Bò tót “hẹn hò” với bò nhà năm 2010 bên bờ suối Tô Hạp, khởi đầu cho câu chuyện thú vị về bầy bò tót lai ở Phước Bình - Ảnh: Viễn Sự |
Năm 2010, khi lần đầu tiên đến Vườn quốc gia Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận) để thực hiện phóng sự về con bò tót đực tách bầy về sống ở bìa rừng, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi được một hình ảnh rất lãng mạn: con bò tót oai vệ bước ra từ mé rừng đang “hẹn hò” với một bò cái nhà bên bờ sông Tô Hạp...
F1 to gấp ba lần bò nhà
Câu chuyện “hẹn hò” này cũng thật ly kỳ khi ngay trong đêm đầu tiên từ rừng về làng, con bò tót đã tìm đến chú bò đực to nhất làng Pạc Ray 2 ven rừng và dùng sừng múc lủng ngực chú bò đực. Kể từ đó, toàn bộ bò cái đang kiếm cỏ ven bìa rừng đều thuộc quyền “kiểm soát” của bò tót vì không có bò đực nào trong làng dám bén mảng đến.
Thoáng trong suy nghĩ lúc ấy, chúng tôi từng nghĩ biết đâu sẽ có một chú bò lai giữa bò tót và bò nhà xuất hiện. Không ngờ điều đó đã thành sự thật khi bốn năm sau không chỉ một mà đến hơn 20 chú bò tót lai, đều là hậu duệ của bò tót rừng năm nào, đã chào đời ở Phước Bình, được kiểm nghiệm từ kết quả giám định ADN và nhiễm sắc thể (NST) mới đây. Câu chuyện lý thú này đang mở ra triển vọng có được nguồn gen vô cùng quý hiếm từ bò tót tự nhiên...
...Mùa mưa này bên mé rừng già cạnh dòng sông Tô Hạp ở Vườn quốc gia Phước Bình đã có một trại bò với hệ thống chuồng và hàng rào kiên cố được hoàn chỉnh.
Đây là công trình mà Vườn quốc gia Phước Bình dựng lên để chăm sóc những chú bò tót lai, “món quà hiếm có mà tự nhiên đã dành tặng” - như cách nói của ông Nguyễn Công Vân, giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình.
Trong trại bò là 10 con bò tót lai từ 2-3 tuổi, dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng dáng vẻ oai vệ, từ màu lông đến vóc dáng đều khác biệt hẳn so với những con bò nhà đang gặm cỏ cách đó không xa.
Thấy có người lạ đến, cả bầy nghếch mõm khịt khịt mũi, hành động giống hệt bò tót rừng khi phát hiện kẻ xâm lấn lãnh địa.
Dù là bò được nuôi nhốt nhưng những chú bò tót lai này vẫn mang đặc tính hoang dã rõ nét. Cả bầy bò không có con nào bị xỏ mũi như bò nhà bởi chúng quá hiếu động và cả phần hung dữ nên không ai dám ghì đầu để thực hiện thủ tục “vào đời” mà bất cứ chú bò nhà nào cũng phải trải qua.
Nếu như hai năm trước, khi lần đầu tiên nhìn thấy những chú bò tót lai này, chúng tôi chỉ mới phân biệt nhờ vóc dáng vượt trội so với bê con thuần chủng cùng lứa thì bây giờ bầy bò lai đã thể hiện rõ mình chính là những hậu duệ của bò tót rừng.
Anh Phạm Ngọc Hoàn - trưởng phòng kỹ thuật Vườn quốc gia Phước Bình - cho biết dù tuổi đời của bầy bò lai này chỉ mới 2-3 tuổi, nhưng con nặng nhất đã gần 600kg, to gấp ba lần bò nhà cùng lứa.
Đa số bò tót lai đều có sừng cong, dài đều hai bên, lông có màu nâu sẫm và theo anh Hoàn, càng lớn thì màu lông càng ngả về màu đen như bò tót cha.
Ngoài trọng lượng, điểm dễ phân biệt nhất giữa bò tót lai và bò nhà là bò tót lai không hề có u trên lưng và nọng dưới cổ, một đặc điểm mà bò nhà thuần chủng nào cũng có. Đồng thời nhiều bò tót lai đã dần lộ ra bốn chân màu trắng, đặc điểm không thể nhầm lẫn của bò tót.
Bò tót lai ở trại bò Vườn quốc gia Phước Bình - Ảnh: Viễn Sự |
Nguồn gen quý hiếm
Ông Nguyễn Công Vân cho biết để có được bầy bò tót lai quý hiếm này, Vườn quốc gia Phước Bình đã phải bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để mua bò và xây chuồng trại.
“Lúc đầu những gia đình có bò cái đẻ ra bê lai bò tót chỉ bán giá 10 triệu đồng/con nhưng khi thấy vườn quá tha thiết họ đã nâng giá lên 40 triệu đồng, thậm chí có bò tót lai chúng tôi phải mua đến giá 65 triệu đồng/con, đắt gấp ba lần bò nhà trưởng thành” - ông Vân cho biết.
Mối giao duyên bất ngờ giữa bò tót và bò nhà đã tạo nên một hiện tượng khoa học lý thú. Hiện tượng thú vị này đã ngay lập tức được sự quan tâm và góp sức từ nhiều phía. Ông Vân cho biết dự án trên 1 tỉ đồng để mua và chăm sóc bầy bò tót lai này do cả hai sở Khoa học công nghệ Ninh Thuận và Lâm Đồng cùng chung tay.
Và câu chuyện mà giới khoa học quan tâm nhất là việc giám định ADN và NST của những chú bò tót con này hiện cũng đã có kết quả.
Ông Vân cho biết Viện Vật lý hạt nhân Đà Lạt đã giám định và cho ra kết quả tất cả bò tót lai đều có cặp NST là 2n=58. Đây là kết quả khác với cặp NST của bò nhà lẫn bò tót rừng (bò nhà có cặp NST là 2n=60), bò tót rừng là 2n=56).
Dù có sự khác biệt với bò nhà và bò tót rừng nhưng với kết quả này, đã có cơ sở để cho lai giống với các giống bò khác để cho ra thế hệ F2.
Sau khi có kết quả này, hiện tại Vườn quốc gia Phước Bình đang cho thử nghiệm phối giống giữa bò tót lai F1 với nhau. Dự kiến sắp tới sẽ cho lai bò cái F1 với bò đực nhập ngoại và bò đực F1 với bò cái lai shin.
Theo ông Nguyễn Công Vân, việc phối giống này nếu thành công cho ra thế hệ bò F2 sẽ giúp có được nguồn gen quý hiếm từ bò tót rừng.
Từ đó sẽ chọn lọc những đặc tính nổi trội của bò tót rừng để đưa vào nhân rộng trong chăn nuôi. “Nếu dự án này thành công thì đây sẽ là câu chuyện chưa từng có trong y sinh thế giới, mở ra một hướng bảo tồn nguồn gen quý hiếm của bò tót Việt Nam” - ông Nguyễn Công Vân nói đầy hi vọng.
Triệu phú bò tót lai Không ít gia đình người Kinh và Raglai ở thôn Pạc Ray 2 xã Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận) đã bỗng chốc trở thành triệu phú khi bò cái nhà bỗng dưng đẻ ra bò tót lai và bán với giá rất cao. Người bán được nhiều bò tót lai nhất là ông Nguyễn Văn Chuẩn, đến nay ông Chuẩn đã bán được 12 con bò tót lai, thu về hơn 500 triệu đồng. Gặp chúng tôi ở bìa rừng khi vừa bán con bò tót lai cuối cùng với giá 70 triệu đồng, ông Chuẩn thiệt thà: “Hồi đầu thấy bò tót rừng về nhảy (giao phối) làm gãy cả hai chân sau bò nhà, tui buồn thúi ruột. Ai ngờ đó là lộc trời rơi xuống”. Sau ông Chuẩn còn có ông Chammalé Hòa cũng bán được bốn bò tót lai được gần 200 triệu đồng và một số hộ dân khác có từ một đến hai con. Theo ông Vân, cả thôn Pạc Ray 2 đã có hơn 20 bò tót lai chào đời. Ngoài 10 con Vườn quốc gia Phước Bình đã mua thì số còn lại thương lái từ khắp nơi trong cả nước hay tin đến mua ngay khi chủ bò vừa rao bán. “Tiếc là dự án không đủ kinh phí, nếu không chúng tôi sẽ mua bằng hết số bò lai này” - ông Vân tiếc nuối. |
_____________________
Kỳ cuối: Đưa bò tót trở về mái nhà xưa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận