19/08/2021 23:41 GMT+7

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách

Bài và ảnh: QUANG THẾ
Bài và ảnh: QUANG THẾ

TTO - 'Chúng tôi mỗi người một quê, tôi ở Nam Định, em thứ hai quê Hải Dương, thằng út quê Lai Châu. Từ 24-7 thành phố thực hiện giãn cách không còn nơi nào để ở đành ra gầm cầu, ít ngày sau tôi gặp hai thằng em cũng mất việc do COVID như tôi'.

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 1.

Giữa đêm mưa rào, đèn pha xe hơi rọi vào nơi ngủ, anh Cường giật mình tỉnh giấc - Ảnh: QUANG THẾ

Thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người lao động tự do bị mắc kẹt, thiếu lương thực đã được chính quyền địa phương, nhà hảo tâm "giải cứu". Nhưng đâu đó vẫn còn những phận đời vẫn phải sống "màn trời chiếu đất", nhặt nhạnh kiếm cái ăn cầm cự qua những ngày giãn cách.

Những người lao động tự do trong hoàn cảnh bi đát, không phải anh em họ hàng thân thiết, gặp nhau trong đêm tối dưới chân cầu vượt, vẫn đùm bọc, cưu mang, dạy nhau làm người tử tế...

Bảo ban nhau như anh em ruột

"Trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, tôi làm trông xe ở một quán nhậu trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Quán nhậu nghỉ, tôi về nhà trọ ít ngày thì chủ trọ cho đi trông xe quán Internet. Rồi quán cũng đóng cửa. Tôi không còn nơi nào về nên ra gầm cầu ngủ.

Những ngày đầu, tối đến tôi đi nhặt rác bán đổi gói mì tôm, cái bánh mì, hôm nào không bán được thì đành nhịn" - anh Cường (lao động tự do, quê Nam Định) kể về quãng thời gian gần một tháng sống gầm cầu giáp ranh địa phận hai quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Anh Cường cho biết: "Ngủ một mình được vài hôm, tôi gặp hai em. Chúng tôi kết thân như gia đình. Thôi thì cùng cảnh ngộ do COVID, mất việc, đùm bọc nhau qua hoạn nạn. Đều là anh em trẻ nên chúng tôi không đi ăn xin, xấu hình ảnh người lao động, mà cùng đi nhặt rác đổi lấy cái sống qua ngày. Chờ đến ngày hết giãn cách rồi tính".

Ở cùng anh Cường là Hượng (29 tuổi, quê Lai Châu) và Tuấn (nhân vật đã được thay đổi tên, quê Hải Dương). Tuấn chưa lấy vợ. Anh nói không muốn nói tên thật vì sợ bố mẹ ở quê lo lắng. Tuấn mới từ quê đến Hà Nội làm xây dựng được một tháng thì công trường tạm dừng, thực hiện giãn cách, nhà thầu cho ứng ít tiền ăn. Hết tiền, Tuấn ra gầm cầu thì gặp anh Cường, được anh "đào tạo" nhặt ve chai.

"Có ngày tôi đi bộ hơn 8 cây số, gặp mưa lớn thì không về "nhà" của ba anh em nữa mà ngủ ngay góc hè nào đó. Được anh Cường, em Hượng chia sẻ vui buồn, nhường nhau từng chiếc bánh mì, tôi cảm thấy gầm cầu như mái nhà thứ hai của cuộc đời tôi vậy" - Tuấn nói.

Cũng như Tuấn, Hượng mới từ Lai Châu xuống huyện Thường Tín (Hà Nội) làm thợ xây dựng được một tháng thì công trường tạm dừng. Hượng cùng nhiều công nhân xây dựng khác cùng quê men theo đường tàu hỏi thăm đường đến bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), với mong muốn xin xe khách về quê, nhưng bến xe đóng cửa. Thế là mỗi người một đường.

"Tôi dân tộc Thái, ít tuổi hơn hai anh nên nhận là em út. Lúc tôi đang bơ vơ ở bãi đất trống gần bến xe thì được hai anh gọi về "nhà", rồi đi bới rác tìm ve chai kiếm sống. Hai anh dạy cho tôi nhiều thứ, biết san sẻ, yêu thương hơn nên dù đói, thiếu ăn, ba anh em không bao giờ to tiếng với nhau" - Hượng nghẹn giọng.

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 2.

Hượng được anh Cường hướng dẫn cách chế đèn dầu bằng dầu ăn mới được người đi đường cho - Ảnh: QUANG THẾ

Hết giãn cách tôi về quê thăm "ông già"

Tôi hỏi: "Hết giãn cách, ba anh em đi đâu?".

"Tôi chắc chắn về thăm ông già. Những ngày này, đêm khuya mỗi khi có xe tải lớn chạy qua làm tỉnh giấc, tôi nhớ ông già ở quê quá. Mấy năm nay ông ốm yếu không làm lụng được, hàng tháng tôi gửi về cho ông ít đồng. Từ ngày bé, tôi không có mẹ, chỉ có bốn bố con đàn ông ở với nhau, dịch hết tiền, không có tiền gửi về cho ông già nên tủi lắm" - anh Cường trả lời.

Hượng và Tuấn mong muốn Hà Nội hết giãn cách thì đi kiếm việc làm. "Tôi muốn đi kiếm việc vì mong cuối tháng có chút tiền gửi về quê cho vợ, hai con nhỏ ăn học. Nhà tôi ở bản, cuộc sống dựa hết vào nương lúa, ngô cạnh suối, không đủ trang trải cuộc sống" - Hượng chia sẻ.

Tối ngày giữa tuần, Hà Nội ngày nắng gắt, đêm mưa rào, góc tối gầm cầu nồng mùi hơi đất, cả ba anh em bàn tính về số ve chai thu lượm được trong gần một tháng qua. "Hết giãn cách anh bán số ve chai này, chắc mỗi anh em cũng được vài trăm ngàn, sẽ chia đều cho ba anh em" - anh Cường nói như khẳng định.

Đường phố vắng bóng người qua lại, mặc cho muỗi vo ve bên tai, cả ba anh em chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay và ngày mới cũng sắp bắt đầu…

Dưới đây là hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ ghi lại trong nhiều ngày cuộc sống đời thường của "anh Cường cùng hai em" :

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 3.

Anh Cường mưu sinh giữa trưa nắng gắt tại một con đường ở quận Cầu Giấy

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 4.

Hượng tranh thủ chợp mắt trong lúc hai anh đi nhặt ve chai

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 5.

Kết thúc ngày làm việc, anh Cường rửa chân tay, mặt mũi ngay tại gầm cầu

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 6.

Là anh cả trong "gia đình", không chỉ nhiều tuổi hơn mà còn là người cứng rắn hơn hai em, nhưng đôi lúc chia sẻ về cuộc sống, anh Cường cứ khóc tu tu như đứa trẻ

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 7.

Hượng và "anh cả", người chế đèn dầu, người chuẩn bị bữa tối

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 8.

Hai anh em lo lắng khi trời đổ mưa nhưng chưa thấy Tuấn về

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 9.

Bữa cơm tối ngay góc gầm cầu

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 10.

Sau trận mưa lớn, Tuấn tiếp tục bới rác tìm ve chai

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 11.

Biết Tuấn chuẩn bị về đến trước "cửa nhà", Hượng chủ động ra đón

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 12.

Có đêm mưa lớn, Hượng ngủ sớm, về sáng tỉnh giấc, đỏ hoe mắt vì nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách - Ảnh 13.

Mấy ngày gần đây người đi đường cho một chiếc nồi con, bếp gas mini. Mỗi ngày cả ba anh em bán bớt một ít ve chai mua rau xanh cải thiện bữa ăn

Ngày 17-8, trả lời Tuổi Trẻ Online về lao động tự do tạm trú muốn nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng từ gói 26.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Hồng Dân - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP Hà Nội - cho biết không cần phải có xác nhận của địa phương.

Tuy nhiên, lao động tự do thuộc diện hỗ trợ vẫn phải có đăng ký tạm trú, bị mất việc theo các văn bản chỉ đạo chống dịch của UBND TP Hà Nội.

Tối 19-8, "anh Cường cùng hai em" cho biết họ không có tạm trú.

Trước đó, ngày 15-7, tại cuộc họp với các địa phương triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cả nước có khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong đó, có trên 557.000 người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng việc, 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 này đã, đang xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động.

Công nhân Công nhân 'mắc kẹt' trong đại dịch chia nhau từng gói mì qua bữa

TTO - Nhiều công nhân tại Hà Nội đang bị 'mắc kẹt' khi TP áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng. Họ phải san sẻ cùng nhau từng gói mì, bát cơm, sinh hoạt trong không gian chật hẹp, ẩm thấp để đi qua đại dịch.

Bài và ảnh: QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên