17/02/2025 11:27 GMT+7

Biên ải phía Bắc, từ tháng 2 này...

Hơn 10 ngày trước, hôm 5-2 Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Việt - Trung (1979 - 1989) tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).

Biên ải phía Bắc, từ tháng 2 này... - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - Ảnh: TTXVN

Trong đêm đó, Tổng Bí thư đã vào tận huyện Quản Bạ heo hút của Hà Giang để trao tặng cho nhân dân huyện này một công trình thiết thực, đó là khoa khám chữa bệnh và điều trị thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ, với kinh phí xây dựng công trình này là 30 tỉ đồng.

Đã gắn bó rất nhiều năm với những bản làng dọc dài theo biên cương phía Bắc, chứng kiến những hy sinh vô bờ của người dân ở đây, chúng tôi càng thấm thía những gian khó mà người dân biên ải vẫn ngày ngày đối mặt.

Dù những năm qua Đảng và Nhà nước rất nỗ lực đầu tư cho nhân dân biên giới, cải thiện phần nào đời sống, sinh kế... nhưng để thực sự "đưa miền núi tiến kịp miền xuôi" cho đến nay vẫn là quá trình, vì thế sau mỗi lần lên với biên cương, khi trở về lại thấy trĩu lòng vì những khắc khoải khôn nguôi trên dặm dài ải Bắc.

Nghĩ đến biên ải và tấm lòng người dân cả nước dành cho bà con các dân tộc, tôi lại nhớ hình ảnh của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - không chỉ quan tâm đến biên ải khi đang đương chức.

Ngay sau khi nghỉ hưu, ông đã dành phần lớn thời gian của mình để vận động hỗ trợ bà con biên giới với hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, hàng vạn con trâu, bò, dê... để giúp bà con sinh kế, cải thiện kinh tế hộ gia đình.

Và cũng đúng vào dịp này năm ngoái, từ sự vận động của ông Trương Tấn Sang, đền tưởng niệm Tổng Chúp đã được khánh thành.

Ngôi đền giản dị mà ấm cúng ở ngoại ô thành phố Cao Bằng ấy là nơi khói hương cho 43 người dân vô tội, với hầu hết là phụ nữ và trẻ em, bị quân Trung Quốc đánh chết rồi ném xuống giếng nước ngay bờ suối trước khi rút quân khỏi Cao Bằng vào ngày 9-3-1979.

Những tấm lòng vì biên ải đó không chỉ là một hoạt động từ thiện xã hội, mà đó là sự tri ân với những thế hệ dân Việt đã làm những cột mốc sống nơi biên cương, chính họ là người sẵn sàng lấy sinh mạng của mình để giữ gìn cõi bờ ông cha để lại.

Có lên với biên cương, vào những nhà bia ghi danh liệt sĩ, bạn sẽ thấy trên những tấm bia rất nhiều những liệt sĩ mang họ Giàng, họ Sùng, họ Nông, họ Mùa, họ Lò... những dòng họ định danh từ ở biên ải, ngã xuống nơi biên ải cho phía sau họ, là hậu phương, là chúng ta được sống bình yên, bởi chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Để gìn giữ sự thiêng liêng đó, hàng ngàn năm qua, máu của hàng triệu người Việt đã đổ xuống.

Những ngày này, tin tức từ biên ải với lễ viếng và dâng hương của Tổng Bí thư Tô Lâm ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tin về Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng dâng hương ở đài tưởng niệm Pò Hèn và cùng với đó là rất nhiều người dân đang hành hương lên ải Bắc.

Khói nhang ấm áp bay lên trên những nghĩa trang dọc dài biên ải. Khói hương ấm áp linh hồn những liệt sĩ, và cũng khiến chúng ta ấm lòng.

Tháng 2 năm nay, hoa đào lại nở thắm biên cương mang theo những hy vọng và khởi động!

Biên ải phía Bắc, từ tháng 2 này... - Ảnh 1.Truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên

TTO - Ngày 10-7, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức lễ truy điệu, an táng 10 bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên