15/10/2023 13:36 GMT+7

Thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza qua lời kể của bác sĩ

Không có sự hỗ trợ nào, các bác sĩ ở Gaza đang lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm khi các bệnh viện quá tải và thi thể chất đống trên đường phố.

Người bị thương được đưa vào Bệnh viện Shifa ở Gaza - Ảnh: AFP

Người bị thương được đưa vào Bệnh viện Shifa ở Gaza - Ảnh: AFP

Một tuần sau khi Israel tấn công không ngừng nghỉ vào Gaza, tình hình nhân đạo tại khu vực này ngày càng trở nên trầm trọng.

Các bệnh viện ở phía bắc Gaza, hiện đang bị Israel bao vây, đã nhận được lệnh sơ tán trước khi Tel Aviv mở đợt tấn công trên bộ, nhưng các cơ sở y tế trên khắp vùng lãnh thổ đông đúc này tràn ngập người bị thương và người dân đang trú ẩn.

Theo Đài Al Jazeera, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Bệnh viện Shifa, khu phức hợp y tế lớn nhất ở thành phố Gaza, nơi các bác sĩ Palestine cảnh báo có thể bùng phát bệnh truyền nhiễm do tình trạng quá tải.

"Có hàng nghìn, nếu không phải hàng chục nghìn, người đổ xô đến bệnh viện. Họ ngủ dưới đất, ngoài hành lang, giữa các giường bệnh nhân. Mọi người hoàn toàn khiếp sợ, họ nghĩ đây là nơi an toàn nhất...", bác sĩ phẫu thuật Ghassan Abu Sitta nói ngày 14-10.

Số người chết ngày một tăng nhưng người dân nơi đây sợ phải chôn cất người chết. Theo các quan chức y tế, tình hình tồi tệ đến mức các xe tải bán kem hiện đang được sử dụng để bảo quản thi thể khi nhà xác bệnh viện đã chật kín. Theo các quan chức y tế, số người chết ngày càng tăng, lên hơn 2.200 người tính đến ngày 14-10.

Trong khi đó, phía Israel cho biết lệnh sơ tán là một cử chỉ nhân đạo để người dân rời đi nhằm tiêu diệt các chiến binh phong trào Hồi giáo Hamas. Israel chỉ trích Hamas đang ngăn cản người dân rời đi để sử dụng họ làm lá chắn sống.

Ngày 14-10, Các lực lượng quốc phòng Israel cho biết sẽ chỉ bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ Gaza sau khi người dân đã rời đi.

Kiệt quệ

Một tòa nhà bị tấn công ở phía bắc Gaza ngày 14-10 - Ảnh: AFP

Một tòa nhà bị tấn công ở phía bắc Gaza ngày 14-10 - Ảnh: AFP

Bác sĩ Abu Sitta cho biết ông đã phải rời Bệnh viện Al-Awda, phía bắc Gaza, ngày 13-10 sau khi phía Israel yêu cầu phải di tản bệnh viện trong 2 giờ.

"Chúng tôi muốn chắc chắn rằng các bệnh nhân được đưa lên xe cứu thương và tôi quay lại Bệnh viện Al-Shifa. Chúng tôi lái xe ngang qua Bệnh viện Indonesia và thấy các thi thể chất đống bên ngoài nhà xác. Họ đã hết chỗ. Khi lái xe ngang qua tòa nhà bị phá hủy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc", ông mô tả.

Theo ông Abu Sitta, các bác sĩ ở Shifa không còn sức để phẫu thuật cứu người. "Nguồn cung đã cạn kiệt, nhân viên cũng kiệt quệ. Rất nhiều người trong số họ đã bị giết, có thành viên trong gia đình bị giết hoặc đang cố gắng bảo vệ gia đình của họ", vị bác sĩ nói.

Mahmoud Shalabi, giám đốc chương trình tại Gaza của tổ chức từ thiện Hỗ trợ Y tế cho người Palestine có trụ sở tại Anh, cho biết người dân cũng đang dần hết nước và bánh mì. "Tất cả các tiệm bánh hiện đã đóng cửa" - ông nói.

Ngay cả khi có bánh mì, các ngân hàng cũng bị thiệt hại và việc tìm kiếm tiền mặt ngày càng trở nên khó khăn. "Tôi đến máy ATM để rút tiền nhưng ngân hàng đã bị phá hủy do vụ đánh bom. Máy ATM duy nhất còn hoạt động nằm ở giữa khu Rimal, cách xa nơi tôi ở", ông Shalabi nói.

Nói về đêm "kinh khủng" ngày 13-10, ông mô tả tiếng pháo nổ khắp nơi, không khí tràn ngập mùi thuốc súng. Trong bệnh viện, những người bị vết thương, bỏng và các vết thương khác nhưng thuốc giảm đau cũng không còn. "Các y tá chỉ cầm máu và nói: Đợi đến lượt bạn", ông Shalabi kể lại.

Chờ viện trợ

Thi thể đặt bên ngoài nhà xác Bệnh viện Shifa ở Gaza ngày 12-10 - Ảnh: AFP

Thi thể đặt bên ngoài nhà xác Bệnh viện Shifa ở Gaza ngày 12-10 - Ảnh: AFP

Ở Dải Gaza, hơn 2,3 triệu dân đã bị phong tỏa trên bộ, trên biển và trên không kể từ năm 2007. Đầu tuần này, Israel tuyên bố sẽ "bao vây tổng thể" đối với vùng đất này để đáp trả cuộc tấn công ngày 7-10 của phong trào Hồi giáo Hamas khiến hơn 1.300 người Israel thiệt mạng.

Quân đội Israel đã mở chiến dịch ném bom nặng nề nhất từ trước đến nay vào vùng đất ven biển do Hamas kiểm soát, thả khoảng 6.000 quả bom trong 6 ngày và cắt đứt nguồn thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men cũng như các vật tư khác.

Khi thời gian không còn nhiều, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng việc phải cung cấp viện trợ cho Gaza.

"Các bệnh viện quá tải, mọi người không thể được điều trị, trẻ em bị bỏng không có thuốc giảm đau. Điều này cực kỳ nghiêm trọng", người phát ngôn Margaret Harris của WHO nói với Al Jazeera.

Sau cuộc gặp với tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Ai Cập đã đồng ý mở biên giới để vận chuyển nhân đạo. Tuy nhiên, cho đến nay việc này vẫn chưa thể thực hiện được do Israel chưa cho phép.

Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai tới gần IsraelMỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai tới gần Israel

Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai tới phía Đông Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn các hành động chống lại Israel, hoặc mở rộng xung đột.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên