28/12/2024 13:26 GMT+7

Thủ tướng: Nếu tăng trưởng GDP bình bình 6,5-7%/năm sẽ không đạt hai mục tiêu 100 năm

Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành kế hoạch và đầu tư, do bộ này tổ chức ngày 28-12 tại Hà Nội.

Thủ tướng: Nếu tăng trưởng GDP bình bình 6,5-7%/năm sẽ không đạt hai mục tiêu 100 năm - Ảnh 1.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành dự Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch và đầu tư ngày 28-12 - Ảnh: VGP

Tiên phong thu hút nguồn lực cho phát triển

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là điều phối tốt kinh tế vĩ mô, trong đó tăng trưởng là thông số quan trọng nhất, đặc biệt là tăng trưởng GDP. Nếu cứ tăng trưởng bình bình 6,5-7% trong những năm tới sẽ không đạt được 2 mục tiêu 100 năm (mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước).

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, Thủ tướng đề nghị bộ thực hiện 5 tiên phong, trong đó có tiên phong đổi mới tư duy vì tư duy đổi mới là tạo ra nguồn lực.

Phải xác định thể chế là đột phá của đột phá, thể chế không theo kịp thực tế phát triển phải sửa đổi, bổ sung, thể chế có rồi nhưng vướng mắc thì phải tháo gỡ.

Tiên phong trong thu hút nguồn lực cho phát triển, nguồn lực nhà nước phải sử dụng hiệu quả, thu hút nguồn lực tư nhân, đầu tư nước ngoài cho phát triển đất nước.

Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại nền kinh tế.

Và tiên phong trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hoạch định chính sách theo cơ sở dữ liệu, phát triển trí tuệ thông minh trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam.

Sáp nhập cần sự hy sinh của công chức

Về chủ trương hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, Thủ tướng khẳng định Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ nên chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Thủ tướng cho biết việc hợp nhất hai bộ sẽ không bỏ bất cứ chức năng nào, nhưng giảm đầu mối, biên chế, nâng cao chất lượng, bố trí cho hiệu quả.

Chúng ta lấy người dân làm trung tâm thì mọi chính sách phải hướng tới cơ sở. Sắp tới sẽ có chủ trương đưa công chức đi cơ sở, 11.000 xã, phường nếu chịu đi thì mỗi cơ sở 3 đồng chí sẽ cần 33.000 vị trí.

Bên cạnh đó trong quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy thì nhân sự trẻ phải được đào tạo, bổ sung kiến thức, cần coi đây là cơ hội. Còn ai có cơ hội tốt hơn thì có chính sách tạo thuận lợi.

"Tất nhiên phải có sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, công chức trọng bộ. Sáp nhập với nhau, kết hợp với nhau thì tổ chức bên trong phải kiểm soát, sắp xếp nội bộ hài hòa, hợp lý theo tinh thần có nhường nhịn, hy sinh", Thủ tướng khẳng định.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12-2024 bộ có 23 đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước, gồm: 1 tổng cục, 5 cục, 17 vụ và tương đương, giảm 2 vụ so với nhiệm kỳ trước.

Trong năm 2024, bộ tiếp tục thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến thời điểm hiện tại bộ có 27 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu tăng trưởng bình bình 6,5-7%/năm sẽ không đạt hai mục tiêu 100 năm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành - Ảnh: B.NGỌC

Tốc độ tăng GDP năm 2024 đạt 7%

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy là dịp ngành kế hoạch đầu tư và thống kê nhìn lại chặng đường 79 năm phát triển.

Từ đầu 2020 đến nay, đặc biệt từ 2024 thế giới chứng kiến nhiều thay đổi, cấu trúc kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.

Nhìn lại năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay ngành kế hoạch đầu tư và thống kê đã đạt kết quả, với nhiều điểm sáng như: tư duy chủ động kiến tạo, tăng trưởng bứt tốc, phát triển đột phá, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển.

Nhờ đó quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, kết thúc năm 2024 nền kinh tế có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), trong đó có nhiều địa phương động lực như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương.

Bộ cũng thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, khoa học và công nghệ và nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả rõ nét nhờ đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức tổ chức triển khai.

Nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỉ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, sự kiện Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm dữ liệu AI theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.

Nếu tăng trưởng bình bình 6,5-7%/năm sẽ không đạt hai mục tiêu 100 năm - Ảnh 3.Năm 2024 tăng trưởng GDP sẽ đạt từ 6,12 - 6,48%?

Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024, theo kịch bản 1 đạt tăng trưởng 6,12%, kịch bản 2 tăng trưởng 6,48%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên