21/04/2023 18:45 GMT+7

Ấn Độ khó thanh toán các giao dịch vũ khí cho Nga

Không thể thanh toán bằng đồng USD do các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Ấn Độ đang đối mặt với các lo ngại về an ninh quốc phòng khi việc nhập vũ khí từ Nga bị ngưng trệ do chưa thanh toán.

Ấn Độ khó thanh toán các giao dịch vũ khí cho Nga - Ảnh 1.

Ấn Độ chưa nhận bàn giao 2 đơn vị hệ thống phòng không S-400 từ Nga - Ảnh: AFP

Tờ SCMP dẫn nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết việc xuất khẩu vũ khí từ Nga đến nước này đang bị ngưng trệ, cả 2 quốc gia đều đang tìm các giải pháp cho cơ chế thanh toán để không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo nguồn tin từ quan chức giấu tên, Ấn Độ đã không thể thanh toán 2 tỉ USD tiền vũ khí cho Nga gần 1 năm nay, phía Nga đã ngừng cấp tín dụng cho một ống dẫn phụ tùng trị giá 10 tỉ USD, cùng với đó, còn 2 trong 5 đơn vị hệ thống phòng không S-400 chưa được giao đến Ấn.

Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, trong bối cảnh nước này đang có nhiều căng thẳng với Pakistan và Trung Quốc.

Trong khi Ấn Độ không thể thanh toán cho Nga bằng đồng USD vì lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ, phía Nga cũng không chấp nhận đồng rupi của Ấn Độ vì các biến động về tỉ giá hối đoái.

Ấn Độ cũng không muốn thanh toán bằng đồng rúp của Nga vì khó có thể thu mua đủ đồng này ngoài thị trường với giá hợp lý.

Chính phủ Ấn Độ gợi ý phía Nga có thể đầu tư đồng rupi từ việc bán vũ khí dưới dạng vốn và nợ trong thị trường nước này nhằm tránh việc phải dự trữ, nhưng Nga tỏ thái độ không mấy mặn mà.

Cũng theo nguồn tin từ một quan chức cấp cao Ấn Độ, giải pháp thanh toán bằng đồng euro hay dirham (đơn vị tiền tệ của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) được cho là khá khả thi, đồng này đã được Ấn Độ sử dụng để thanh toán cho dầu thô giảm giá từ Nga.

Tuy nhiên, việc sử dụng các đơn vị tiền tệ trên để thanh toán cho vũ khí có thể khiến Mỹ để mắt và áp lệnh trừng phạt, chi phí cũng tăng khi Ấn Độ gặp bất lợi về tỉ giá hối đoái.

New Delhi đang đàm phán cho cơ chế dùng hàng hóa Ấn Độ nhập khẩu vào Nga để bù vào tiền vũ khí. 

Nhưng đây không phải là điều dễ dàng khi theo số liệu từ Bloomberg, cán cân thương mại của Nga đối với Ấn Độ năm 2022 đạt thặng dư 37 tỉ USD, nhiều thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Nga cũng đang ở thế khó khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ chủ trì cuộc họp lãnh đạo các nước G-20 vào tháng 9 sắp tới, và chiến tranh Ukraine dự kiến sẽ là trọng tâm của cuộc hội đàm. Việc thanh toán giữa Ấn Độ và Nga vì thế có thể bị đình trệ hơn nữa.

Hiện Ấn Độ đang vận hành hơn 250 tiêm kích Su-30 MKi, 7 tàu ngầm lớp Kilo, và hơn 1.200 xe tăng T-90 được Nga sản xuất. Tất cả các thiết bị quốc phòng này sẽ tiếp tục được vận hành trong 10 năm nữa và rất cần các phụ tùng dự phòng.

Không quân Ấn Độ được cho là phụ thuộc rất nhiều vào các máy bay tiêm kích và trực thăng do Nga cung cấp, lực lượng này bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các gián đoạn nguồn cung từ Matxcơva. Các quan chức Ấn Độ không chắc về việc Nga sẽ tiếp tục duy trì các bảo dưỡng, và có khả năng điều này sẽ gây ra các lỗ hổng phòng thủ tại biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan.

Ấn Độ nói Nga chậm giao thiết bị quốc phòng vì chiến sự UkraineẤn Độ nói Nga chậm giao thiết bị quốc phòng vì chiến sự Ukraine

Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) cho biết Nga không thể cung cấp các thiết bị quốc phòng quan trọng đã cam kết cho nước này vì chiến sự ở Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên