09/03/2019 12:06 GMT+7

Bình đẳng giới không phải ở bông hoa

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Những bông hoa hay gói quà tặng ngày 8-3 chưa phải là chỉ dấu của bình đẳng giới. Điều cần phải thay đổi đầu tiên chính là những quan niệm, định kiến phân biệt trong suy nghĩ của những người đàn ông và cả trong chính phụ nữ.

Bình đẳng giới không phải ở bông hoa - Ảnh 1.

Đã hết ngày 8-3. Như thường lệ, các cửa hàng hoa, bánh, quà tặng lại cháy khách, dù năm nay mức độ rầm rộ, hoành tráng có vẻ bớt đi một chút so với những 8-3 đã qua.

Một tín hiệu đáng mừng, nhiều người quan sát xã hội bình luận như vậy. Vì sao? Vì những bông hoa hay gói quà tặng ngày 8-3 chưa phải là chỉ dấu của bình đẳng giới.

Có khi lại là ngược lại. Còn riêng một ngày để nhấn mạnh sự khác biệt, còn riêng một ngày để ghi dấu cuộc đấu tranh trăm năm đòi bình quyền, thì vẫn cứ lại là chưa bình đẳng.

Việt Nam đã có riêng luật về bình đẳng giới, có những tổ chức, cơ quan chuyên trách để bảo vệ nữ giới, được đánh giá cao về thành tựu thực hiện bình đẳng giới. Nhưng cũng như những bông hoa, rất nhiều khi những con số thống kê trong các báo cáo lại vẫn chỉ là một lớp vỏ.

Vẫn còn đó sự phân biệt nam nữ trong tiếp cận các cơ hội đào tạo, việc làm. Vẫn còn đó những phụ nữ, trẻ em bị bạo hành trong gia đình, ngoài xã hội. Vẫn còn đó những em gái bị lạm dụng thân thể.

Vẫn còn đó những cô gái phải nhắm mắt đưa chân trên con đường "cô dâu". Vẫn còn đó những quan điểm trói phụ nữ vào công việc gia đình, đẩy phần nhẫn nhịn, hi sinh gộp vào với thiên chức giới tính...

Và hơn nữa, vẫn còn những định kiến phân biệt, áp đặt khiến đã có nhiều phụ nữ khi gặp cảnh khó khăn, thay vì tìm được sự giúp đỡ lại bị đẩy vào bước đường cùng.

Những "tin tức ngực" để minh họa cho những điều đó không thiếu trên mặt báo. Và khi nào xuất hiện trong những hoàn cảnh như thế, người phụ nữ cũng ngập trong nước mắt.

Cũng không thiếu những gương mặt phụ nữ xuất hiện rỡ ràng trong thành đạt, bừng sáng trong tự tin, và một câu hỏi không bao giờ thiếu với họ: "Cân bằng như thế nào giữa công việc và gia đình?", câu hỏi hiếm khi được đặt ra với đàn ông...

Nếu nhắc về bình đẳng, như vậy vẫn cứ là chưa đủ.

Chúng ta còn nhiều điều cần phải làm để xóa bỏ khoảng cách giữa Việt Nam với sự hiện diện bình đẳng giới thật sự ở các nước văn minh trên thế giới.

Và điều cần phải thay đổi đầu tiên chính là những quan niệm, định kiến phân biệt trong suy nghĩ của những người đàn ông và cả trong chính phụ nữ.

Thiên chức nữ mang đến sự sống, mang đến tổ ấm đủ đầy, mang đến cái đẹp, cái thiện... và vì thế mà phụ nữ xứng đáng được sống với tất cả những gì mang cho mình sự vững vàng, mạnh mẽ, tự do.

Vì những quan niệm truyền thống thiên lệch xa xưa mà đã phải có ngày 8-3 trong lịch sử để phụ nữ đứng lên đòi quyền bình đẳng. Ngày 8-3 ấy đã qua hơn trăm năm.

Mỗi ngày của hôm nay, phụ nữ cần được sự tôn trọng và đối xử công bằng từng giây, từng phút. Từ những người đàn ông, và từ chính những người phụ nữ.

Các cô gái trẻ và giỏi nói gì về 8-3? Các cô gái trẻ và giỏi nói gì về 8-3?

TTO - Mỗi người làm ở vị trí khác nhau, nhưng đều là những công việc vì cộng đồng. Với họ, dù nữ hay nam thì đều nỗ lực hết mình trong công việc, cuộc sống và bình đẳng, nghĩa là tôn trọng nhau.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên