luật Đất đai năm 2013 (bảng giá đất cũ) được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31-12-2025.
Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Trình tự điều chỉnh bảng giá đất nếu có sẽ thực hiện theo quy định tại điều 17 nghị định số 71/2024 quy định về giá đất.
Theo đó sở TN&MT lựa chọn một tổ chức định giá đất để xây dựng bảng giá đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Hà Nội: người dân đến làm thủ tục đất đai vẫn rất đông
Ngày 12-8, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông, Hà Nội cho thấy người dân, đại diện tổ chức, doanh nghiệp đến làm thủ tục chuyển nhượng đất đai bình thường.
Lượng người đến đăng ký làm thủ tục đất đai tại quận Thanh Xuân rất đông, các cán bộ của văn phòng vẫn tiếp nhận và xử lý hồ sơ về chuyển nhượng đất đai, nhà ở tại bộ phận 1 cửa và hẹn giải quyết thủ tục trong 14 ngày làm việc như trước thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.
Chị N.T.H. - cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - cho biết việc tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng, làm thủ tục chuyển nhượng đất đai, nhà ở vẫn diễn ra bình thường và giải quyết đúng quy trình, thủ tục.
Điểm khác biệt là các khoản thuế, phí khi chuyển nhượng nhà đất trước ngày 1-8 được tính theo bảng giá đất cũ. Còn sau ngày 1-8, việc tính toán các khoản thuế phí vẫn căn cứ vào bảng giá đất cũ nhưng sát giá thị trường hơn.
Về vấn đề chi phí làm thủ tục chuyển nhượng đất đai sẽ thay đổi ra sao sau thời điểm 1-8, chị H. cho hay vẫn chưa thể xác định được do quy định mới chưa có hiệu lực, các sở, ngành của TP đang phối hợp để đưa ra phương pháp xác định nghĩa vụ tài chính đất đai trong giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến hết năm 2025.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Nam - người đến làm thủ tục chuyển nhượng lô đất dịch vụ tại phường Dương Nội, quận Hà Đông - nói các cơ quan chức năng của TP vẫn chưa công khai phương pháp xác định giá đất mới cho người dân, nên anh không biết mình sẽ phải đóng thêm bao nhiêu chi phí khi làm thủ tục chuyển nhượng đất.
"Hơn nữa tôi cũng không biết giá đất sát thị trường sẽ được TP xác định thế nào", anh Nam lo lắng.
Đà Nẵng: vẫn thực hiện theo quy trình đã công bố
Những ngày gần đây, tại các văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng, việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai vẫn diễn ra bình thường.
Trong văn bản gửi đến UBND TP Đà Nẵng, Sở TN&MT cho biết đến nay Bộ TN&MT vẫn chưa công bố thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. Do vậy để thực hiện xuyên suốt thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực đất đai cho người dân và các tổ chức, cơ quan này đề xuất TP cho phép được tiếp tục thực hiện theo quy trình, thủ tục tại danh mục thủ tục hành chính đã được UBND TP Đà Nẵng công bố trước đó.
Đồng thời giao cơ quan giải quyết thủ tục hành chính có trách nhiệm rà soát, cập nhật theo các quy định của Luật Đất đai. Với các hồ sơ thuộc danh mục thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai được quy định tại khoản 1 điều 195 Luật Đất đai 2013 đã được cơ quan chức năng tiếp nhận trước ngày 1-8 nhưng chưa được trả kết quả, giao Sở TN&MT căn cứ Luật
Đất đai năm 2024 và các nghị định của Chính phủ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện theo quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai 2024.
Trong đó đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; những trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Sở TN&MT chủ động báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định.
Đồng Nai: làm thủ tục chuyển nhượng đất đai bình thường
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở ngành liên quan và UBND các huyện, TP không để gián đoạn việc giải quyết thủ tục hành chính đất đai, không gây ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian chờ Bộ TN&MT công bố thủ tục hành chính mới về đất đai.
Với những hồ sơ, thủ tục mà người dân, doanh nghiệp đã nộp trước ngày 1-8-2024 tiếp tục giải quyết. Những hồ sơ nộp từ ngày 1-8 nếu là các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền ký, xác nhận, công chứng và chứng thực trước ngày 1-8 tiếp tục tiếp nhận và giải quyết.
Với những thủ tục hành chính mới đã được quy định trong các nghị định, thông tư mà không thể tiếp nhận theo cấu hình trên phần mềm 1 cửa điện tử tỉnh (eGov), giám đốc Sở TN&MT, chủ tịch UBND các TP, huyện chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và trả kết quả lập biên nhận riêng, thể hiện thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của nghị định, thông tư mới.
Bình Dương: vẫn áp dụng theo bảng giá đất cũ
Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, quyết định của UBND tỉnh quy định bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 (quyết định 36 ngày 20-12-2019) vẫn đang còn hiệu lực. Vừa qua sở đã phối hợp với Bộ TN&MT tập huấn Luật Đất đai 2024, trong đó đối với bảng giá đất luật cho phép các địa phương áp dụng đến hết năm 2025.
"Vì vậy tại Bình Dương vẫn đang áp dụng theo bảng giá đất hiện hành, chưa xây dựng và ban hành bảng giá đất mới", vị này nói.
Đại diện Cục Thuế tỉnh Bình Dương cũng cho biết đang tính thuế các giao dịch chuyển nhượng bất động sản như quy định hiện hành, không có vướng mắc gì.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các trung tâm phục vụ hành chính công, một số văn phòng công chứng trong địa bàn tỉnh Bình Dương..., chưa có trường hợp người dân, tổ chức phản ánh bị vướng mắc trong quá trình tính thuế chuyển nhượng bất động sản.
Cần Thơ và Hậu Giang: không ách tắc
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Chi cục Thuế quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết vẫn thu thuế bình thường với các hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. "Việc tính thuế, thu thuế liên quan đến nhà đất vẫn bình thường, không có vướng mắc gì cả", vị này nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Cái Răng, Cần Thơ - cho hay hồ sơ chuyển qua chi cục thuế vẫn bình thường. Cơ quan thuế không có ý kiến gì và cũng không có hồ sơ nào bị trả lại kể từ ngày 1-8 đến nay.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang - thông tin hoạt động chuyển nhượng bất động sản vẫn bình thường, cơ quan chức năng vẫn áp bảng giá đất cũ theo quy định chuyển tiếp đến ngày 31-12-2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận