Dấu chân bò tót tại rẫy mì của ông Năm Lành - Ảnh: Viễn Sự |
Ông Lành, một người dân ấp Bà Hào, xã Mã Đà, đến báo với cán bộ kiểm lâm đêm qua bò tót về ủi mất hai sào mì. Không chỉ ủi mì cây, đống mì ông Năm Lành mới nhổ chiều hôm trước còn chất đống cạnh chòi rẫy, bò tót cũng kéo nhau vào xơi mất một nửa...
Bò và người cùng sống trong khu bảo tồn
Theo chân các kiểm lâm của trạm Rang Rang, chúng tôi tìm đến rẫy mì của ông Năm Lành, trời mới mờ sáng đã thấy rõ chi chít dấu chân to nhỏ của bầy bò tót đêm qua về phá rẫy.
Không chỉ dừng lại ở rẫy mì nhà ông Năm Lành, dấu chân bò tót còn in rõ trên con đường giao thông xuyên qua khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, nối qua phía bên kia đường nơi có nhiều nhà dân sinh sống.
“Năm nay là năm thứ sáu bò về rẫy nhà tui phá mì rồi. Cũng canh chừng miết, nhưng cứ đêm xuống là bò tót kéo bầy ra phá nên làm nhiều mà thu hoạch không được mấy” - ông Năm Lành than thở.
Những vụ việc tương tự ở rẫy nhà ông Năm Lành, nói như anh Thái Ngọc Đức - trạm trưởng trạm kiểm lâm Rang Rang - là vừa mừng lại vừa lo. Mừng là bởi bò tót xuất hiện ngày càng nhiều ở khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, trong đó xuất hiện nhiều bò tót con, chứng tỏ bầy đàn của bò tót ở vùng rừng này đang phát triển.
Nhưng lo là vì cả người lẫn bò đang phải cùng cạnh tranh đất sống ngay trong khu bảo tồn. Anh Đức kể: “Cả khu dân cư gần 30 hộ dân quanh trạm kiểm lâm này, nhà ai có rẫy cũng ít nhất vài lần bị bò tót về phá. Có khi mất trắng cả vụ mì, nhưng biết kêu ai được vì đã lỡ tranh đất sống của bò tót”.
Câu chuyện oái oăm về sự cạnh tranh này giữa người và bò đã kéo dài 10 năm nay, từ khi Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai được thành lập. Ông Trần Văn Mùi, giám đốc khu bảo tồn, nói: “Mấy chục hộ bị bò tót phá rẫy là còn ít, vì đã thành lập khu bảo tồn thì chỉ có thú được “cấp sổ đỏ” để sống chứ người đâu thể ở lại trong rừng được”.
Theo ông Mùi, đã có một dự án để di dời hàng ngàn người dân thuộc hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm ra khỏi vùng lõi khu bảo tồn, nhưng đến nay vẫn không thể thực hiện vì thiếu kinh phí.
Chưa thể di dời nên ruộng rẫy xâm canh trong khu bảo tồn dù bị bò tót về phá, mất trắng mùa màng nhưng người dân vẫn không được bồi thường và hỗ trợ.
Là người trực tiếp làm công tác bảo vệ bò tót lẫn đi giải quyết các sự vụ khi người dân bị bò tót về phá rẫy, anh Thái Ngọc Đức nói: “Cứ bò nhảy ra, người nhảy vô kiểu này lo lắm. Mình cứ tuyên truyền người dân bảo vệ bò tót, nhưng nói thật họ hợp tác với mình để bảo vệ bò thì không đủ sống” - anh Đức băn khoăn.
Anh Trần Văn Bình, hạt phó hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, bên chiếc bẫy thép có thể cùm nát chân bò tót - Ảnh: Viễn Sự |
Nguy hiểm rình rập
Cùng cảnh như những nông dân trồng mì ở bên này sông Mã Đà, phía bên kia sông nhiều vườn cao su non của nông dân Đồng Phú (Bình Phước) cũng xiêu vẹo vì bò tót.
Dẫn chúng tôi vào vườn cao su ba năm tuổi, thân cây đã to bằng cây tre, cao hai tầm đầu người vừa bị bò tót về cắn ngang thân mất 30 cây, ông Phạm Tài ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) ngao ngán: “Vườn cao su này mấy năm nay tôi đã trồng giặm tới ba lần mà không kịp cho bò tót về phá”.
Xung quanh vườn cao su của ông Tài, các vườn cao su khác giáp với mé rừng người dân đều dùng vỏ lon bia, kết lại thành hàng rào báo động để ngăn bò tót.
Nhưng hàng rào này không bao lâu sau cũng mất tác dụng khi bò tót “lờn mặt” và không còn sợ tiếng báo động nữa.
Nhìn những hàng cao su bị bò cắn ngang thân, dù xót xa cho chủ vườn nhưng anh Phạm Văn Chính - trạm trưởng kiểm lâm chốt liên xã Tân Hòa - Tân Lợi Lập (Đồng Phú), nói bò tót cũng không còn lựa chọn nào khác vì rừng cao su đã ăn quá sâu vào sinh cảnh của bò tót trước đây.
Theo anh Chính, chỉ riêng trên địa bàn xã Tân Lợi đã có hơn 1.000ha rừng vốn là sinh cảnh của bò tót bị phá trụi để làm cao su. Số rừng còn lại khoảng 2.000ha nhưng bị xé nhỏ thành nhiều khoảnh, trong đó khoảnh rừng lớn nhất chỉ còn khoảng 700ha, còn nhiều khoảnh chỉ từ 4-5ha, bị vây bọc tứ phía bởi vườn cao su.
“Con người mới là kẻ đi chiếm đất của bò chứ trước đây rừng còn dày bò tót sống tận trong lõi rừng, có mấy ai nhìn thấy được dấu chân chi chít như bây giờ” - anh Chính nói. Và chuyện gì đến cũng phải đến, số phận những con bò tót ở tả ngạn sông Mã Đà phía Bình Phước không gặp may như bò tót phía Đồng Nai.
Tháng 5-2012, một bò tót con nặng hơn 1 tạ đã chết ở tiểu khu 377 khi trên miệng bò còn nguyên một đám lá cao su nhai dở. Không ai biết rõ nguyên nhân bò tót chết, nhưng trước đó nhiều vườn cao su non bị bò tót vào ăn đến trụi lá, cắn gãy ngang thân khi vừa mới xịt thuốc trừ sâu xong.
Nhắc lại câu chuyện đáng tiếc ấy của bò tót ở nơi chỉ cách vùng rừng mình quản lý một con sông, anh Thái Ngọc Đức nói mối nguy hại từ những vườn cao su, rẫy mì chen canh giữa rừng còn lớn hơn cả súng đạn của thợ săn. Bởi bò tót có thể không chết ngay mà thấm thuốc từ từ, suy kiệt sức khỏe và chết trong rừng sâu mà kiểm lâm không thể phát hiện.
Những chiếc bẫy lạnh người Lôi từ trong nhà kho của hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, anh Trần Văn Bình - hạt phó - đưa cho chúng tôi xem những chiếc bẫy thú mà mới nhìn qua cũng đủ lạnh người. Đó là một chiếc bẫy với vòng thép cứng hình tròn, xung quanh có hàng chục thanh thép được mài nhọn đầu chụp lại như một chiếc rổ, phía dưới chừa ra một khoảng trống đủ cho chân bò đút lọt vào nhưng sẽ không thể rút ra. Anh Bình cho biết mỗi tháng kiểm lâm của vườn thu được 1.000 - 2.000 chiếc bẫy như thế là chuyện thường, dù bò tót thì chỉ có trên dưới 100 con. “Nói là rừng cấm, đóng cửa rừng, nhưng thật sự thợ săn có rất nhiều đường để vào vì rừng đệm không còn nữa, mà kiểm lâm không cách nào ngăn hết. Nhiều năm nay bò tót Nam Cát Tiên không bị săn mất con nào, nói thật đó cũng là một sự may mắn lớn” - anh Bình thật thà. |
_______________________
20 con bò tót F1 lai giữa bò tót và bò nhà đã chào đời ở Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận). Cơ hội nào cho việc nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen quý từ món quà hi hữu này của tự nhiên?
Kỳ tới: Hậu duệ F1 của bò tót Phước Bình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận