21/02/2021 07:02 GMT+7

Bị vây đánh, Facebook xuống nước

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Có thêm nhiều tiếng nói từ Anh, Canada, Pháp và Ấn Độ ủng hộ quyết tâm của Úc trong việc thông qua dự luật bắt các ông lớn công nghệ Facebook, Google trả tiền bản quyền cho báo chí. Có vẻ Facebook đã bắt đầu 'nghĩ lại'.

Bị vây đánh, Facebook xuống nước - Ảnh 1.

Các trang tài khoản trên Facebook của báo Sydney Morning Herald của Úc đã bị chặn đăng hoặc chia sẻ tin tức trên nền tảng mạng xã hội - Ảnh: SMH

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 20-2 thông báo Facebook đã chấp nhận ngồi lại bàn đàm phán với Úc để tìm lối ra, sau khi mạng xã hội phổ biến nhất thế giới bất ngờ chặn mọi tin tức và chặn luôn cả tài khoản của nhiều cơ quan chính phủ và dịch vụ khẩn cấp của xứ sở chuột túi.

Đừng "đùa" với Úc

Trong cuộc họp báo ngày 20-2 tại thành phố Sydney, ông Morrison cho biết Facebook đang đề nghị Chính phủ Úc đàm phán thêm để tìm giải pháp cho vấn đề chưa thông giữa hai bên, liên quan trách nhiệm trả tiền bản quyền nội dung báo chí xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội.

Facebook cho tới nay vẫn công khai tỏ ý sẽ không thay đổi quan điểm phản đối của họ với dự luật đang chờ Thượng viện Úc thông qua tuần tới.

Trước đó ngày 19-2, Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết đã nói chuyện với giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg và dự kiến sẽ có thêm những cuộc đàm phán tiếp theo trong hai ngày cuối tuần. Hiện chưa rõ những cuộc thương lượng này đã diễn ra chưa.

Cùng ngày 19-2, Thủ tướng Úc tuyên bố sẽ quyết tâm thúc đẩy việc thông qua dự luật bắt Facebook, Google trả tiền bản quyền cho báo chí, bất chấp những động thái phản ứng cực đoan của Facebook.

Dư luận có cơ sở để tin vào tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng Úc. Ông Richard Glover, tác giả bài bình luận đăng trên báo Washington Post ngày 20-2, nhắc lại một số thành tích đáng nể của Canberra trong những cuộc đối đầu với các thế lực kinh doanh trước đây, trong đó có cả "ông kẹ" Amazon.

Đó là cuộc chiến pháp lý giữa các đại gia sản xuất thuốc lá quốc tế với luật in bao bì thuốc lá trơn để giảm hút thuốc của Úc năm 2012. Chiến thắng chung cuộc của chính quyền Úc tại tòa cấp cao trước các công ty thuốc lá là cơ sở để khoảng 20 quốc gia khác sau đó đã học tập Úc sáng kiến này.

Cũng tương tự, năm 2018 gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đe dọa không cho người tiêu dùng Úc truy cập vào các trang web quốc tế của Amazon để đáp trả việc Chính phủ Úc yêu cầu Amazon phải áp 10% thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) với hàng hóa nước ngoài bán tới Úc. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, Amazon đã phải rút lại đe dọa và thực hiện theo yêu cầu của Canberra.

Trong các sự việc đã nêu, có một thực tế đáng chú ý: các nhà lập pháp Úc dù ở đảng cầm quyền hay đảng đối lập đều đã đồng thuận quan điểm. Đó chính là yếu tố thuận lợi để Chính phủ Úc có thể hành động quyết liệt và tới cùng trong thực thi chính sách.

Trở lại với vụ việc của Facebook, trong cuộc họp ngày 15-2, đảng đối lập Công đảng Úc cũng đã ủng hộ đảng cầm quyền Tự do của Thủ tướng Scott Morrison về dự luật bắt Facebook, Google trả tiền bản quyền cho báo chí, mở ra cơ hội lớn để dự luật này được thông qua tại Thượng viện liên bang Úc trong tuần tới.

Khác với Facebook, mới đây Google đã có những động thái biểu hiện rõ ràng tinh thần thỏa hiệp với chính quyền Úc. Từng đe dọa dừng hoạt động công cụ tìm kiếm tại Úc để phản ứng dự luật, song tuần này Google đã bắt đầu đạt được thỏa thuận trả phí với hai trong số các hãng truyền thông lớn nhất của Úc là Seven West Media và Nine Entertainment Co.

Công ty này tạm thời kết bạn lại với Úc. Điều tôi hài lòng là Facebook đã quay trở lại bàn đàm phán.

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói tại họp báo ngày 20-2

Úc không đơn độc

Trong thời gian gần đây, từng có không ít quan điểm lo ngại đặt vấn đề: phải chăng người dùng trên thế giới đang tạo điều kiện để các gã khổng lồ công nghệ Mỹ có được sức mạnh quyền lực quá lớn tới mức trở thành trung tâm trong mọi hoạt động vận hành xã hội. Điều gì sẽ xảy ra nếu "bỗng dưng một ngày" họ sử dụng quyền lực ấy để giành quyền "thiết lập luật chơi" trước một chính phủ?

Và nay, sự việc vừa xảy ra tại Úc cho thấy lo ngại này đã thành hiện thực. Tức giận với dự luật của Chính phủ Úc, Facebook lập tức "xóa sổ" nội dung tin tức trên nhiều trang tài khoản báo chí của nước này. Khoảng 17 triệu người dùng Facebook của xứ chuột túi thức dậy trong sáng 18-2 ngỡ ngàng nhận ra không thể đăng/chia sẻ bất cứ nội dung tin tức nào, cả tin trong nước lẫn quốc tế.

Thủ tướng Úc đã nhận được tiếng nói đồng cảm từ một số lãnh đạo các nước và cũng đang kêu gọi thêm các lãnh đạo thế giới ủng hộ lập trường của Canberra trong vấn đề này.

Ông Morrison đã thảo luận với người đồng cấp Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi, và dự kiến tiếp tục thảo luận thêm với nhiều lãnh đạo khác trong những ngày tới. Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg cũng đã nói chuyện với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính Canada, bà Chrystia Freeland, về sự việc.

"Đây không phải là vấn đề bắt chước một hệ thống, mà là có một hệ sinh thái công bằng và thực thi công lý cho ngành công nghiệp truyền thông, một ngành đang đầu tư quá nhiều cho nội dung của họ", báo Washington Post dẫn quan điểm của ông Alex Agius Saliba từ Malta, một thành viên của Nghị viện châu Âu, chia sẻ quan điểm đồng tình với chính quyền Úc trong một cuộc phỏng vấn.

Bà Elizabeth Renieris, giám đốc Phòng thí nghiệm đạo đức công nghệ Notre Dame-IBM, cho rằng ngay cả khi dự luật của Úc còn có những vấn đề chưa thỏa đáng nào đó, phản ứng của Facebook vẫn là không thể chấp nhận. Bà Renieris cho rằng cách phô diễn quyền lực của Facebook "thực sự sẽ thức tỉnh các nhà quản lý trên toàn thế giới".

Cho rằng Facebook không phù hợp với nền dân chủ, dân biểu David Cicilline của Đảng Dân chủ, phụ trách một tiểu bang của Hạ viện Mỹ, hối thúc cơ quan chống độc quyền của Mỹ vào cuộc điều tra về Facebook. Ngày 18-2, các nghị sĩ Đảng Dân chủ thông báo sẽ tổ chức các phiên điều trần mới để quản lý các nền tảng online và cập nhật các luật chống độc quyền của Mỹ.

Đe dọa để buộc cả một đất nước khuất phục các điều khoản của Facebook chính là sự thừa nhận cao nhất của Facebook về sức mạnh độc quyền của nó.

Dân biểu Mỹ David Cicilline viết trên Twitter

Phạt đến 10% doanh thu

Theo báo Sydney Morning Herald, dự luật của Úc buộc các công ty như Google, Facebook phải đạt được thỏa thuận thương mại với các công ty truyền thông nước này nếu không muốn bị xử phạt lên tới 10% doanh thu.

Báo Washington Post cho biết dự luật của Úc còn có những điều khoản cho phép nhà quản lý có thể buộc Facebook và Google phải trả tiền cho các báo mỗi khi ai đó bấm vào xem đường link tin tức xuất hiện trên các trang thuộc nền tảng của hai công ty này.

Dự luật đã được thông qua tại Hạ viện Úc tối 17-2 và dự kiến nhận được "cái gật đầu" tại thượng viện tuần tới. Nếu thượng viện thông qua, dự luật sẽ chính thức trở thành luật vào cuối tháng 2-2021.

Úc Úc 'đấu trí' với Facebook và Google, các báo nhỏ khổ sở

TTO - Cuộc ‘đấu trí’ giữa Úc với các ‘ông lớn’ công nghệ đang nóng hơn bao giờ hết. Facebook hạn chế tin tức tại Úc, trong khi Úc thuyết phục được Google trả hàng triệu USD cho tin tức.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên