Các cảm biến tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI) trên máy tính có thể giúp chúng ta giao tiếp với các loài động vật. Hiện nay, các nhà khoa học bắt đầu "trò chuyện" với các loài như dơi và ong mật.
Trí tuệ nhân tạo "hiểu rõ" ngôn ngữ động vật
Các biên tập viên trang Scientific American đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Karen Bakker tại Đại học British Columbia (Canada) và là thành viên tại Viện Nghiên cứu cao cấp Harvard Radcliffe (Mỹ) về cách các nhà nghiên cứu đang tận dụng công nghệ mới để hiểu được giao tiếp của động vật.
Họ cho biết hiện nay, lĩnh vực "âm thanh sinh học kỹ thuật số" phát triển nhằm hiểu cách giao tiếp của động vật. Chẳng hạn, thay vì cố gắng dạy chim nói tiếng Anh, các nhà nghiên cứu đang giải mã những gì chúng nói với nhau bằng tiếng chim.
Họ sử dụng máy cảm biến di động giống chiếc máy thu âm nhỏ, đặt chúng ở trên cây, trên đỉnh núi, thậm chí trên lưng cá voi và chim.
Máy cảm biến này ghi lại âm thanh suốt 24/7 ngày đêm với vô số dữ liệu. Máy tính Al sau đó áp dụng thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên - giống như thuật toán được Google dịch sử dụng - để phát hiện các mẫu trong các bản ghi và bắt đầu giải mã những gì động vật đang nói với nhau.
Phát hiện thú vị: Dơi mẹ dùng ngôn ngữ riêng với con
Một nhà nghiên cứu tên Yossi Yovel đã ghi lại âm thanh và video của gần 20 con dơi ở Ai Cập trong hai tháng rưỡi.
Nhóm của ông đã điều chỉnh một chương trình nhận dạng giọng nói để phân tích 15.000 âm thanh, sau đó thuật toán sẽ so sánh các âm thanh cụ thể với các tương tác xã hội nhất định trong video, chẳng hạn như tranh giành thức ăn hoặc giành tư thế ngủ.
Qua nghiên cứu này, kết hợp với một số nghiên cứu liên quan khác, họ nhận thấy loài dơi có khả năng giao tiếp phức tạp.
Cụ thể, chúng có tiếng gọi nhau giống như gọi tên riêng và cả phân biệt giới tính khi giao tiếp với nhau. Ngoài ra, mỗi loài dơi lại có tiếng nói "địa phương". Chúng thường tranh cãi về thức ăn và tư thế ngủ. Chúng cũng biết xa cách xã hội khi bị bệnh.
Điều thú vị nhất là dơi mẹ sử dụng tiếng mẹ riêng của chúng với những đứa con. Và chúng có ngôn ngữ nựng nịu những đứa con rất riêng. Điều này làm cho dơi con bập bẹ trở lại và có thể giúp chúng học những từ hoặc âm thanh cụ thể.
"Chúng ta không thể nói chuyện với dơi, nhưng máy tính với cảm biến điện tử và loa thì có thể", giáo sư Karen nói.
Ong robot "chỉ đạo" ong thật
Rõ ràng động vật có những cách giao tiếp phức tạp hơn nhiều so với chúng ta nghĩ trước đây.
Nhà nghiên cứu ong tên Tim Landgraf cho biết ong không chỉ sử dụng âm thanh mà còn cả chuyển động của cơ thể để nói, họ gọi đấy là "điệu nhảy lắc lư".
Landgraf và nhóm của ông đã sử dụng điệu nhảy kết hợp xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Giống như trong nghiên cứu về dơi, máy tính Al phân tích hình ảnh, giải mã cả âm thanh và tiếng ngọ nguậy của ong. Từ đó giúp nhóm nghiên cứu theo dõi từng con ong và dự đoán câu chuyện giữa chúng.
Sau đó nhóm của Landgraf đã mã hóa những gì họ thu thập được thành một con ong robot.
Sau 7-8 mẫu thử nghiệm, họ đã có một con robot có thể thực sự đi vào tổ ong, sau đó nó sẽ phát ra các lệnh như tín hiệu và đàn ong sẽ tuân theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận