17/09/2013 08:43 GMT+7

Ân tình với người nghèo

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Sáng 3-9, luật sư Vũ Quang Đức (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) nhận được một cuộc điện thoại lạ: “Chú có nhận ra cháu không ạ?”.

Luật sư Đức nói quả thật ông không nhớ ra nổi đó là ai cho đến khi người bên kia nói tên là Ngọc T.. Nghe tên xong, luật sư Đức liền ồ lên ngạc nhiên: “Cháu về rồi đấy à?”.

KNkxdPOe.jpgPhóng to
Luật sư Vũ Quang Đức (trái) tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Hoàng Điệp

Niềm vui nho nhỏ

Ngọc T. là một trong rất nhiều người phạm tội đã được luật sư Đức bào chữa miễn phí cách đây chừng bảy năm vì tội giết người có tổ chức.

Ông cũng nhớ rất rõ về hoàn cảnh éo le của bị cáo này khi được giao bào chữa. Sinh ra trong gia đình lao động bình thường nhưng T. được cha mẹ rất kỳ vọng và cưng chiều.

Khi T. cùng nhóm bạn xách dao đi xử một nhóm khác thì toàn bộ hi vọng của cha mẹ dành cho cậu đều sụp xuống. Trước khi phiên tòa xét xử T. diễn ra, cả cha mẹ T. đều đổ bệnh mà qua đời.

Sau cuộc chuyện trò qua điện thoại, ông Đức biết rằng nhờ cải tạo tốt, nhờ vượt qua được những cơn nóng giận và bất mãn cùng với việc chị gái T. đã bán căn nhà duy nhất mà cha mẹ để lại để bồi thường cho gia đình người bị hại mà T. được ra tù trước thời hạn: “Tôi gặp được T. bốn lần ở trong tù và một lần ở tòa. Ở lần gặp trong tù cuối cùng thì cả cha mẹ T. đều đã qua đời rồi” - luật sư Đức buồn buồn kể.

Khi cha T. qua đời, luật sư Đức có làm đơn đề nghị cho T. về nhà chịu tang cha và nhìn mặt cha lần cuối nhưng không được chấp nhận. Vậy nên hình ảnh cuối cùng của T. về cha mẹ đó chính là buổi sáng cuối cùng khi T. xách dao đi giết người.

Cha mẹ chết, T. chỉ còn một chị gái mới 20 tuổi, chưa tốt nghiệp ĐH. Trong lần gặp cuối cùng ấy, ông Đức đã nói với T. rằng: “Cha mẹ cháu đã kỳ vọng về cháu, và hẳn trước khi chết họ day dứt rất nhiều về cháu. Bởi vậy khi ở tù hãy cải tạo tốt để được lựa chọn lại con đường, lao xuống dốc bao giờ cũng dễ, còn trèo lên thì khó...”.

Luật sư Đức cứ ngỡ đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của ông với T.. Bởi khi ra tòa thì không có thời gian để tâm sự nữa nên ông nói hết những điều ông nghĩ, như một người cha khuyên đứa con trai ngỗ ngược của mình hãy biết nghĩ đến cái chết của cả cha và mẹ mà cải tạo cho tốt và lựa chọn con đường để làm người. “Buổi nói chuyện hôm ấy T. đã khóc rất nhiều” - luật sư Đức nhớ lại.

Khi nói thế với bị cáo T. trong trại giam, ông Đức không nhiều hi vọng vào việc cậu ta trở thành người tốt, nhưng T. đã được tha tù trước thời hạn và bây giờ thì đang đi học nghề: “Tôi hi vọng cậu ấy sẽ bắt đầu lại được bởi cuộc nói chuyện của tôi và T. diễn ra khá dài. Tôi cũng cảm thấy một chút niềm vui nho nhỏ”.

Đó chỉ là một trong hàng chục phiên bào chữa miễn phí của luật sư Đức cho những người nghèo và những người phạm tội chưa thành niên. “Trung bình mỗi tháng tôi sẽ bào chữa miễn phí một vụ, và khi đã nhận bào chữa rồi, dù lâu, dù khó khăn bao nhiêu tôi cũng phải hoàn thành công việc của mình” - ông nói.

oVCYfSG2.jpgPhóng to
Luật sư Hoàng Tiến Lực (trái) tư vấn pháp lý cho người dân miễn phí tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp TP.HCM sáng 16-9 - Ảnh: Tự Trung

Được sống bình thường

Đang phụ vợ bán vải ở Chợ Lớn, Vũ Đức M. rất chăm chỉ và chí thú với công việc của mình. Không ai trong chợ biết rằng trước đây M. từng phải ra tòa vì tội trộm cắp với tổng số tiền 8,5 triệu đồng: “Tôi bị bắt và tống giam ngay sau khi khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội”. M. là đứa trẻ rất đáng thương khi cha mất sớm, mẹ lấy chồng mới và có thêm em.

Cha dượng thường xuyên làm ăn xa, mẹ làm công nhân vất vả nên không có thời gian chăm lo cho M.. “Tuổi mới lớn, tôi thiếu tiền tiêu vặt nên đi ăn cắp”. Nhiều lần như vậy thì M. bị bắt quả tang.

Khi tạm giam, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và cũng là người chưa thành niên nên M. có luật sư bào chữa miễn phí. “Tôi không biết ai đã mời chú ấy, nhưng tôi rất biết ơn vì chú ấy không chỉ gặp tôi mà còn về tận nhà tôi để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. Khi ra tòa, chú ấy nói hết những điều chú thấy, tôi được tòa cho hưởng án treo và phóng thích tại tòa” - M. kể.

Giây phút được tự do tại tòa khiến M. không thể kìm được nước mắt, hứa với lòng mình sẽ không bao giờ làm gì để phạm lỗi và phải trở lại nơi này.

Hết thời gian thử thách, M. cưới vợ và cả hai vợ chồng có sạp hàng ở chợ: “Tôi rất muốn cảm ơn chú luật sư, nhưng vì tôi nghèo quá nên mỗi dịp lễ tết mới đến thăm chú. Nếu không có chú ấy hiểu về hoàn cảnh éo le của tôi thì không biết bây giờ mình có làm công việc lương thiện thế này không hay lại đầu trộm đuôi cướp rồi”. Nói về tương lai của mình, M. bảo: “Chỉ mong được sống bình thường như thế này là hạnh phúc lắm rồi”.

Với kinh nghiệm gần 10 năm tham gia tư vấn miễn phí từ báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và báo Tuổi Trẻ, luật sư Bùi Quang Nghiêm không còn nhớ mình đã tư vấn cho bao nhiêu trường hợp, bào chữa miễn phí cho bao nhiêu trường hợp khi ra tòa. “Có lẽ làm công việc này tôi vui nhiều hơn bởi giúp được nhiều người, và bởi họ luôn trong tâm trạng đang đi nhờ người khác. Bao giờ tôi cũng phải trấn an họ và hỏi rất kỹ về hoàn cảnh của từng người. Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ mình bào chữa không được như ý muốn thì rất buồn” - luật sư Nghiêm nói.

Hầu hết khách hàng là người nghèo

Văn phòng luật sư Người Nghèo của luật sư Trịnh Thanh được thành lập hơn 10 năm. Ông từng tham gia bào chữa miễn phí cho vụ án oan của Trương Thị Kim Hoàn và mới đây là vụ án kéo dài gần 10 năm với bị cáo Lê Bá Mai: “90% khách hàng tìm đến với chúng tôi là người nghèo” - luật sư Trịnh Thanh nói.

Ông giải thích đặt tên văn phòng luật sư của mình là Người Nghèo vì trong quá trình hành nghề luật sư, tiếp xúc nhiều với người dân mới nhận thấy dân nghèo ít am hiểu pháp luật và họ thường chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nên ông và đồng nghiệp luôn hỗ trợ hết sức mình với những người nghèo trong khả năng có thể. “Tuy là văn phòng nghèo đúng như tên nhưng mỗi khi trợ giúp được cho ai chúng tôi vui lắm, tiền bạc không có nhưng nhận được của họ những ánh mắt cảm kích và lời cảm ơn rất mộc mạc, chân thành” - ông Thanh thổ lộ.

Còn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (470 Nguyễn Tri Phương, Q.10) hiện có 180 luật sư đang tham gia tư vấn pháp luật miễn phí với mỗi tháng trung bình 1.200 vụ việc. Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí tại báo Tuổi Trẻ, báo Pháp Luật TP.HCM, Hội Luật gia TP.HCM... đang là những nơi mà người nghèo ít am hiểu pháp luật có thể tìm đến để được trợ giúp, tư vấn pháp luật miễn phí.

Kỳ 6: Đến lớp không chỉ để học... Kỳ 5: Khi bác sĩ như người thân Kỳ 4: Sẻ chia... chỗ ở Kỳ 3: Cuốc xe... tình người Kỳ 2: Những bữa cơm nghĩa tình Kỳ 1: Qua sông coi Mèo đi hia

____________

Kỳ cuối: Để không còn ai phải cô độc...

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên