15/09/2013 10:35 GMT+7

Khi bác sĩ như người thân

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - 8g, tại phòng khám miễn phí của Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3, TP.HCM, các bệnh nhân lục tục đến. Thấy một người mới đến, người phát thẻ điều trị miễn phí lật chồng sổ khám bệnh xếp ngay ngắn trên bàn đón tiếp, ghi danh đưa phiếu cho bệnh nhân.

“Chị này đã điều trị ở đây gần 10 năm vì bệnh viêm khớp” - y sĩ Nguyễn Văn Đức, một trong những người gắn bó lâu nhất với phòng khám miễn phí này, giới thiệu về bệnh nhân mới bước vào như thế.

IW9k6Xzq.jpgPhóng to
Lương y Đỗ Minh Thông (Phòng khám miễn phí số 2, đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: H.Đ.

Muốn giúp mọi người

Ngoài hai phòng khám miễn phí trên, trên địa bàn TP.HCM còn hàng chục cơ sở khám và điều trị miễn phí khác nữa. Đó là hệ thống phòng khám thuộc hệ thống Hội Chữ thập đỏ các quận huyện, các chùa, các phòng khám đông y khám điều trị và cấp thuốc miễn phí cho những người có bệnh với hàng ngàn lượt người được khám và điều trị mỗi năm. Và để tồn tại được, cả hai phòng khám miễn phí này là sự chung tay của hàng chục bác sĩ, lương y, y tá đã gắn bó không tư lợi.

Đó là lý do để phòng khám miễn phí của Hội Cựu chiến binh P.10 (132 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3) ra đời cách đây gần 20 năm: “Tôi là y sĩ trong quân đội, đã phục vụ ở chiến trường biên giới, khi giải ngũ thì tiếp tục làm việc trong lĩnh vực y tế. Nghỉ hưu, về địa phương sinh sống tôi tham gia sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh phường. Khi đất nước còn chiến tranh, chúng tôi đã lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi nghỉ hưu rồi thì nghĩ hội cựu chiến binh nên làm gì đó để tiếp tục giúp đỡ những người dân khó khăn...”.

Y sĩ Đức, người đàn ông đã kinh qua trận mạc, nếm trải đủ mọi cung bậc của cuộc sống, chia sẻ về sự đồng lòng góp sức của những cựu chiến binh và hàng chục y bác sĩ lớp này đến lớp khác cùng nhau duy trì phòng khám miễn phí ấy.

Bởi họ, những bác sĩ, lương y ấy khi còn làm việc trong các bệnh viện đều không ít lần chứng kiến những người bệnh nghèo không có tiền để khám và chữa bệnh mà đành phải về nhà và chờ chết.

“Có những bệnh chỉ cần kiên trì điều trị là họ có thể phục hồi, nhưng vì điều kiện gia đình không có nên nhiều người đã đeo bệnh nan y mà trở thành tàn phế” - lương y Nguyễn Thị Lài (68 tuổi), người gắn bó gần 20 năm qua với phòng khám và điều trị bệnh miễn phí này, đã nói về lý do bà đến đây để làm việc ngay sau khi bà không còn làm tại Viện Y dược học dân tộc.

Với 15 giường bệnh chủ yếu điều trị về xương khớp, thần kinh, bấm huyệt, châm cứu cho những người bị bệnh mãn tính, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận 20-30 người chữa bệnh.

“Bệnh nhân nào ở đây chúng tôi cũng đều quen mặt, bởi họ đã điều trị lâu ngày rồi... Mình bỏ chút công sức ra để giúp đỡ được nhiều người, nhìn thấy người bệnh tin tưởng ở phòng khám và khỏe mạnh lên sau mỗi đợt điều trị là chúng tôi vui lắm” - bác sĩ Lài, dù đã 68 tuổi nhưng vẫn tất bật với những bệnh nhân nghèo, tâm sự như thế về lý do làm từ thiện của mình.

ns8lnPuI.jpgPhóng to
Bệnh nhân Phạm Thị Xuyên, bị bệnh khớp mãn tính, điều trị tại phòng khám miễn phí của Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3 - Ảnh: H.Điệp

Đi lại được nhờ điều trị miễn phí

Cũng có số năm thành lập tương đương Phòng khám miễn phí Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3 là phòng khám và điều trị miễn phí của Hội Chữ thập đỏ Q.Phú Nhuận.

Ngay tại tầng 1 của khu điều trị, cạnh phòng khám của hai bác sĩ đông y là hàng chục người già trẻ, lớn bé đang tập vật lý trị liệu. Được người thân đưa đến bằng xe lăn, cụ Nguyễn Thị Tiềm, 84 tuổi, ngụ Q.4 đã đến đây tập được ba tháng.

“Cụ bị ngã trong nhà tắm, đã nằm viện ba năm nhưng khi về nhà chân tay co quắp và chỉ ngồi xe lăn” - người thân của cụ Tiềm kể. Kể từ khi biết đến phòng khám và điều trị miễn phí này (số 2 Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận), các con cụ Tiềm đã thuê nhà ở đường Phan Đăng Lưu để tiện đưa cụ đến đây tập vật lý trị liệu.

“Tiến triển nhanh lắm, khi trước cụ từ bệnh viện về chân tay co quắp không cử động được, nhưng sau ba tháng vừa tập máy, vừa được các bác sĩ châm cứu đánh thức huyệt đạo của các dây thần kinh bây giờ cụ đã cử động thành thạo hai bàn tay rồi” - người thân của cụ Tiềm vừa khoe vừa vuốt ve đôi bàn tay nhăn nheo của cụ.

Cách chỗ cụ Tiềm ngồi không xa là ông Nguyễn Thanh Quý, 53 tuổi, người đã gắn bó với phòng điều trị này 10 năm. “Tôi đang ngồi chơi thì bị tai biến, bất động trong bệnh viện ba năm không biết gì nữa rồi được ra viện về nhà. Cũng từ bấy đến nay tôi gắn bó với phòng điều trị bệnh miễn phí này” - ông Quý kể.

Vợ ông Quý hiện nay có cửa hàng bán hủ tiếu chỉ đủ trang trải sinh hoạt trong nhà. 10 năm sau khi ông Quý bị đột quỵ cũng là chừng ấy năm mọi công việc trong nhà dồn lên đôi vai người vợ: “Bây giờ tui chống nạng đi lại được là may mắn lắm. Bởi trước khi đến đây tập dù cái đầu tỉnh táo nhưng chân tay không còn điều khiển được nữa vì đã nằm bất động trong bệnh viện đến ba năm trời”.

Nhờ kiên trì tập luyện và sự hỗ trợ nhiệt tình, hết mình của các bác sĩ tại phòng khám và điều trị miễn phí này, ông Quý đã có thể tự chống nạng ra đón xe ôm đi tập vật lý trị liệu mỗi tháng.

“Nếu vào trung tâm thu phí để điều trị, mỗi ngày chắc phải mất vài chục ngàn đồng. Gần chục năm ròng rã như vậy không biết đã tốn mất bao nhiêu tiền rồi. Có một nơi điều trị miễn phí như thế này giúp đỡ được không biết bao nhiêu người” - ông Quý cảm động nói.

Bác sĩ đông y Đỗ Minh Thông còn tận tình giúp đỡ các bệnh nhân khác châm cứu, giác hơi, bấm huyệt, bắt mạch để chẩn đoán bệnh tật.

Dù mới tham gia phòng khám này được ba năm nhưng mỗi tuần bác sĩ Thông lại dành ra sáng thứ hai, tư, sáu đến đây phục vụ người dân miễn phí. “Rất nhiều người bị bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh mãn tính đang được điều trị tại đây. Bệnh nhân đến đây không giới hạn là ai cả, người nghèo đến mà người khá giả mắc bệnh mãn tính cũng đến điều trị” - bác sĩ Thông cho biết.

Miễn phí nên hầu như người bệnh được các bác sĩ điều trị, chăm sóc, tư vấn hỗ trợ tận tình nhưng chẳng ai phải nộp một khoản tiền nào. “Tôi đã chứng kiến rất nhiều những cảnh chen chúc, quát tháo bệnh nhân ở các bệnh viện. Bởi vậy, khi họ đến đây với chúng tôi, phục vụ được bao nhiêu chúng tôi làm bấy nhiêu. Bản thân người có bệnh đã khổ lắm rồi” - bác sĩ Thông thổ lộ.

Tin bài liên quan:

Kỳ 3: Cuốc xe... tình người Kỳ 2: Những bữa cơm nghĩa tình Kỳ 1: Qua sông coi Mèo đi hia Kỳ 4: Sẻ chia... chỗ ở

____________

Kỳ tới: Đến lớp không chỉ để học...

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên