Kỳ 5: Khi bác sĩ như người thân Kỳ 4: Sẻ chia... chỗ ở Kỳ 3: Cuốc xe... tình người Kỳ 2: Những bữa cơm nghĩa tình Kỳ 1: Qua sông coi Mèo đi hia
Phóng to |
Ông Hùng ân cần chỉ dẫn cho trẻ em nghèo học chữ - Ảnh: H.Điệp |
Và để duy trì tiền thuê nhà hằng tháng cùng việc đảm bảo lương thực cho 12 miệng ăn trong nhà, ông tranh thủ ban ngày đi bán đĩa phim và đĩa ca nhạc. “Ấy mà tui thấy vui khi những đứa trẻ cứ ngoan dần lên, đông dần lên ở lớp học miễn phí này”. Đấy là lời nói của ông Đoàn Minh Hùng, hiện ngụ tại số 1B đường liên khu 5-11-12, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM.
Lớp học nhiều trình độ
Ngoài việc hỗ trợ trẻ em nghèo một bữa ăn miễn phí và dạy học miễn phí, hiện gia đình ông Hùng còn đang cưu mang tám trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: mồ côi cha mẹ, nhà nghèo, cha mẹ bệnh tật, đau ốm... Từ những đứa trẻ nghịch ngợm, hiếu động nhưng khi đã đến lớp học miễn phí của ông Hùng, các em trở nên ngoan ngoãn, lễ phép. “Bí quyết của tui là yêu thương các cháu, để các cháu cảm thấy được chia sẻ và tin tưởng. Có được sự tin tưởng rồi thì việc uốn nắn các cháu không có gì khó khăn cả” - ông Hùng thổ lộ. |
17g, vợ ông Hùng cùng một vài đứa trẻ khác lấy chồng ghế nhựa đặt thành hàng ngay ngắn: “Đây là lớp học chữ và số tương đương trình độ lớp 1”. Đoàn Minh Tùng, con trai ông Hùng, giới thiệu lớp học chữ có gần 20 cháu là trẻ con nhà nghèo thuộc khu phố 5 và các khu phố lân cận. Gian nhà bên cạnh là hàng chục bộ bàn ghế học sinh được những đứa trẻ đến trước kê xếp san sát nhau: “Lớp bên này đông hơn, gồm đủ mọi trình độ từ lớp 2-8” - Tùng cho biết.
Đã sáu năm nay, Tùng giúp cha đứng lớp dạy học mỗi khi rảnh rỗi. “Ngoài giờ học trên trường ĐH, em còn làm gia sư vài nơi nữa để đỡ đần cha mẹ phần nào. Thấy cha đưa từng đứa trẻ trong khu phố về để dạy nên khi rảnh rỗi em cũng phụ cha dạy các em ấy luôn” - Tùng chia sẻ. Ở lớp học miễn phí này, những đứa trẻ học cộng trừ nhân chia tương đương trình độ lớp 2, 3 thì ông Hùng dạy, từ lớp 4 trở lên thì Tùng dạy. “Bây giờ toán học của các cháu khó quá, phải thằng Tùng mới dạy được” - ông Hùng nói.
18g, cả hai căn phòng mà ông Hùng thuê vừa làm nơi ở vừa làm nơi bán hàng, vừa là nơi dạy học đã đông kín học sinh. Ở lớp dạy chữ có thêm hai bạn trẻ là sinh viên đang học cao đẳng ngành giáo dục tiểu học đến dạy chữ giúp. Ông Hùng kiểm tra bút chì của từng đứa trẻ xem ngòi bút nào đã mòn thì chuốt lại, bút nào ngắn thì đổi bút mới. Chìa rổ bút chì ra, ông khoe: “Cả viết và tập đều cho các cháu hết, các cháu không phải mua sắm gì cả”.
Ở lớp bên cạnh, tiếng ồn ào láo nháo đã lắng xuống, gần 50 đứa trẻ lớn bé ngồi lẫn lộn với nhau. Tùng cùng Nguyễn Quốc Thảo (sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cần mẫn chỉ dạy cho từng nhóm trẻ. “Vì có nhiều trình độ trong cùng một lớp học nên thường các bạn nào cùng lớp sẽ ngồi chung một bàn” - Thảo nói khi vừa giảng bài xong cho một nhóm học sinh đang học toán lớp 6.
Bởi nhiều trình độ cùng học chung một phòng nên việc giảng bài của các “thầy cô” khá mệt. “Đang giảng cho nhóm lớp này thì nhóm lớp kia hỏi, cứ chạy tới chạy lui từ đầu phòng đến cuối phòng cũng đứt hơi rồi. Tụi em vẫn thường nói giỡn với nhau rằng tụi mình là siêu giáo viên”, Thảo dí dỏm nói.
Tương tự như Thảo, Nguyễn Thị Huyền, Lê Thanh Tú... đều là sinh viên của các trường ĐH, CĐ có nhà ở cùng khu phố nên tranh thủ rảnh rỗi đến giảng bài phụ giúp gia đình ông Hùng. “Em cũng mới tới được một tháng thôi, do một người bạn giới thiệu. Thấy chú Hùng dạy một mình với lớp học đông thế này thì cực quá nên tụi em đỡ đần được phần nào hay phần nấy”, Huyền nói.
Phóng to |
Em Nguyễn Thị Hồng Vy (ngồi giữa), 13 tuổi, vừa đi làm vừa đi học chữ vào buổi tối - Ảnh: H.Điệp |
“Con không còn mù chữ nữa”
Một cô bé rất ra dáng thiếu nữ với nước da trắng như trứng gà bóc ôm theo một cuốn vở và một cây bút vòng tay lễ phép: “Thưa ông, con mới tới”. Ông Hùng giới thiệu: “Bé này mới vào học được ba tháng, trước đây bé không biết chữ. Bây giờ thì đã làm toán cộng trừ nhân chia được rồi và rất thích được đi học”.
Cô bé tên Nguyễn Thị Hồng Vy, 13 tuổi. Vy không được đến trường vì nhà nghèo. “Hồi đó mẹ con đi làm giúp việc nhà nên còn có tiền cho chị con đi học. Sau này khó khăn quá, mẹ không cho con đi học nữa. Con phụ làm thắng xe đạp mỗi ngày kiếm được 90.000 đồng để phụ mẹ”.
Thuê nhà trọ gần nhà ông Hùng nên sau mỗi ngày đi làm công kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, cô bé Vy lại cắp tập, viết đến lớp học miễn phí này để được học chữ: “Con gần như lớn nhất lớp nhưng lại đang học cùng các em lớp 1, 2. Nhưng được đi học như thế này là thích lắm rồi, bởi nhờ lớp học của ông Hùng con không còn mù chữ nữa”.
Gần 70 đứa trẻ lục tục kéo đến, đứa nào đói tự lấy tô xúc cơm, lấy thức ăn, canh rau, ăn xong bỏ bát vào chậu rửa: “Khi mới vận động mấy đứa trẻ đến nhà để mình dạy học, đứa nào cũng phải đi bán vé số, kẹo cao su để đỡ đần cha mẹ nên việc dành thời gian cho việc học có thể làm giảm thu nhập. Bởi vậy tui mới nói bà nhà tui nấu thêm cơm cho tụi nhỏ ăn bữa tối để đỡ đần cha mẹ các cháu phần nào”. Ông Hùng kể về việc những đứa trẻ có thể tự nhiên lấy cơm và thức ăn tại quầy mà vợ ông đang đứng bán như thế.
Lớp học ban đầu chỉ có hai đứa trẻ con trong khu nhà trọ được ông Hùng gom về để dạy. Lúc đầu cha mẹ các em không đồng ý cho vào học vì sợ mất thời gian bán hàng. Ông Hùng thuyết phục rằng các em đến học ông sẽ “khuyến mãi” thêm một bữa cơm tối, thế là trẻ em nghèo trong xóm kéo nhau đến.
Lớp khi đó bắt đầu bằng một căn phòng chật hẹp, sau đó số học sinh tăng lên nhanh quá, ông Hùng phải tìm một nơi ở mới rộng rãi hơn để thuê trọ. Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp nên gia cảnh của ông Hùng cũng không khá giả gì. Nhà ông có một tiệm bán thức ăn chay do vợ ông chế biến bán cả ngày. Ông cũng có một chiếc xe chở đĩa hát, đĩa phim bán rong ở chợ nên chỉ đủ đắp đổi qua ngày. “Khi lớp học còn thưa thì mọi chi phí cũng thấp thôi, nhưng bây giờ lớp đông quá, chi phí ăn uống tăng lên, tiền thuê nhà cũng tăng lên nên tui phải bán đi thửa đất ở quê lấy tiền phụ vào. Số tiền còn lại chắc cũng duy trì thêm được một thời gian nữa”. Ông Hùng kể có nhiều người biết đến lớp học, biết đến những bữa ăn miễn phí của ông dành cho trẻ em nghèo nên cũng đóng góp ít tiền, có người cho rau, gạo... để cùng góp sức.
_____________
Kỳ tới: Ân tình với người nghèo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận