Bà La Phạm Tiêu Phần (phải, trước) và ông Hiệp Quốc Khiêm trong buổi nói chuyện trên một chương trình radio ngày 19-6 - Ảnh: SCMP
Sau "lời xin lỗi chân thành nhất" được trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đưa ra chiều 18-6, một số thành viên Hội đồng hành pháp Hong Kong cũng gửi lời xin lỗi đến người dân Hong Kong vào sáng nay (19-6), vì tác động của dự luật dẫn độ tới tình hình Hong Kong những ngày qua.
Phát biểu trên đài phát thanh, bà La Phạm Tiêu Phần (Fanny Law Fan Chiu-fun), thành viên Hội đồng hành pháp Hong Kong, nói rằng bà Lâm nên gánh vác trách nhiệm lớn nhất sau các cuộc biểu tình vừa qua, theo báo South China Morning Post.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng tôi, những người ở Hội đồng hành pháp, cũng phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng nên xin lỗi công chúng. Tôi thật sự nghĩ rằng 99,9% người Hong Kong sẽ không bị ảnh hưởng bởi dự luật dẫn độ" - bà La nói.
Dự luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hong Kong - Nguồn: SCMP
Trong khi đó, ông Hiệp Quốc Khiêm (Ip Kwok-him), một thành viên khác của Hội đồng hành pháp, nói rằng ông sẵn sàng xin lỗi vì đã đánh giá không đúng phản ứng của người dân đối với dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục.
Ông Hiệp thừa nhận đã mong đợi bà Lâm cúi đầu xin lỗi trước công chúng nhưng bà Lâm đã không làm điều đó. Tuy nhiên, ông không đặt nghi vấn về sự chân thành của nhà lãnh đạo Lâm Trịnh Nguyệt Nga khi bà đưa ra lời xin lỗi hôm 18-6.
Ông Hiệp cho biết bà Lâm hiện không thể dẹp bỏ những thay đổi của dự luật dẫn độ vì còn phải quan tâm tới phản ứng từ các đồng minh của bà và cần sự ủng hộ chính trị để lãnh đạo Hong Kong trong 3 năm tới.
Bất chấp sự dịu giọng của bà Lâm, những người biểu tình vẫn yêu cầu bà rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ. Lời xin lỗi của các thành viên Hội đồng hành pháp Hong Kong cũng được đưa ra sau khi người biểu tình yêu cầu họ cũng chịu trách nhiệm cho dự luật dẫn độ trên.
Hiện tại, đặc khu hành chính Hong Kong cũng có cơ chế xử lý yêu cầu dẫn độ đối với các quốc gia khác, nhưng theo luật nó phải được xem xét bởi Hội đồng lập pháp.
Chính vì vậy, nhánh hành pháp đưa ra dự thảo luật dẫn độ để nắm quyền này bởi vì theo họ, việc xem xét sẽ nhanh hơn.
Phe phản đối lại cho rằng nếu quyền quyết định dẫn độ nay thuộc về một người đứng đầu hành pháp, bà đặc khu trưởng Carrie Lâm (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), vốn có quan điểm thân Trung Quốc đại lục, sẽ mang lại nhiều hệ lụy nguy hiểm do hai hệ thống tư pháp quá khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận