14/09/2013 09:25 GMT+7

Sẻ chia... chỗ ở

HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG
HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG

TT - Ngày 25-6-2013, trang chủ Facebook của An Nguyen (nick name của anh Nguyễn Anh An) xuất hiện dòng tin nhắn: “Hưởng ứng tiếp sức mùa thi. Hiện mình có căn nhà được 79m2, những bạn nào nằm trong đội tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” liên hệ mình nhé, nhà trống không có vật dụng, đèn đuốc, nước nôi ok.

Kỳ 3: Cuốc xe... tình người Kỳ 2: Những bữa cơm nghĩa tình Kỳ 1: Qua sông coi Mèo đi hia

MPudnCaq.jpgPhóng to
Sinh viên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” liên hệ đưa thí sinh đến nhà trọ miễn phí - Ảnh: T.Diễm

Chỉ trải chiếu ra nằm thì chắc cũng đông quân. Địa chỉ 290A/51B Dương Bá Trạc, quận 8”. Lập tức dòng tin nhắn nhận được phản hồi: “Giá cả sao anh?”. “Free chứ giá cả gì em! Có một số nơi tài trợ cơm phần, mình sẽ tìm...”. “Oki anh, để em share thông tin cho mấy đứa trong đội. Em nằm trong đội hình sinh viên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” nè! Đưa sinh viên tới lúc nào cũng được hay sao anh?”. “Anh định thứ bảy này dọn dẹp, chủ nhật là vô ở được...”.

“Mình cũng ở quê lên...”

Chuyện đem căn nhà mới mua làm chỗ trọ miễn phí cho thí sinh đi thi đại học của anh Nguyễn Anh An (làm việc ở Công ty Nidec Copal - Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM) bắt đầu lẹ làng như vậy đó. Đi làm trong khu chế xuất, cả tuần chỉ nghỉ được một ngày, anh quyết dọn dẹp cho tươm tất để đón thí sinh. “Nhà mới mua nhưng chưa ở ngày nào, bụi bặm tùm lum. Nhà có vô điện, vô nước hết rồi nhưng quên đóng tiền nên bị cắt hết. Cũng may có mấy bạn sinh viên tình nguyện làm tiếp nên cuối cùng cũng xong” - anh An kể.

Không chỉ dọn kỹ nhà, chùi sạch từng viên gạch, anh An còn lo đem mấy cái bếp điện từ, ôm tới mấy thùng mì gói, gần chục bình nước lọc, trải sẵn 15 chiếc chiếu chờ đón thí sinh. Số nước lọc, mì gói, chiếu... đều là do bạn bè của anh An ủng hộ. Căn nhà 79m2 của anh vậy mà cũng đón được gần 30 sĩ tử từ nhiều vùng quê về Sài Gòn thi ĐH.

Ngày trước, anh Nguyễn Anh An chưa bao giờ được biết cảm giác ngồi học ở giảng đường ĐH. Học hết phổ thông trung học, anh thi vào một trường nghề rồi đăng ký đi hợp tác lao động ở Nhật. Bốn năm ở Nhật thật không phải là thời gian dễ dàng. Ban ngày đi làm theo thời gian biểu cực kỳ nghiêm ngặt của người Nhật, ban đêm anh thức tự học tiếng Nhật đến 1-2g sáng. Ngày về nước, anh được nhận vào làm tại Công ty Nidec Copal. Có con nhỏ, vợ chồng ki cóp nhiều năm, cộng thêm giúp đỡ của gia đình nội ngoại hai bên mới gom đủ tiền mua căn nhà nhỏ ở đường Dương Bá Trạc, Q.8. “Có người nói căn nhà đó nếu cho thuê cũng được tầm 4 triệu đồng/tháng nhưng tôi không cho. Thấy mấy em ở tỉnh xa lên Sài Gòn thi cực quá, hai vợ chồng bàn nhau đem nhà mới mua cho các em ở trọ miễn phí. Mình từng ở quê nên biết cái khổ của người nhà quê lên TP. Nếu hai cha con đi từ quê lên phải ở nhà nghỉ, khách sạn, rồi còn tiền ăn, tiền xe đi lại trong một tuần ở TP cũng phải mất cả chục triệu đồng. Mình giúp các em chỗ ở tử tế để an tâm đi thi, đạt kết quả tốt là vui rồi” - anh An cười bộc bạch.

K9NkdUWC.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Huệ chuẩn bị mùng mền, khăn cho thí sinh khi đến ở trọ nhà mình - Ảnh: H.Điệp

“Thương cha mẹ các cháu...”

Mái tóc lốm đốm bạc và giọng nói hồ hởi không ngừng khi kể về những lứa thí sinh đã trở thành sinh viên thỉnh thoảng đến thăm hoặc gọi điện chia sẻ chuyện học hành và gia đình, bà Nguyễn Thị Huệ cho rằng: “Giúp được các cháu tôi vui lắm!”. Suốt sáu năm qua bà Huệ, một người tốt bụng, đã dành chính ngôi nhà của mình ở đường Bưng Ông Thoàn (Q.9) thành nơi ở miễn phí cho hàng ngàn thí sinh thi ĐH, CĐ.

Trước mỗi kỳ thi, các thanh niên tình nguyện lại xuống khảo sát xem năm nay gia đình bà có thể cho được bao nhiêu thí sinh đến ở cùng. “Vậy nhưng không phải ai đến tôi cũng nhận đâu, tôi chỉ lựa các cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ làm nông để cho các em ở thôi” - bà Huệ nói. Bà Huệ “bật mí” cách chọn thí sinh vào ở nhà mình chính là nhìn vào đôi tay và đôi dép: “Một đứa trẻ con nhà nghèo bao giờ cũng lam lũ vất vả, nhìn vào đôi dép của các cháu cũng đoán được phần nào gia cảnh rồi. Nhiều em đi thi ĐH mà chỉ mang hai bộ quần áo cũ, hai cha con dùng chung một bàn chải đánh răng đã cũ. Nhìn những hoàn cảnh đó, tôi chỉ mong giúp được các cháu phần nào hay phần nấy để bớt những nhọc nhằn nơi TP” - bà Huệ nói.

Nhà mở xưởng may và có sẵn xưởng rộng, chỉ có một đứa con trai đang đi học xa nên hiện nhà bà Huệ chỉ có vợ chồng bà và người mẹ: “Tôi nghĩ rất nhiều thí sinh chưa từng lên TP bao giờ, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Lại cũng có những gia đình vì nuôi giấc mộng học hành cho con mà phải bán từng bao lúa, từng con heo nuôi trong chuồng lấy tiền làm lộ phí. Cả Sài Gòn rộng lớn có đến gần 10 triệu dân sao không cưu mang nổi các em, để các em phải vạ vật nơi bến xe nhà trọ”. Bà Huệ đã đặt ra câu hỏi như vậy khi bàn với chồng và mẹ ruột để đón thí sinh về nhà mình ở trọ.

Bây giờ thì quen rồi, trước khi thí sinh tới một ngày bà đi mua sắm thực phẩm, chuẩn bị việc nấu nướng cho gần 200 con người. Những ngày đầu tiên các thanh niên tình nguyện đi mua giúp, còn những ngày sau tự tay bà ra chợ đầu mối mua. “Những năm đầu tiên sắm ba nồi cơm điện, cứ cắm cơm cả ngày, chừng 10 nồi cơm là đủ, nhưng ba năm nay tôi mua nồi cơm điện cỡ lớn, một ngày chỉ cần nấu bốn nồi là đủ cơm cho cả thí sinh lẫn phụ huynh và thanh niên tiếp sức”.

Không chỉ sắm tủ lạnh lớn, nồi niêu xoong chảo, bếp gas, thìa đĩa, bát đũa mà bà Huệ còn nhờ luôn công nhân may mền, màn để thí sinh có chỗ ăn ngủ tươm tất: “Khi chưa đông thí sinh đến thì ở các phòng trong nhà, khi đông rồi thì nữ ở trong phòng, nam ra xưởng. Đông hơn nữa thì chia thành khu vực dành cho phụ huynh và khu thí sinh riêng. Đâu vào đấy hết. Mỗi mùa thi thế này tôi chi tiêu hết 30-40 triệu đồng, số tiền này nếu tôi không có đủ thì bạn bè hoặc người thân sẽ phụ giúp” - bà Huệ kể.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM, từ năm 1997-2013 trong chương trình “Tiếp sức mùa thi”, toàn TP đã có 229.456 chỗ trọ giá rẻ phục vụ 359.660 lượt thí sinh. Đặc biệt có đến 50.913 chỗ trọ hoàn toàn miễn phí. Theo anh Quách Hải Đạt, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP, có nhiều gia đình hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho thí sinh suốt từ năm 1997 cho đến nay. Có gia đình sau khi người cha mất để lại di chúc dặn dò con cháu phải tiếp tục giúp đỡ thí sinh. Các con của ông cụ nhớ lời dặn của cha vẫn tiếp tục đồng hành cùng chương trình “Tiếp sức mùa thi” từ năm này sang năm khác.

____________

Kỳ tới: Khi bác sĩ như người thân

HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên