18/01/2025 09:06 GMT+7

Bán đặc sản Tết 'một chạm'

Vào mùa tiêu dùng Tết cuối năm, các sản phẩm đặc sản vùng miền, đặc biệt là đồ thực phẩm, lại nhộn nhịp với các phiên livestream bán hàng, chốt đơn lên tới cả trăm triệu đồng.

Bán đặc sản Tết 'một chạm' - Ảnh 1.

Nhà bán hàng thiết kế các combo bán hàng nhằm thu hút khách - Ảnh: N.K.

Thông tin từ TikTok Shop cho hay thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành hàng thuộc nhóm ngành bách hóa - top 5 ngành hàng bán chạy của TikTok Shop tại Việt Nam.

Bội thu đơn hàng từ phiên livestream

Chuyên kinh doanh mặt hàng thịt trâu, thịt heo gác bếp, lạp xưởng từ nhiều năm nay, chị Mai Lan (Điện Biên) sở hữu kênh Facebook Thịt trâu gác bếp - đặc sản núi rừng Tây Bắc với lượng theo dõi lên tới hàng chục nghìn lượt like.

Để gia tăng thêm đơn hàng, chị Lan mở rộng thêm một số kênh bán hàng online khác trên các nền tảng mạng xã hội, nên mỗi tháng đã giúp chị duy trì ổn định doanh số mỗi tháng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Ngoài ra, chị Lan nghiên cứu thêm công thức làm thịt nai khô gác bếp, sản phẩm được làm từ thịt nai tươi với các gia vị đặc trưng của núi rừng như hạt tiêu rừng, mắc khén... giúp thịt được tươi, giữ màu sắc đỏ au, thớ thịt dai ngon. Với mức giá từ 650.000 - 700.000 đồng/kg các loại thịt trâu và 450.000 - 500.000 đồng/kg thịt heo, chị cho biết sản phẩm đã nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng cả nước.

"Là doanh nghiệp địa phương nên các kênh bán hàng online giúp mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Vào những dịp tiêu dùng cuối năm, nhu cầu mua sắm lớn, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng trên các kênh online giúp sản phẩm được bán nhiều hơn.

Người tiêu dùng cả nước được thưởng thức đặc sản vùng miền với chất lượng và giá tốt khi nhiều kênh bán hàng online trợ giá vận chuyển và nhiều chi phí khác, giúp việc mua bán thuận tiện", chị Lan chia sẻ.

Tất bật với chục đơn hàng thịt trâu, thịt heo gác bếp từ mỗi phiên livestream, chị Thanh Hương (Lào Cai) cho hay đã bán hàng trên các trang mạng xã hội từ hơn một năm nay.

Dù đã quen khách nhưng do nhu cầu đặt hàng dịp Tết với số lượng lớn và nhu cầu biếu tặng nhiều hơn, nên chị đã thiết kế ra những gói sản phẩm riêng, kết hợp với trợ giá thêm từ hoạt động vận chuyển, khuyến mãi giảm giá sản phẩm của các shop bán hàng để tăng thêm trải nghiệm cho khách.

Theo đó, những gói combo bán hàng như dùng thử sản phẩm, vừa bán vừa tặng, miễn phí vận chuyển và tặng thêm gia vị cho khách hàng được nhiều người mua đón nhận.

Mỗi gói quà chị còn thiết kế thêm bao bì, mẫu mã đẹp đặc trưng ngày Tết. Nhờ vậy, Tết năm nay chị cho biết lượng thịt tiêu thụ lên tới hơn 1 tấn, với các sản phẩm được phân phối đi khắp cả nước.

Bán đặc sản Tết 'một chạm' - Ảnh 2.

Sản phẩm thịt trâu gác bếp là đặc sản Tây Bắc làm theo công thức truyền thống được bán nhiều trên kênh online - Ảnh: N.AN

Lọt vào tốp ngành hàng bán chạy trên kênh online

Thông tin từ TikTok Shop cho hay thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành hàng thuộc nhóm ngành bách hóa - top 5 ngành hàng bán chạy của TikTok Shop tại Việt Nam.

Đặc biệt, các nhà kinh doanh đặc sản vùng miền có xu hướng đưa lên sàn ngày càng gia tăng, như với riêng chiến dịch "Chợ phiên OCOP" là chiến dịch số hóa kênh tiêu thụ nông sản đạt chuẩn OCOP, với hơn 5.000 nông sản, đặc sản được đưa lên nền tảng và 1.000 phiên livestream bán hàng các sản phẩm OCOP.

Đáng chú ý, nhiều TikTok Shop cũng đã bán được hàng chục nghìn đơn hàng chỉ trong một thời gian ngắn. Như chủ shop Mai Tây Bắc bán được 64.000 đơn nông sản như mỡ heo đen, chẩm chéo..., tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động địa phương.

Với chủ shop Chuyện Nhà Rex Messi của Kim Thúy đã bán ra hơn 21.000 đơn hàng đặc sản long nhãn Hưng Yên; shop Thuận Thiện của Tuyết Nhung chuyên bán đặc sản của Lâm Đồng cũng liên tục mở rộng danh mục đặc sản...

Dù vậy, việc mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm, yêu cầu phải bảo quản kỹ lưỡng cũng đặt ra không ít khó khăn cho cả người mua lẫn người bán. Chị Mai (Hà Nội) cho biết thường đặt mua các đặc sản địa phương thông qua một số kênh online quen thuộc, song cũng không tránh khỏi có lúc mua phải hàng bị hỏng, kém chất lượng.

Bởi đồ thực phẩm yêu cầu phải bảo quản, quá trình chế biến tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, chế biến cho từng loại sản phẩm, phù hợp với nhu cầu sử dụng dài ngày trong dịp Tết.

Theo đại diện một số trang thương mại điện tử, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm là yêu cầu đặt lên hàng đầu để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ví dụ, TikTok Shop có chính sách về việc đăng tải sản phẩm, cũng như trách nhiệm của nhà bán hàng, đảm bảo quá trình vận hành tuân thủ quy định.

"Với nhóm thực phẩm, đồ uống thuộc sản phẩm bị hạn chế, tức ngành hàng cần được phê duyệt, sẽ có yêu cầu chặt chẽ hơn về các quy định liên quan tới chất lượng, bảo quản và vận chuyển. Trường hợp nhà bán hàng vi phạm, các chủ sàn sẽ phải rà soát sản phẩm và cam kết phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định", một chuyên gia thực phẩm khuyến cáo.

Thay đổi mẫu mã, bao gói hợp người mua online

Gia đình làm nghề sản xuất nem chua truyền thống, chị Thanh Uyên (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) làm những video về cách làm nem chua, giới thiệu sản phẩm đăng lên trang cá nhân. Khá bất ngờ với lượng tương tác, có video lên tới hàng trăm nghìn lượt view, nhiều khách đặt hàng với số lượng lớn, chị Uyên đều đặn đưa sản phẩm lên mạng để bán hàng.

Để phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người mua online và phải vận chuyển xa nhằm bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng, chị Uyên đổi mới cách đóng gói, mẫu mã bao bì sản phẩm.

"Số lượng đặt hàng nem dịp Tết rất lớn khi đây là những sản phẩm phù hợp làm quà biếu, nên gia đình tôi đã thay đổi cách đóng gói. Thay vì bao gói bằng lá chuối truyền thống, tôi mua thêm máy để sản phẩm có thể được đóng tự động bằng túi zip với số lượng rất lớn.

Vì vậy giảm bớt được công đoạn thủ công, đảm bảo an toàn thực phẩm khi phải vận chuyển xa. Bên ngoài nem vẫn được bọc bằng lá chuối để tạo nhiệt độ ổn định cho nem chín và giữ đậm chất truyền thống", chị Uyên chia sẻ.

Doanh số tăng mạnh nhờ bán online

Với nhà anh Hưng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) có nghề gia truyền làm bánh gai Tứ Trụ - đặc sản tiến vua nổi tiếng của xứ Thanh, dù có lượng đơn hàng ổn định từ các nhà phân phối đặt hàng vào dịp cuối năm, song anh vẫn mở rộng bán trên các kênh online.

Có gian hàng trên TikTok Shop với hàng chục nghìn lượt theo dõi, anh Hưng và gia đình thường xuyên livestream những công đoạn làm bán, thu hút hàng nghìn lượt theo dõi, bình luận và đặt hàng.

"Không chỉ các mối quen đặt hàng, giờ tôi có thêm khách hàng mới từ kênh bán hàng online, giúp tăng doanh số. Với mức giá từ 7.000 - 10.000 đồng/chiếc, bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng được dùng làm quà biếu, hoặc để dâng bàn thờ thắp hương vào những dịp Tết đến. Nhờ vậy chúng tôi có lượng đơn hàng tăng lên rất nhiều, giữ ổn định giá cho khách hàng", anh Hưng chia sẻ.

Bán đặc sản Tết 'một chạm' - Ảnh 3.Nhộn nhịp đặc sản ngoại xách tay dịp Tết

Đùi heo muối Tây Ban Nha, cua hoàng đế Alaska (Canada), ngỗng Đài Loan, cánh ngỗng, đùi ngỗng Nga hay "rau hoàng đế" của châu Âu... được các doanh nghiệp nhập khẩu về phục vụ người tiêu dùng mùa Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên