Trong đó, các chính sách tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân, kích cầu tiêu dùng sẽ là những yếu tố cộng hưởng. Ông ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Trường đại học Fulbright VN) đã khẳng định như vậy khi chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Ông Tuấn giải thích: Việc tinh gọn bộ máy hành chính được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan, tổ chức, qua đó giúp các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, tối ưu hóa sự phân cấp phân quyền, góp phần nâng cao khả năng điều hành và quản lý của các cấp chính quyền.
* Theo ông, những yếu tố nào có thể tạo cơ hội để Việt N am thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trong những năm tới?
- Đầu tư công chiếm khoảng 10% GDP hằng năm. Những năm qua, đầu tư công tập trung vào các dự án lớn về giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục..., góp phần tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư tư nhân và FDI. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nút thắt trong đầu tư công ở VN.
Những nút thắt có thể kể đến là hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, chi phí thường vượt dự toán và chậm tiến độ; việc lựa chọn dự án chưa tối ưu, thiếu tính liên kết vùng, giải ngân chậm và khó khăn giải phóng mặt bằng, tham nhũng và thất thoát, lãng phí còn nhiều; nguồn vốn thiếu đa dạng, chủ yếu dựa vào ngân sách, vai trò của hợp tác công tư (PPP) chưa được phát huy.
Do đó, để thu hút các nguồn lực xã hội, chỉ có cách cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu các rào cản pháp lý; tăng cường minh bạch và tính ổn định của hệ thống pháp luật sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất. Tiếp tục thu hút đầu tư FDI một cách chọn lọc, có chất lượng, gắn với phát triển doanh nghiệp nội địa.
* Các ngành đổi mới sáng tạo được dự báo sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng của VN những năm tới, theo ông, cần làm gì để thúc đẩy sự phát triển của các ngành này?
- Trước hết, cần tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần phải có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cả nước như khu công nghệ, công viên AI, quỹ đầu tư mạo hiểm, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm...
Chính phủ cũng cần có những chính sách ưu đãi về thuế và tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, kinh tế xanh và các lĩnh vực mới nổi, xem khoản ưu đãi như một khoản đầu tư để ươm mầm cho các sáng tạo và nuôi dưỡng giá trị trong tương lai.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta càng có tiềm năng và lợi thế để phát triển các ngành công nghệ cao, trong đó có trí tuệ nhân tạo và kinh tế số.
Tuy nhiên, với những thiếu hụt và điểm nghẽn về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiện nay, Chính phủ không có cách nào khác là phải sớm tháo gỡ các nút thắt này để có thể bắt kịp cuộc đua với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, đầu tư cho giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực kỹ năng cao cũng là một đòi hỏi mang tính thực tiễn, quyết định sự thành bại của lựa chọn chính sách.
Những chính sách ưu đãi về thuế và tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, kinh tế xanh và các lĩnh vực mới nổi, xem khoản ưu đãi như một khoản đầu tư để ươm mầm cho các sáng tạo và nuôi dưỡng giá trị trong tương lai.
* Làm thế nào để khai thác tốt hơn sức mua của thị trường nội địa và thúc đẩy tiêu dùng trong nước như một động lực tăng trưởng chính, thưa ông?
- Việt Nam có quy mô dân số hơn 100 triệu người và thu nhập tăng nhanh, trong đó đặc biệt là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Chiến lược phát triển tiêu dùng nội địa phải gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế mới hiệu quả.
Để tăng tiêu dùng, các chính sách thuế phải được cải cách, bao gồm cả thuế tiêu dùng và thuế thu nhập. Bởi khi giảm thuế sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, qua đó tăng khả năng chi tiêu, tăng lượng giao dịch và nhờ đó có thể bù đắp lại doanh thu thuế giảm bởi phần giảm thuế suất.
Trong ngắn hạn, các biện pháp kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT, hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, kích thích sự tiêu dùng trong các mùa lễ, Tết cũng có thể được áp dụng. Tuy nhiên, cần có chính sách khuyến khích các hành vi tiêu dùng xanh và có trách nhiệm xã hội, ví dụ như sản phẩm tái chế và tiêu dùng ít carbon.
* VN đang nỗ lực tinh gọn bộ máy và tạo thuận lợi cho kinh doanh, theo ông, làm gì để tận dụng hiệu quả cơ hội này?
- Việc tinh gọn bộ máy hành chính được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan, tổ chức, qua đó giúp các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, tối ưu hóa sự phân cấp, phân quyền, từ đó nâng cao khả năng điều hành và quản lý của các cấp chính quyền. Bộ máy tinh gọn giúp quá trình ra quyết định và triển khai chính sách nhanh hơn, giảm thiểu tình trạng trì hoãn hoặc quá tải công việc...
Quá trình tinh gọn bộ máy cũng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn những yếu kém của nền hành chính và quản trị nhà nước chúng ta thời gian qua. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, trước hết cần đơn giản hóa và minh bạch hóa các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư, cấp phép kinh doanh, đăng ký sở hữu tài sản và thuế.
Ngoài ra, phải cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu các vướng mắc pháp lý và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, cần có chính sách tạo thuận lợi cho các SME và các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận tài chính, tín dụng và các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Cung cấp các ưu đãi thuế, tài chính, đất đai cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một yếu tố thiết yếu để thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng và công nghệ số. Điều này sẽ giúp cải thiện năng suất và mở rộng khả năng kết nối các vùng miền, thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược.
Dù tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng là cần thiết, nhưng để đảm bảo tính hiệu quả, Chính phủ cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng và tốc độ thực hiện các dự án, tránh lãng phí và thất thoát vốn. Việc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án lớn, nhất là các dự án hạ tầng ở các vùng kinh tế trọng điểm, sẽ có tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu dùng cũng sẽ giúp tạo ra giá trị gia tăng nhanh chóng.
Trong khi đó, việc cải cách hành chính được kỳ vọng sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phải tìm kiếm các thể chế mới thực sự tạo đột phá. Theo đó, Chính phủ phải tăng cường thể chế phân cấp, phân quyền cho địa phương, bởi đã đến lúc các bộ ngành không thể tiếp tục ôm đồm quyền của mình như trước nữa.
TS TRẦN TOÀN THẮNG (trưởng ban quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT):
Cần đầu tư phát triển nhân lực có năng lực đổi mới sáng tạo
Ngày 22-12-2024 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhấn mạnh đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tôi kỳ vọng nghị quyết này sẽ sớm được luật hóa để đi vào cuộc sống.
Có thể thấy trong giai đoạn 5 - 10 năm tới, VN sẽ đối mặt với nhiều thách thức về nguồn lực: lực lượng lao động giảm do già hóa dân số, nguồn vốn không còn dồi dào khi cạnh tranh thu hút vốn toàn cầu ngày càng khốc liệt và vốn rẻ không còn.
Vì vậy, để tăng trưởng dài hạn ở mức cao, yếu tố cốt lõi là khoa học công nghệ, trong đó sự đột phá trong đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cần phải được chú trọng. Đặc biệt, đầu tư phát triển nhân lực có năng lực đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ tối quan trọng, cần được đẩy mạnh.
Trong ngắn hạn, cần tạo cơ chế để đội ngũ này làm việc hiệu quả và cống hiến hơn. Về dài hạn, phải xây dựng môi trường tự do sáng tạo, bắt đầu từ việc thay đổi nền tảng giáo dục phổ thông, đại học và dạy nghề.
Điều này đòi hỏi cải cách cả về chương trình, nội dung, triết lý giáo dục nhằm hình thành tư duy phản biện và tư duy đổi mới sáng tạo trong xã hội. Có như vậy mới tạo ra được năng lực khoa học bền vững phục vụ cho tăng trưởng cao.
Ông VÕ XUÂN HOÀI (phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC):
Các ngành đổi mới sáng tạo sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng
Trong những năm tới, đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu của VN, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế VN. Trong đó, lĩnh vực kinh tế số được dự báo đóng góp khoảng 20% GDP năm 2025 thông qua các ngành thương mại điện tử, ngành ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các giải pháp IoT, AI, tự động hóa sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp, dịch vụ - những thế mạnh của của VN...
Dự báo trong năm 2025, AI sẽ bùng nổ ở nước ta, là tiền đề để VN trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về AI, nhờ đó cơ hội xuất khẩu dịch vụ ứng dụng AI mở ra cho VN.
Trước đó, năm 2024 VN đã tạo ra hệ sinh thái bán dẫn gồm các khâu đóng gói, kiểm thử, thiết kế chip và những nhà máy sản xuất nguyên liệu cho ngành bán dẫn.
Nguồn lực bán dẫn cũng đang được đẩy mạnh đào tạo sau khi Chính phủ ban hành đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, tạo thế mạnh trong tham gia chuỗi cung ứng sản xuất chip toàn cầu.
Dự báo đến năm 2030 ngành bán dẫn trong nước sẽ đóng góp khoảng 15 - 16 tỉ USD vào quy mô GDP hằng năm. Ngành bán dẫn cũng là ngành lõi nên nếu phát triển được trong những năm tới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.
Đối với ngành AI, chúng ta đã hợp tác với NvidiA để đầu tư Trung tâm R&D về AI, tạo ra cơ hội lớn cho việc ứng dụng AI vào các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận