28/04/2024 10:22 GMT+7

Ân tình trên đất Điện Biên - Kỳ cuối: Sáng điện ở Điện Biên Đông

70 năm sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hôm nay ở mảnh đất này vẫn còn nhiều thôn bản trắng... điện.

Anh Vừ A Súa ở Huổi Tấu phải dùng ắc quy sạc để bật bóng đèn khi cả nhà ăn tối - Ảnh: NGỌC QUANG

Anh Vừ A Súa ở Huổi Tấu phải dùng ắc quy sạc để bật bóng đèn khi cả nhà ăn tối - Ảnh: NGỌC QUANG

Điện, đường, trường, trạm là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Ấy vậy mà 70 năm sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hôm nay ở mảnh đất này vẫn còn nhiều thôn bản trắng... điện.

Việc TP.HCM cam kết tặng 50 tỉ đồng hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư lưới điện nông thôn, kéo điện về 18 thôn bản 6 xã huyện Điện Biên Đông khiến chính quyền, người dân nơi đây háo hức từng ngày...

Những thôn bản vẫn mơ ánh sáng

Không phải ngẫu nhiên mà điện lại là hạ tầng cơ sở được đưa lên đầu tiên trong cái câu quen thuộc mà mọi người thường nói: điện, đường, trường, trạm. Có điện thì mới đưa được ánh sáng văn minh, mới mong xóa đi màn đêm tăm tối, nhưng ở huyện nghèo Điện Biên Đông, chính quyền và người dân vẫn còn nhiều khó khăn nên thời gian qua, dù có cố gắng, dù kêu gọi vận động các kiểu thì nay vẫn còn đến 18 thôn bản ở 7 xã chưa biết đến điện lưới quốc gia là gì. Đây cũng là một trong những lý do khiến cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

Huổi Tấu (xã Chiềng Sơ) là một trong những bản như vậy. Chỉ nằm cách trung tâm xã chừng gần 5km, nhưng để đến được bản, phải vượt qua những ngọn núi cao, đường đi dốc ngược cheo leo, lổn nhổn đá hộc. Dẫn chúng tôi vào bản giữa buổi chiều, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Dũng và Phó chủ tịch UBND xã Lường Văn Thái lo lắng: "Giờ này vào không biết có gặp được ai không. Trong này không điện, nên số người có điện thoại cũng ít, mà sóng điện thoại cũng chỗ có chỗ không nên biết các anh muốn vào đây mà từ sáng không liên hệ được trưởng bản hay bí thư chi bộ.

Mỗi lần thông báo tổ chức họp dân rất khó khăn, mất nhiều thời gian vì Huổi Tấu không chỉ trắng về điện lưới mà còn trắng sóng điện thoại. Khi phải triển khai, thực hiện công việc, chúng tôi phải đi từng nhà, gặp từng người dân để truyền tin. Chẳng có điện để sử dụng loa đài, nên dù nhà văn hóa bản đã được đầu tư xây dựng từ lâu nhưng cuộc họp nào cũng phải nói khản cổ".

Giữa chiều, bản vắng lặng, thưa thớt người, nhưng rồi chúng tôi cũng tìm gặp được ông Vừ Giống Nếnh, trưởng ban công tác mặt trận bản Huổi Tấu. Ông Nếnh cho biết bản có hơn 30 hộ với trên 200 nhân khẩu, tất cả đều là người dân tộc Mông và đời sống người dân thì rất nghèo.

Ông là "đại gia" giàu nhất bản khi trâu bò có cả chục con, 3.000m2 ruộng lúa, cùng vài vạt đồi để trồng ngô, sắn. Mỗi năm, nhà bán trâu, bán ngô, sắn cả nhà cũng thu được 40 - 50 triệu đồng. Nhưng vì bản chưa có điện lưới, nên nhà ông cũng như mấy chục nhà khác trong bản đều giống nhau: không có tivi, tủ lạnh, không có đèn điện thắp sáng.

Sự phân biệt giàu nghèo ở đây là ông Nếnh có tiền hơn các hộ khác khi bỏ tiền đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời từ gần chục năm trước. Điện mặt trời cũng chỉ để thắp sáng vài cái bóng đèn, và không phải lúc nào cũng dùng được. Khí hậu khắc nghiệt cộng với chất lượng đã khiến hệ thống điện mặt trời nhà ông sớm hỏng nên ông quay sang dùng bình ắc quy.

"Bình ắc quy cũng chỉ dùng được 1 - 2 bóng đèn để tối tối bật lên cả nhà năm người quây quần ngồi bên mâm cơm. Người Mông mình thì thường sống ở trên núi cao, xa nguồn nước sông suối nên cũng không thể đầu tư thủy điện nhỏ. Có đầu tư cũng bỏ đó vì suối có nước đâu. Mình dùng ắc quy thì 2 - 3 ngày nó hết lại phải đem xuống xã để xạc. Mỗi lần xạc nhờ cũng mất 10.000 đồng. Thóc lúa làm ra, khi cần cũng phải mang về xã để xay xát...".

Ông Vừ A Súa ngồi bên cũng góp lời: "Không có điện nên tối cả nhà chỉ đi ngủ sớm thôi, bọn trẻ muốn học cũng không có đèn điện. Mỗi tháng, các hộ dân được nhà nước hỗ trợ 66.000 đồng tiền điện và cũng chả đủ để 2 - 3 ngày lại xuống xã xạc nhờ ắc quy, điện thoại. Không điện thì tăm tối, nghèo đói lắm các anh ạ. Chả tivi, loa đài gì nên có nghe được tin tức thời sự, có được xem bóng đá, phim ảnh gì đâu...".

Bí thư Đảng ủy Lò Văn Dũng tâm sự "không chỉ Huổi Tấu, xã chúng tôi vẫn còn nhiều bản nữa trắng điện, như Bản Cang, Bản Mẽ, Pá Nặm, Hin Óng, Pá Hia... Người dân chúng tôi mong mỏi sớm được đầu tư lưới điện về bản. Trong nhiều buổi họp dân, nhất là các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HÐND các cấp, người dân các bản trắng điện kiến nghị cũng nhiều, song đến nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực vì nguồn lực của tỉnh, của huyện còn khó khăn".

Bà Nguyễn Thị Lệ, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM, vừa trao 85 tỉ đồng tặng nhân dân Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó 50 tỉ đồng để xóa bản không điện cho huyện Điện Biên Đông, 35 tỉ đồng để tôn tạo di tích lịch sử đồi E2 và đền thờ Bác Hồ - Ảnh: T.Đ.B.

Bà Nguyễn Thị Lệ, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM, vừa trao 85 tỉ đồng tặng nhân dân Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó 50 tỉ đồng để xóa bản không điện cho huyện Điện Biên Đông, 35 tỉ đồng để tôn tạo di tích lịch sử đồi E2 và đền thờ Bác Hồ - Ảnh: T.Đ.B.

Sẽ bừng sáng tất cả

Điện Biên Đông là một trong những huyện nghèo của cả nước. Bí thư Huyện ủy Mùa A Vảng cho biết nhiều năm qua, đặc biệt từ 2021 đến nay, huyện đã ưu tiên các nguồn vốn để triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, với tổng mức đầu tư lên tới gần 90 tỉ đồng, số trạm biến áp mới được lắp đặt là 25 trạm, xóa được 25 bản trắng về điện, cấp điện mới cho hơn 1.300 hộ dân.

Đến nay, tất cả 14/14 xã trong huyện đều có điện lưới quốc gia, nhưng vẫn còn hơn 20 bản chưa có điện. Chính quyền huyện Điện Biên Đông cũng xác định từ nay đến hết năm 2025 cần tập trung các nguồn lực phối hợp với ngành điện để giải quyết hoàn toàn các bản chưa có điện.

"Mục tiêu của Điện Biên Đông xác định xóa bản trắng về điện là ưu tiên số 1. Đảng bộ huyện cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình xóa bản trắng điện lưới quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu hết năm 2025, toàn huyện có 198/198 bản sẽ có điện", bí thư Mùa A Vảng nói.

Theo ông Lê Văn Tùng, giám đốc Điện lực Điện Biên Đông, thì việc xóa bản trắng về điện lưới quốc gia sẽ tạo điều kiện nâng cao trình độ dân trí, tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chính vì vậy, huyện Điện Biên Đông xác định việc kéo điện về các bản vùng cao, vùng xa là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, để kéo điện về một bản là cả một vấn đề.

"Năm 2017, tôi lên nhận nhiệm vụ ở huyện, khi đó cả huyện vẫn còn trên 40 bản chưa có điện, và sau gần bảy năm số bản chưa có điện giờ chỉ còn 16 bản. Đây là một nỗ lực lớn của huyện. Để đầu tư một dự án điện về bản, có khi tốn 5 - 7 tỉ đồng. Năm 2021, có 28/54 hộ dân ở bản Huổi Hoa, xã Keo Lôm không đi bầu cử, với lý do tại sao bản này mãi chưa có điện lưới.

Lãnh đạo huyện đã vất vả thuyết phục, thậm chí phải hứa, cam kết sẽ sớm xin dự án để kéo điện về đây. Bản này nằm cách trung tâm xã 20km và cách bản gần nhất có điện lưới khoảng 7km. Năm 2022, huyện đầu tư gần 7 tỉ đồng để kéo điện về đây. Dân tình ở đây phấn khởi lắm, và vì thế, chính quyền cũng như ngành điện thấy "nợ" người dân những bản chưa có điện rất nhiều...

Rất may, trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ này, chính quyền, người dân Điện Biên Đông chúng tôi vui mừng khi biết TP.HCM đã có chủ trương hỗ trợ 50 tỉ đồng để đầu tư lưới điện nông thôn, và toàn bộ nguồn kinh phí này sẽ dành cho Điện Biên Đông để kéo điện về hết các bản chưa có điện", ông Lê Văn Tùng tâm sự.

Hy vọng một ngày không xa, toàn bộ thôn bản xa xôi ở huyện nghèo Điện Biên Đông sẽ sáng rực ánh điện, nương rẫy sẽ có máy bơm nước, đêm đêm bản làng sẽ ê a tiếng trẻ học bài nhờ nghĩa tình sẻ chia từ Đảng bộ, chính quyền và đồng bào TP.HCM...

Hy vọng một ngày không xa, toàn bộ thôn bản xa xôi ở huyện nghèo Điện Biên Đông sẽ sáng rực ánh điện, nương rẫy sẽ có máy bơm nước, đêm đêm bản làng sẽ ê a tiếng trẻ học bài nhờ nghĩa tình sẻ chia từ Đảng bộ, chính quyền và đồng bào TP.HCM...

Ân tình trên đất Điện Biên - Kỳ 2: Tôn vinh lịch sử trên đồi E2Ân tình trên đất Điện Biên - Kỳ 2: Tôn vinh lịch sử trên đồi E2

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được xây dựng mới sắp hoàn thành thay cho bảo tàng cũ ở khu vực cột cờ Hà Nội (28 Điện Biên Phủ).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên