05/12/2024 12:59 GMT+7

Cà Mau phát động chống mua bán động vật hoang dã trái phép

Tỉnh Cà Mau vừa phối hợp các đơn vị liên quan khởi động chuỗi hoạt động nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Cà Mau khởi động chuỗi hoạt động nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép - Ảnh 1.

Một con tê tê Java được thả lại môi trường tự nhiên - Ảnh: THANH HUYỀN

Ngày 5-12, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam phối hợp với tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo giải pháp tăng cường thực thi pháp luật trong phòng chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Quân - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - cho biết Cà Mau có diện tích rừng tập trung hơn 94.300ha với hai hệ sinh thái đặc thù là rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ngập úng phèn. Trong đó, hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ được bảo vệ có tổng diện tích khoảng 35.000ha.

"Vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới với những giá trị cao về đa dạng sinh học, nhiều loài động vật hoang dã như nai, heo rừng, khỉ, chồn, trăn, rắn, rùa, tê tê… và 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ sinh sống. Thời gian qua và trong thời gian sắp tới, tỉnh Cà Mau luôn quan tâm bảo vệ các loài động vật hoang dã này", ông Quân cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thái - giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam - chia sẻ cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra và đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã.

"Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nhu cầu tiêu thụ của con người, khi con người cho rằng một số động vật quý hiếm có thể làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nuôi làm cảnh hay đồ trang trí, từ đó dẫn tới các hoạt động săn bắt động vật hoang dã để buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt và tiêu thụ", ông Thái nói.

Cà Mau khởi động chuỗi hoạt động nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép - Ảnh 2.

Các đơn vị có liên quan tại Cà Mau khởi động chương trình nói không với động vật hoang dã trái phép - Ảnh: THANH HUYỀN

Ông Lê Văn Hải - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - cho biết sự kiện tỉnh Cà Mau nói không với động vật hoang dã trái phép có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc truyền đi thông điệp, khẳng định sự quyết tâm, sự đồng hành của chính quyền địa phương, các ngành để bảo vệ hệ động vật rừng quý giá.

"Hội nghị là diễn đàn để các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật của tỉnh Cà Mau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc của hợp tác liên ngành trong việc chống săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh", ông Hải chia sẻ.

Sau phần tham luận và thảo luận, các đại biểu nhất trí cùng với các ban ngành triển khai đến người dân, đặc biệt là những người sống gần và vùng đệm các khu Vườn quốc gia không sử dụng, mua bán động vật hoang dã. Đặc biệt là trình báo với ngành chức năng ngay nếu phát hiện có người sử dụng, mua bán động vật hoang dã trái phép. 

Tăng cường tuần tra, kiểm soát và phối hợp với các lực lượng để quản lý các chủ rừng, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm và tham gia gỡ các bẫy đặt trong các khu vực rừng (nếu có).

Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tuyên truyền để thu hút nhiều người dân tham gia cùng có ý thức bảo vệ động vật hoang dã...

Cà Mau khởi động chuỗi hoạt động nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép - Ảnh 3.Thả tê tê Java cùng 18 động vật hoang dã về tự nhiên

Tê tê Java là vật chứng trong vụ án hình sự cùng 18 động vật hoang dã thuộc 8 loài vừa được Chi cục Kiểm lâm TP.HCM thả về Vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên