Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (từ 6 - 6,5%), và dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2025 đạt 8%.
Cần xây dựng kịch bản cụ thể
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định trong 20 năm tới, nước ta phải đạt tăng trưởng cao ở mức hai chữ số (từ 10% trở lên) mới hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao.
Các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (chiếm hơn 60% GDP cả nước) và hai cực tăng trưởng Hà Nội, TP.HCM cũng phải tăng trưởng hai chữ số và khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước.
Trong mục tiêu hướng đến hai chữ số, nếu chia làm hai giai đoạn thì 10 năm đầu (2015 - 2025) phải tạo nền tảng đầy đủ để 10 năm tiếp theo (2025 - 2035) kinh tế tăng tốc với tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Kinh nghiệm từ những con rồng Đông Á (như Hàn Quốc, Singapore) cần 10 - 20 năm tăng trưởng cao liên tục với tốc độ 8 - 10%/năm để từ một quốc gia đang phát triển thành quốc gia phát triển.
Bàn về mục tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ, các bộ ngành phấn đấu đạt được trong năm 2025, theo GS.TS Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 là khả thi vì chúng ta có may mắn khi nhiều nhà đầu tư FDI lớn chọn Việt Nam là điểm đến.
Nhưng ông Lược nhấn mạnh rằng mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong thời gian dài không dễ, thực tế Việt Nam chưa bao giờ đạt tăng trưởng hai chữ số nếu tính từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay.
Những năm 1990 (thế kỷ trước), nền kinh tế nước ta tăng trưởng tốt nhất cũng chỉ đạt khoảng 8%. Theo vị chuyên gia này, nền kinh tế chỉ cần đạt tăng trưởng ổn định trong thời gian dài từ 8 - 9% thì nước ta có thể trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy họ duy trì tăng trưởng cao 7% trong khoảng 25 năm để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thu nhập bình quân đầu người từ 17.000 - 18.000 USD/năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay để đạt tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới thì các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đánh giá năng lực thực tế của nền kinh tế.
Từ đó xây dựng kịch bản tăng trưởng cao cho thời gian dài, từng ngành từng lĩnh vực phải tăng bao nhiêu và xác định rõ tiềm năng, động lực, nguồn lực cụ thể là gì.
Đột phá trong cải cách thể chế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nước ta có cơ hội lớn để trở thành nước có thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực cải cách, tinh gọn bộ máy, tạo thuận lợi cho kinh doanh.
Cần có giải pháp kích thích các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công, xuất khẩu, thu hút đầu tư FDI, kích cầu tiêu dùng trong nước... Bên cạnh đó còn đặc biệt hỗ trợ các động lực tăng trưởng mới từ đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới công bố, đến hết năm 2035 Việt Nam có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao nếu duy trì được đà tăng trưởng GDP hằng năm từ 7 - 7,5% trong giai đoạn 2015 - 2035.
Để đạt mục tiêu này, trong 5 năm đầu phải có đột phá trong cải cách thể chế mạnh mẽ để tạo lập kinh tế thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không có cải cách thể chế mạnh mẽ sẽ không tạo được nền tảng tăng trưởng cho những năm tiếp theo.
"Tiềm năng tăng trưởng lớn nhất hiện nay vẫn là tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Không có môi trường thuận lợi thì không ai muốn đầu tư kinh doanh gì cả.
Nhưng cải cách thể chế mà không xuất phát từ thực tiễn môi trường kinh doanh thì tháo nút thắt này sẽ tạo nút thắt khác, không hiệu quả", ông Lâm nhấn mạnh.
Thúc đẩy đầu tư tư nhân
Trong khi GS.TSKH Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết giai đoạn từ 1991 - 1998, khi vốn đầu tư chưa nhiều, nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng GDP trung bình hơn 8%/năm, trong đó có những năm tăng trên 9%.
Như vậy, đã có thời kỳ tăng trưởng khá cao; còn giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế đối mặt với hai cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (1997 - 2002) và thế giới (2008 - 2010) nên tốc độ tăng GDP hằng năm chưa đạt 7%.
Năm nay, nền kinh tế đạt tăng trưởng GDP khoảng 7%, nhưng theo ông Mại, có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn nếu khắc phục tốt tình trạng lãng phí trong đầu tư công.
Mỗi năm chúng ta đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng vào các dự án hạ tầng lớn, nếu khắc phục được tình trạng lãng phí trong đầu tư công thì sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng.
"Bên cạnh đó, cần có giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng của nền kinh tế vì đây là khu vực sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.
Ví dụ Sungroup làm sân bay quốc tế Vân Đồn chỉ trong thời gian hai năm, vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng, rất hiệu quả. Hay Tập đoàn Đèo Cả làm chủ được công nghệ xây dựng hầm đường bộ, thi công hầm đường bộ Hải Vân 2, hầm đường bộ qua đèo Cù Mông rẻ hơn các tập đoàn nước ngoài làm.
Vì thế, trong những năm tới cần thúc đẩy đầu tư hạ tầng nền kinh tế theo hướng tăng tỉ lệ đầu tư PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân), thúc đẩy tư nhân tham gia làm các dự án hạ tầng.
Thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã làm chủ được công nghệ đầu tư các dự án hạ tầng nên việc khuyến khích tư nhân trong nước làm các dự án hạ tầng lớn sẽ giảm chi phí đầu tư.
Điều này cũng khuyến khích khu vực tư nhân trong nước phát triển lớn mạnh hơn, ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế", ông Mại cho biết thêm.
Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng nhận định cần phát huy tiềm lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng làm chủ công nghệ, có những sáng kiến tiết kiệm vốn đầu tư, như vậy chi phí đầu tư những con đường cao tốc rẻ hơn.
Ông Mại cũng chỉ ra rằng chỉ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) đầu tư công hiện khá cao, khoảng 4,5% trong năm 2024. Nếu tăng được hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong bối cảnh Chính phủ đang dồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng lớn, quan trọng của quốc gia thì tăng trưởng 8% năm 2025 là trong tầm tay.
Động lực chính là đầu tư công và xuất khẩu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Thế Anh, trưởng khoa kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng để tăng trưởng nhanh hơn cần dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong đó, nguồn lực sẽ dồn cho các dự án quy mô hơn, tầm nhìn xa hơn như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các dự án FDI mang tính dẫn dắt...
Theo TS Thế Anh, trong ngắn hạn, tăng trưởng đất nước vẫn phụ thuộc vào các động lực chính là đầu tư công và xuất khẩu, còn đầu tư và tiêu dùng tư nhân hiện vẫn còn yếu.
Để khôi phục đầu tư và tiêu dùng tư nhân, cần cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức cầu tiêu dùng, nhưng thực tế thu nhập người dân bị co lại, sức mua người dân giảm sút trong khi giá cả tăng nhanh, thuế thu nhập cá nhân lạc hậu chậm sửa đổi... khiến người dân có tâm lý tiết kiệm hơn.
Do đó TS Thế Anh cho rằng với đầu tư công cần hướng đến những dự án trọng điểm, hiệu quả, mang tính lan tỏa, giúp tạo ra tăng trưởng dài hạn và nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Khi các dự án đầu tư công như sân bay, đường sắt Bắc - Nam, cảng biển, nguồn điện mang lại hiệu quả, nó sẽ tạo động lực để thu hút FDI.
* GS.TSKH Nguyễn Mại (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài):
Đột phá trong đầu tư FDI vào Việt Nam
Động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế trong những năm tới là nước ta chưa bao giờ có được thuận lợi trong thu hút đầu tư FDI như hiện nay.
Cách đây hai tuần, NVIDIA chính thức quyết định đầu tư vào Việt Nam để lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển về AI và Trung tâm Dữ liệu AI.
Quốc gia nào có được hai trung tâm này sẽ phát triển rất nhanh về AI. Đây là một ví dụ về sự đột phá trong đầu tư FDI vào Việt Nam.
Trong năm 2024, Hiệp hội Bán dẫn Mỹ cũng đưa khoảng 20 tập đoàn lớn về bán dẫn của Mỹ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Dự kiến sẽ có khoảng 13 dự án bán dẫn, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ USD, sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Điều này sẽ từng bước tạo lập hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành một trung tâm bán dẫn khu vực trong tương lai.
* TS Trương minh HUY VŨ (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Chuyển đổi số: con người là khâu then chốt
Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng hai con số từ 2025, cần khẳng định lại vai trò vị thế và đóng góp thật sự của cuộc cách mạng khoa học công nghệ chuyển đổi số trong bối cảnh mới, mà để làm được những cuộc cách mạng này thì con người nằm ở khâu then chốt.
Những kết quả các hội thảo phân tích thực tiễn và hệ thống chính trị Việt Nam cho thấy để trí thức phát huy được các khả năng thì phải tạo điều kiện cho họ: được làm, có thể làm, và dám làm.
Được làm chính là được giao những nhiệm vụ với các nguồn lực tương xứng, như đầu tư vào khoa học công nghệ là đầu tư không hề rẻ, thậm chí phải có những đầu tư vượt trội.
Có thể làm là các vấn đề liên quan đến thể chế lẫn văn hóa.
Thể chế cần cho phép các nhà khoa học, những trí thức có thể phản biện ở các hình thức khác nhau và có văn hóa khuyến khích các tranh luận thảo luận nội bộ thậm chí cả những vấn đề nhạy cảm và gay gắt nhất.
Việc này giúp vừa điều chỉnh vừa phải tạo ra tiếng nói phản biện và phải phản biện độc lập dựa trên các bằng chứng tri thức cụ thể.
Dám làm là có cơ chế bảo vệ những người thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thí điểm các phương thức mới, công nghệ mới.
Đầu tư cho những cái mới mang tính mạo hiểm và rủi ro rất cao, vì thế nếu không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm thì sẽ khiến cho những nhà phát kiến, nhà khoa học thành những "tiểu thương" bình thường với các đồng tính toán 1 đổi 1 mà không có các tầm nhìn thay đổi tương lai. Vì vậy cần tạo điều kiện cho trí thức dám làm.
* TS Cấn Văn Lực (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia):
Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là dư địa
Các động lực tăng trưởng kinh tế chính đang phục hồi khá, dù không đồng đều, như cầu tiêu dùng phục hồi cả trong và ngoài nước, xuất khẩu tăng trưởng. Trong khi đó, đầu tư tư nhân cũng phục hồi, thu hút FDI tăng khá và kiều hối tăng tích cực.
Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; các rủi ro tài khóa như thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài đều ở mức trung bình.
Điều này khiến dư địa chính sách tài khóa vẫn còn.
Hiện lạm phát tuy tăng nhưng trong tầm kiểm soát, lãi suất giảm, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát, trong khi tỉ giá dần ổn định là những yếu tố tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Các yếu tố khác như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng... được tiếp tục đẩy mạnh, là dư địa để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận