Các nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi ở Hong Kong: Nathan Law (trái), Joshua Wong (Hoàng Chi Phong, giữa) và Agnes Chow đứng bên ngoài tòa nhà Hội đồng lập pháp Hong Kong hôm 18-6 - Ảnh: REUTERS
Người ta chứng kiến Hong Kong trong những ngày hè tháng 6 là một thành phố nóng hừng hực và đông nghẹt khi có lúc gần 2 triệu người biểu tình đã đổ ra đường phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.
Chiều 18-6, lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) một lần nữa gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ rút lại hoàn toàn dự luật gây nhiều tranh cãi này.
Giữa bối cảnh đó, bà Yung Xiu Kwan, một cư dân Hong Kong 67 tuổi, cho biết đang sắp xếp hành lý để rời khỏi trung tâm tài chính châu Á này và bắt đầu một cuộc sống mới ở một hòn đảo không xa: Đài Loan.
"Nếu không có tự do và dân chủ, tôi thà chết còn hơn! Trong khi đó, Đài Loan lại cho thấy được những điều này" - Hãng tin Reuters dẫn lại lời của bà Yung, người tham gia cuộc biểu tình ngày 16-6.
Bà Yung thuộc trong số nhiều người Hong Kong đã và đang mong muốn chuyển đến Đài Loan sinh sống trong những năm gần đây, trước lo ngại Bắc Kinh ngày càng tạo dựng ảnh hưởng và gây xói mòn quyền tự trị của Hong Kong.
Số liệu chính thức cho thấy số người đến từ Hong Kong và đặc khu hành chính Macau được Đài Loan cấp quyền cư trú đã tăng gấp đôi so với cách đây 1 thập niên, lên tới 1.267 người trong năm 2018.
Xu hướng này tăng lên trong 2 năm qua, theo sau các cuộc biểu tình trong phong trào "Dù vàng" đòi dân chủ hồi năm 2014. Trong 4 tháng đầu năm 2019, có khoảng 400 trường hợp như vậy đã chuyển đến Đài Loan, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tôi sẽ chuyển tới Đài Loan cùng vợ tôi vào năm tới. Mọi thứ ngày càng xấu đi ở Hong Kong. Chúng tôi lo lắng cho thế hệ tiếp theo" - ông Melvin Chu, một người tham gia biểu tình hôm 16-6, chia sẻ.
Trước đó, các báo cáo cho biết một số tài phiệt Hong Kong cũng đã bắt đầu chuyển tài sản cá nhân ra nước ngoài, như Singapore.
Bà Yung Xiu Kwan, 67 tuổi, cầm cờ Đài Loan trong cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong - Ảnh: REUTERS
Hong Kong hiện được quản lý dưới quy chế "một quốc gia, hai chế độ" kể từ khi thành phố này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo đó, đặc khu này được phép duy trì các cơ quan chính trị và tư pháp riêng biệt trong 50 năm sau đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề xuất công thức "một quốc gia, hai chế độ" với Đài Loan. Tuy nhiên, Đài Loan một mực bác bỏ đề xuất này.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn - người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh - vừa qua cũng kịch liệt phản đối dự luật dẫn độ của Hong Kong.
Theo Hãng tin Reuters, một số người Hong Kong đến Đài Loan thậm chí lựa chọn tham gia nghĩa vụ quân sự ở hòn đảo này để được cấp quyền cư trú, vốn bình thường phải tốn tới 1,5 triệu đôla Hong Kong.
Chủ tịch Foxconn, ông Terry Gou - người tuyên bố ra tranh cử cho chiếc ghế lãnh đạo Đài Loan - vừa qua cũng hứa hẹn sẽ "mở rộng vòng tay" cho những người nhập cư Hong Kong muốn tìm kiếm "một ngôi nhà mới cho dân chủ và tự do" nếu ông thắng cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận