Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda - Ảnh: REUTERS
"Là những người thẳng thắn, là những chính trị gia, những thành viên NATO, cái mà chúng ta có thể đảm bảo với Nga là không ai làm điều gì với Nga như cách nước này đang đối xử với các quốc gia hàng xóm của họ", Reuters dẫn lời Tổng thống Ba Lan Duda nói tại một cuộc họp báo ở Berlin (Đức) ngày 12-12.
Câu nói của ông Duda nhằm đáp lại một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong tuần qua liên quan tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và xa hơn là màn tranh luận ở cấp độ chiến lược an ninh giữa Nga và thế giới phương Tây.
Trước đó, trong phát biểu phát sóng vào ngày 3-12, Tổng thống Pháp Macron gây tranh cãi khi khẳng định phương Tây nên cân nhắc cách thức đáp ứng yêu cầu an ninh của Nga, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận đàm phán về chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Trên đài TF1 của Pháp, ông Macron đề cập tới việc châu Âu nên chuẩn bị cho một kiến trúc an ninh trong tương lai. "Điều này có nghĩa là một trong những điểm cần thiết chúng ta phải giải quyết, như Tổng thống Putin luôn nhắc tới, là nỗi sợ rằng NATO đến ngay trước cửa và việc triển khai vũ khí của NATO có thể đe dọa Nga", Tổng thống Pháp nói.
Theo ông Macron, chủ đề này phải nằm trong nội dung đàm phán hòa bình, và việc đảm bảo an toàn cho các đồng minh phương Tây và NATO cũng đi liền với những đảm bảo về mặt an ninh cho Nga nhằm đưa Matxcơva về bàn đàm phán.
Ông Macron đã gặp chỉ trích lẫn gây xôn xao vì phát biểu nêu trên, vì nó chạm một trong những tranh cãi gay gắt và then chốt nhất cho vòng xoáy chạy đua vũ trang tại châu Âu.
Về phía NATO và phương Tây, họ lên án cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, khẳng định Nga đã chủ động tấn công nhằm xâm chiếm Ukraine.
Ngược lại, Nga thực hiện chiến dịch này với lý do phương Tây (cụ thể là NATO) đã liên tục dồn quân và mở rộng tới sát sườn của Nga, vì vậy Matxcơva không thể ngồi yên.
Lẽ dĩ nhiên, trong số những người ủng hộ Ukraine, hiếm ai lập luận theo kiểu "thông cảm" cho Nga như cách ông Macron đề xuất.
Phát biểu của ông Duda dù vậy cũng được xem là tín hiệu tích cực cho viễn cảnh đàm phán hòa bình cho Ukraine.
Tuần trước, Nga và Mỹ cũng ra chiều mở cửa cho đàm phán về mặt nguyên tắc, bất kể Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chỉ nói chuyện với Tổng thống Nga Putin nếu lãnh đạo Nga cho thấy mong muốn chấm dứt cuộc chiến. Trong khi đó, Ukraine đặt điều kiện đàm phán là việc Nga ngưng tấn công và rút quân, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận