24/01/2025 08:38 GMT+7

Ấm lòng những suất ăn 0 đồng, những suất ăn bán nới ngày cận Tết

XUÂN TIÊN
và 1 tác giả khác

Những ngày giáp Tết, đâu đó trên đường người ta bắt gặp những suất ăn 0 đồng, bữa ăn bán 'nới'... Các chủ trọ cũng gửi cho công nhân thuê nhà thùng nước, bịch sữa.

Ấm lòng những suất ăn 0 đồng, những suất ăn bán nới những ngày cận Tết - Ảnh 1.

Bà Hồng đến chợ An Đông lúc 2h sáng - Ảnh: XUÂN TIÊN

Không khí Tết trở nên ấm áp, phấn khởi hơn bởi những nghĩa cử yêu thương bình dị đó.

Nhiều lúc thấy mấy đứa Tết về mà không có quà cáp gì hết cũng tội, thôi thùng nước ngọt có bao nhiêu đâu, mua gửi cho mấy đứa đem về có này có kia với gia đình.

Bà Đào Thị Mỳ, chủ một khu trọ

Bán "nới", bán 0 đồng

Tại góc đường Nguyễn Duy Dương, cách chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) vài bước chân, chiếc xe đẩy nhỏ bán bún của bà Hồng (60 tuổi) đều đặn ánh lên ngọn lửa từ 2h sáng.

Nguyên liệu dịp Tết bắt đầu rục rịch tăng, nhưng tô bún của bà vẫn giữ nguyên giá, thậm chí sẵn sàng bán "nới" cho những người khó khăn. "Ai bán vé số, nhặt ve chai ghé quán ăn, tôi đều bán với giá 20.000 đồng một tô, nhưng vẫn đầy thịt như tô 30.000 đồng", bà Hồng chia sẻ.

Bà Hồng nói có lẽ do vào TP.HCM mưu sinh từ năm 17 tuổi nên bà "thấm" cái tính hào sảng của người dân sống ở thành phố này.

Một tô bún bà thường bán với giá 20.000 - 30.000 đồng, tùy nhu cầu. Nhưng với những người lao động nghèo thì mặc định là 20.000 đồng, tô vẫn đầy ắp thịt như tô đặc biệt 30.000 đồng. Những người bán vé số xung quanh cũng trở thành mối quen của bà.

Trước đây tô bún cho người lao động nghèo bà chỉ bán 15.000 đồng, nhưng vật giá lên quá nên phải tăng thêm 5.000 đồng mới đủ duy trì.

Ấm lòng những suất ăn 0 đồng, những suất ăn bán nới những ngày cận Tết - Ảnh 2.

Ông Hòa đã ăn bún tại quán hơn 20 năm - Ảnh: XUÂN TIÊN

Đến quán từ rất sớm, ông Hòa (72 tuổi), một tay cầm xấp vé số, một tay vừa chống nạng vừa lấy dĩa rau rồi tấm tắc khen. "Tôi đã ăn ở quán được hơn 20 năm, đồ ăn rất ngon, giá lại bình dân, phù hợp cho những người lao động có một buổi sáng no bụng làm việc nguyên ngày", ông nói.

"Bán "nới" như thế không sợ lỗ hả cô?", chúng tôi hỏi.

Bà Hồng thật thà trả lời gọn hơ: "Không sợ, tôi bán ở đây cũng chạy nên mới "nới" chút cho họ ăn, mình chấp nhận lời ít cũng không sao. Tết nhất rồi, giúp mấy người lao động nghèo tiết kiệm một chút mua bánh mứt".

Bên cạnh việc bán "nới" giúp lao động nghèo, bà còn dùng số tiền bán được để hỗ trợ quà như gạo, mì gói, nước tương... cho những hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết.

Cách quán bún bà Hồng không xa, những phần ăn 0 đồng của một cửa hàng điểm tâm sáng trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) cũng được bày biện trên chiếc bàn gỗ chỉn chu trước quán, kèm tấm bảng giản đơn: "Suất ăn 0 đồng yêu thương".

Chị Sury, chủ quán, cho biết những suất ăn 0 đồng này được chị ấp ủ thực hiện với mong muốn giúp đỡ một phần gánh nặng cho người lao động khó khăn, đặc biệt khi Tết Nguyên đán cận kề.

Ngoài đóng góp của chị, suất ăn trở nên đong đầy nhờ nhiều tấm lòng yêu thương khác: "Những phần ăn ở đây còn là đóng góp của các nhà hảo tâm. Khách đến quán mình uống cà phê, thấy dự án ý nghĩa quá nên cũng ủng hộ thêm".

Hằng ngày, chị thức dậy từ 3h30 sáng chuẩn bị nguyên liệu và nấu ăn. Trung bình có 30 - 40 phần ăn được phát tâm thiện nguyện mỗi buổi sáng, tuy nhiên khung giờ phát không cố định.

"Mình chia thành nhiều lần, có khi 6h, 7h hoặc 8h30, chủ yếu phụ thuộc vào số lượng phần thức ăn hôm đó làm được. Nếu phát vào khung giờ cố định, những người khó khăn đến trễ sẽ không còn gì để lấy", chị lý giải.

Các suất ăn yêu thương cũng được thay đổi hằng ngày, có khi thì bún nước tương chay, có khi sandwich, bún thịt xào, mì trộn trứng... Tất cả đều do một tay chị chuẩn bị.

Ấm lòng những suất ăn 0 đồng, những suất ăn bán nới những ngày cận Tết - Ảnh 3.

Chiếc bàn gỗ đựng những suất ăn cho ai gặp khó khăn - Ảnh: XUÂN TIÊN

Xuân yêu thương về những xóm trọ

Đến cư xá Hưng Lợi 1 (TP Tân Uyên, Bình Dương) vào mấy ngày này, không khó bắt gặp những công nhân tay ôm thùng nước ngọt, xách lủng lẳng bịch quà gồm: bột ngọt, nước mắm, dầu ăn mà ban quản lý cư xá gửi tặng.

Anh Huỳnh Văn Nguyên (sinh năm 1977, ngụ Bình Dương), vừa nhận phần quà trưa nay, cười tươi rói kể: "Năm nào cũng vậy, cứ tầm mùng 10 tháng chạp là ở đây phát quà cho mấy công nhân thuê phòng, khi bao gạo 10kg, khi thì thùng nước ngọt với gia vị".

Nhìn nét mặt rạng rỡ của anh, khó ai biết năm nay người đàn ông này phải nghỉ làm sớm. Anh nói mới nghỉ hồi ngày 12 do công ty ít hàng, bởi thế tiền thưởng Tết năm nay của anh cũng "bèo" hơn mọi năm, phần quà nhỏ càng thêm ý nghĩa.

Đợi công ty của vợ cho nghỉ, đến khoảng 25 tháng chạp vợ chồng anh về quê ăn Tết. "Túi quà này tui xài gia vị trước, còn thùng nước ngọt chắc chở về quê ăn Tết. Tết nhất có quà vậy cũng vui rồi", anh Nguyên chia sẻ.

Còn bà Đào Thị Mỳ, chủ một khu trọ trong hẻm 58 đường số 5 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM), đã mua nước ngọt để tặng cho người thuê về quê ăn Tết. "Năm nào cũng vậy, tầm 15 âm tháng chạp là tôi kêu xe chở tới khoảng 20 thùng nước ngọt, thấy ai về quê thì tặng cho họ một thùng ăn Tết", bà kể.

Khu trọ của bà Mỳ có 18 phòng, bà nói đa phần đều là công nhân thuê. "Nhiều lúc thấy mấy đứa Tết về mà không có quà cáp gì hết cũng tội, thôi thùng nước ngọt có bao nhiêu đâu, mua gửi cho mấy đứa đem về có này có kia với gia đình", bà Mỳ chia sẻ thêm.

Nói tới đây, gương mặt bà đượm buồn, bà cho biết không phải ai cũng có tiền về quê ăn Tết. 

Năm nào dãy trọ của bà cũng le lói ánh đèn hắt ra từ vài phòng chọn ăn Tết ở thành phố. "Đa phần là những người không làm ăn được, công ty thưởng ít nên không muốn về. Tết tôi kho thịt hay gì đó đều cho mấy đứa một tô, tiệc tùng trong gia đình cũng rủ lên ăn chung cho có không khí", bà Mỳ nói.

Nhiều tiệm tạp hóa cũng chuẩn bị các phần quà gửi đến khách hàng đã ủng hộ suốt năm qua, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn. Tiệm lớn có thể là thùng bia, thùng nước ngọt, còn với những tiệm nhỏ như chị Nguyễn Thị Mai Thanh (39 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) vẫn chuẩn bị vài bịch đường, bột ngọt gửi khách ăn Tết. Chị Thanh nói giá trị không đáng bao nhiêu nhưng Tết nhất có quà ai cũng cảm thấy vui. 

"Với mấy người lao động nghèo, tui ưu tiên tặng mì gói hoặc thùng nước ngọt cho họ ăn Tết. Ai mua chịu mình cũng ráng nương nương, tầm 20 âm tháng chạp chưa thấy họ trả thì thôi, để ăn xong cái Tết rồi nhắc cũng được", chị Thanh cho hay.

Gom yêu thương mang Tết về - Ảnh 3.Xúc động chuyến xe đưa bệnh nhân về quê đón Tết từ Đà Nẵng

Những chuyến xe nghĩa tình rời Bệnh viện Đà Nẵng đã đưa 150 người bệnh khó khăn cùng thân nhân về quê đón Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên