21/02/2023 15:09 GMT+7

Bệnh viện lo vì nhiều hóa chất, vật tư chỉ còn đủ dùng trong 1-2 tuần

Dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến 31-12-2023 chưa được phê duyệt, dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế...

Đây là nội dung trong báo cáo từ một số bệnh viện tuyến trung ương gửi Bộ Y tế. Theo báo cáo này, hiện các bệnh viện vướng nhất trong mua sắm vật tư, hóa chất...

"Chúng tôi khó nhất là hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống" - thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Một bệnh viện khác cho biết hóa chất khí máu của bệnh viện chỉ còn đủ dùng trong 1 tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần và cho biết việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh.

Trong hoạt động đấu thầu, bệnh viện cho biết hiện chưa có bộ mã và tên vật tư, thiết bị y tế thống nhất trong cả nước, vì thế khi công bố kết quả trên cổng thông tin công khai giá trúng thầu của Bộ Y tế, có tình trạng cùng một mặt hàng lại có nhiều tên khác nhau nên khó tra cứu, phải tra cứu nhiều lần.

Bệnh viện cho biết cũng đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, thay thế linh kiện, sửa chữa trang thiết bị y tế. 

Vừa qua Bệnh viện Bạch Mai đã phải "đắp chiếu" máy chụp X-quang vú một thời gian, trong khi bệnh viện chỉ có duy nhất một máy chụp, bệnh nhân phải xếp hàng vì không đủ 3 báo giá cho bóng đèn thay thế.

Vướng đủ thứ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện bệnh viện này đang phải bỏ không nhiều loại thiết bị y tế, bởi khó ở chỗ đây là thiết bị diện "liên doanh liên kết", hiện chưa có quy định về việc chia lợi nhuận giữa đơn vị đặt máy và bệnh viện.

"Đưa vào thì không có cơ sở chi trả cho đơn vị đặt máy, nhưng mua máy mới thì hiện bệnh viện chưa có nguồn đầu tư, hàng ngàn bệnh nhân điều trị ung thư ở đây đang phải "chạy vòng quanh" vì không có máy móc phục vụ điều trị, trong đó có những thiết bị rất đắt tiền, nhiều bệnh nhân có chỉ định như PET, xạ phẫu..." - vị lãnh đạo này cho biết.

Xử lý với thiết bị xét nghiệm diện "đặt, mượn" tại bệnh viện như thế nào cũng đang là khó khăn chung của tất cả bệnh viện. Theo quy định mới nhất, các hợp đồng ký sau tháng 11-2022 (thời hạn hợp đồng kéo dài đến cuối năm 2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả.

Nhưng sau năm 2023 thì sử dụng thiết bị ở đâu để xét nghiệm, nguồn đầu tư ở đâu... thì hiện nay chưa có, trong khi riêng Bệnh viện Việt Đức chi phí xét nghiệm khoảng 20 tỉ đồng/tháng và chi phí nếu đầu tư cho hệ thống xét nghiệm lên tới 50 tỉ đồng, cả nước có tới 1.300 bệnh viện, khoản đầu tư sẽ là khổng lồ. 

"Có một lối ra cho vấn đề này (thay vì đấu thầu hóa chất mà nhiều hãng thiết bị đang cung cấp hóa chất theo máy, rất khó đấu thầu) là đấu giá chi phí xét nghiệm, cứ nhà cung cấp nào rẻ thì cho thực hiện, nhưng hiện hành chưa cho phép hình thức này và vì thế các bệnh viện đều đang vướng" - một chuyên gia y tế chia sẻ.

Bỏ quy định người về Trung Quốc phải có giấy xét nghiệm COVID-19 của cơ sở chỉ địnhBỏ quy định người về Trung Quốc phải có giấy xét nghiệm COVID-19 của cơ sở chỉ định

Từ sáng sớm 8-1, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), hàng ngàn người xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc. Lúc đầu, nhiều người chưa thể xuất cảnh vì giấy xét nghiệm COVID-19 không đúng quy định.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên