30/10/2014 10:35 GMT+7

Bò tót - tiếng kêu bên bờ vực - Kỳ 3: Phá nát ngôi nhà bò tót

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - Con sông Mã Đà chia đôi những cánh rừng giữa Đồng Nai và Bình Phước - vùng sinh cảnh lớn nhất của bò tót cả nước - gần 10 năm nay nước bỗng đổi màu, từ trong xanh sang đỏ quạch phù sa.

Trên giấy tờ khu vực thuộc xã Tân Lợi (Đồng Phú, Bình Phước) vẫn là rừng tự nhiên, nhưng thực tế chỉ còn... tấm bảng tuyên truyền bảo vệ rừng - Ảnh: V.Sự

Ngày nước Mã Đà đổi màu cũng là mốc thời gian bắt đầu cho sự “đổi đời” của những bầy bò tót.

Còn đâu chốn dung thân

Nước sông đổi màu thì liên quan gì đến sự tồn vong của những bầy bò? Trả lời cho thắc mắc ấy, anh Nguyễn Hoàng Hảo - hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai - đã dẫn chúng tôi băng rừng ra sát mé sông Mã Đà.

Bên này sông thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là những tán rừng tự nhiên tươi tốt. Nhưng chỉ cách con sông vài chục mét, bờ bên kia thuộc Đồng Phú (Bình Phước) rừng tự nhiên đã bị hóa kiếp từ lâu.

Thay vào đó là những vạt cao su giữa bạt ngàn đất đỏ bị cày xới, theo nước mưa làm đỏ quạch dòng sông.

“Trước đây rừng Đồng Nai, Bình Phước liền khoảnh, bò tót cứ thế vượt sông Mã Đà qua lại, sống yên lành trong một vùng sinh cảnh rộng lớn. Nhưng nay thì cao su ngăn lối, không con bò nào vượt sông được nữa. Mười mấy con cũng “kẹt” lại phía Bình Phước...” - anh Hảo kể về hoàn cảnh “ly tán” của bò tót Mã Đà.

Để tận mắt chứng kiến mái nhà không còn nguyên vẹn của bò tót Mã Đà, từ trạm Rang Rang chúng tôi đã vượt sông Mã Đà sang bờ phía Bình Phước.

Trái với sự thâm u của rừng bên bờ sông phía Đồng Nai, bờ sông bên phía Bình Phước là cảnh nhộn nhịp với hàng ngàn hecta cao su đã cho mủ.

Rừng không bị phá trụi hẳn mà phá theo kiểu da beo, cứ đi vài trăm mét cao su lại gặp một khoảnh rừng nằm trơ trọi, rồi lại nối tiếp với khoảnh cao su khác.

Xe ủi, xe ben nhộn nhịp làm một con đường bêtông nhựa rộng 8m, xuyên qua các tiểu khu của rừng Đồng Phú đến sát bờ sông, phục vụ cho việc vận chuyển cao su.

Anh Phạm Văn Chính, trạm trưởng chốt kiểm lâm liên xã Tân Hòa - Tân Lợi, chỉ biết cười buồn: “Rừng không liền khoảnh nên bò tót dù sợ người cũng phải ra cả rẫy cao su kiếm ăn. Chốt kiểm lâm giờ cũng nằm lọt giữa rừng cao su rồi...”.

Theo chân các kiểm lâm ở đây, chúng tôi leo lên đỉnh đồi Xương Rồng, nơi được xem là lãnh địa của bò tót Đồng Phú một thời, nhưng bây giờ không còn nữa.

Từ trên đỉnh đồi, phóng tầm mắt ra bốn hướng mới thấy mái nhà của bò tót Đồng Phú đã bị băm nát thành hàng trăm khoảnh, vây bọc bởi những lô cao su đã khép tán.

Anh Chính ngậm ngùi chỉ vào con suối duy nhất để bầy bò tót uống nước tại tiểu khu 377 bây giờ đã bị ngăn lại thành hồ chứa nhân tạo để tưới cao su. Và cũng ở gần vị trí này đã có hai con bò tót, một đã trưởng thành, một bê con bị sát hại trong những năm trước...

Câu chuyện đau buồn của bò tót Đồng Phú được ông Nguyễn Văn Cao - hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Phú - đưa ra dấu mốc từ năm 2006, khi lần lượt hơn 3.000 ha rừng Đồng Phú bị ủi trống để trồng cao su khiến bò tót bị thu hẹp đất sống.

Những khoảnh rừng còn lại cũng không còn liền lạc nên bò tót ngày càng bị cô lập.

“Tốt nhất là ngưng lại các dự án chuyển đổi rừng và lập khu bảo tồn thì có kinh phí và cơ chế để xây lại “mái nhà” cho đàn bò tót và những loài thú quý hiếm khác” - ông Nguyễn Văn Cao mong muốn, dù biết đó là điều rất khó khả thi.

Những chiếc bẫy báo động bò tót do các chủ vườn cao su tự tạo ở Đồng Phú (Bình Phước), khi cao su đã lấn sát mép rừng già - Ảnh: Thuận Thắng

Giới hạn cuối cùng

Chỉ lên tấm bản đồ phân bố rừng miền Đông, ông Trần Văn Mùi - giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai - nói đầy tiếc nuối:

“Những cánh rừng cũng có số phận khác nhau, hồi xưa liền lạc một dải, vậy mà giờ mỗi tỉnh quản lý mỗi kiểu nên tanh bành hết, số phận bò tót cũng từ đó lao đao theo”.

Theo chỉ dẫn của ông Mùi, chúng tôi đã dành nhiều ngày để đi lại con đường mà khi xưa từng là “vương quốc” của bò tót miền Đông.

Con đường ấy kéo dài từ tả ngạn sông Mã Đà, phía Tân Uyên (Bình Dương), Đồng Phú, Bù Đăng (Bình Phước) rồi kéo dài hàng trăm cây số qua Vĩnh Cửu, Tân Phú (Đồng Nai) lên tận rừng Cát Lộc (Cát Tiên - Lâm Đồng).

Nhưng “vương quốc” ấy nay đã lụi tàn. Phía tả ngạn Mã Đà rừng đã bị tàn phá làm cao su. May mắn là từ Vĩnh Cửu kéo dài đến Tân Phú (Đồng Nai) vẫn còn những cánh rừng rộng lớn cho bò tót.

Nhưng ngay trong phạm vi Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, rừng Cát Lộc thuộc địa phận Lâm Đồng cũng đã bị lâm tặc phá nát, tách rời rừng Cát Lộc ra khỏi rừng Cát Tiên. “Đó là giới hạn cuối cùng rồi, thêm một vùng rừng bị chia cắt thì coi như mái nhà của bò tót cũng sụm luôn” - ông Mùi lo lắng.

Chia sẻ sự lo lắng này, ông Trần Văn Bình - hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên - cũng nói dù rừng Nam Cát Tiên là một trong những vùng rừng còn nhiều bò tót nhất cả nước, với diện tích rừng nguyên sinh đủ rộng cho nhiều bầy bò sinh sống nhưng cũng đứng trước nhiều nguy cơ.

Vì “rừng đệm thì không còn nữa, bò mò ra xa là gặp nguy hiểm ngay” - ông Bình vừa nói vừa chỉ tay lên bản đồ, nơi những cánh rừng đệm xung quanh từ phía Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng đều đã bị tàn phá nặng nề.

Theo ông Bình, những vùng rừng đệm này nằm ngoài quyền quản lý của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, nhưng lại có ý nghĩa sống còn cho bò tót Nam Cát Tiên.

Bởi rừng đệm như một hàng rào bảo vệ từ xa cho bò tót và các loài thú quý hiếm khác, mất rừng đệm thì lớp bảo vệ từ xa ấy không còn.

“Anh em kiểm lâm mỗi trạm chỉ 6-7 người, nói thật là không thể gác cửa hết hiểm nguy cho căn nhà của bò tót, dù có gắng hết sức” - ông Bình nói.

Không hề quan tâm đến sự tồn tại của bò tót

Câu chuyện càng trở nên xót xa và bất ngờ hơn khi từ rừng Đồng Phú trở về, chúng tôi đã tìm lại được báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước năm 2011.

Trong đó cho biết trong số hơn 3.500ha của chín dự án trồng cao su tại vùng sinh cảnh của bò tót tại Đồng Phú thì có đến 6 dự án trên diện tích hơn 3.200ha vào thời điểm được cấp phép (năm 2011), không có báo cáo tác động môi trường, không đề cập gì đến sự tồn tại của bò tót.

Cùng thời gian năm 2011, các nhà khoa học của Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam và Viện Sinh học nhiệt đới khi thực hiện công trình khảo sát về vùng sinh cảnh của bò tót tại huyện Đồng Phú.

Thêm một lần nữa bất ngờ khi phát hiện UBND tỉnh Bình Phước từng cấp phép cho khai thác đá tại đồi Xương Rồng, nhưng trong báo cáo tác động môi trường không nhắc gì đến bò tót.

Công trình khảo sát ghi rõ: “Các báo cáo không hề quan tâm đến sự tồn tại của bầy bò tót tại khu vực đồi này hay nói chính xác chỉ là thủ tục hành chính, không hề có dữ liệu khảo sát đa dạng sinh học”.

__________

Kỳ tới: Tranh nhau đất sống

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên