20/07/2019 07:20 GMT+7

40 năm đối đầu Mỹ - Iran (1979-2019) - Kỳ 1: Chiến dịch giải cứu con tin thất bại

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Quan hệ Mỹ - Iran từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm, từ căng thẳng, tạm hòa hoãn rồi lại đối đầu. Trong 40 năm thù địch, không ít lần Mỹ tiến hành chiến dịch đối phó với Iran.

40 năm đối đầu Mỹ - Iran (1979-2019) - Kỳ 1: Chiến dịch giải cứu con tin thất bại - Ảnh 1.

Các con tin Mỹ bị Iran bắt giữ ngày 4-11-1979 - Ảnh: UPI

Nếu huấn luyện viên Bear Bryant của đội bóng Đại học Alabama để tiền vệ ở Virginia, hậu vệ ở Bắc Carolina, tuyến tấn công ở Georgia và tuyến phòng thủ ở Texas rồi đề nghị Hãng Delta Airlines đưa đến Birmingham thi đấu thì không bao giờ thắng được.

(Đại tá Charles A.Beckwith điều trần trước Ủy ban Quân lực thượng viện về sự thất bại của chiến dịch giải cứu)

Ngày 4-11-1979, hàng trăm sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bắt giữ 53 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin suốt 444 ngày. Năm tháng sau, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. 

Trong khi đó, sau hơn 51 tháng lên kế hoạch và huấn luyện, Mỹ đã tiến hành chiến dịch giải cứu con tin Mỹ mang mật danh Eagle Claw (Móng vuốt đại bàng). 

Chiến dịch giải cứu vào đêm 24-4-1980 đã thất bại thảm hại.

Huấn luyện và diễn tập

Tháng 5-1980, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã thành lập tổ đánh giá chiến dịch đặc biệt nhằm đánh giá lại toàn diện chiến dịch giải cứu con tin Mỹ ở Iran. 

Để bảo đảm khách quan, tổ đánh giá gồm sáu sĩ quan thuộc bốn quân chủng, trong đó có ba vị đã nghỉ hưu và không ai biết gì về chiến dịch giải cứu. 

Chỉ huy tổ đánh giá là đô đốc về hưu James L. Holloway III, người từng chỉ huy hạm đội 7 tham gia chiến dịch ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam (chiến dịch Linebacker) năm 1972. Năm thành viên còn lại gồm hai trung tướng và ba thiếu tướng. 

Tổ đánh giá đã gửi báo cáo mật cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, bộ trưởng quốc phòng và quốc hội. Một báo cáo rút gọn (được gọi là báo cáo Holloway) gồm thông tin có thể giải mật được công bố trên trang web của Bộ chỉ huy Lịch sử và di sản hải quân Mỹ.

Theo báo cáo Holloway, kế hoạch giải cứu con tin Mỹ kéo dài từ ngày 4-11-1979 đến 23-4-1980. Một lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp được thành lập do thiếu tướng James B.Vaught chỉ huy. Các sĩ quan còn lại gồm đại tá Charles A. Beckwith chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Delta Force, đại tá James H. Kyle chỉ huy chiến dịch đặc biệt của không quân và trung tá hải quân Edward Seiffert. Thời gian huấn luyện được chia làm bốn đợt với nhiều hội nghị đánh giá được tổ chức.

Hội nghị đã chọn giải pháp sử dụng máy bay vận tải tiếp nhiên liệu cho đội trực thăng giải cứu thay vì tiếp nhiên liệu trên không và chọn một hồ muối (mật danh Desert One) cách Tehran 320km làm điểm tiếp liệu và chuyển quân. 

Theo tính toán, thời gian trời tối từ đêm hôm trước đến rạng sáng hôm sau là 9 tiếng 16 phút, vì vậy đội trực thăng chỉ có thể hoạt động trong tám tiếng với một tiếng dự phòng. 

Ngoài ra, nhiệt độ 30°C có thể làm tăng áp suất độ cao và hạn chế hiệu suất trực thăng. Từ đó hội nghị kết luận tối thiểu phải có sáu trực thăng bay đến Desert One mới bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 16-4-1980, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân thông qua kế hoạch giải cứu. Tối hôm đó, Tổng thống Jimmy Carter đã chuẩn y kế hoạch và tuyên bố chiến dịch giải cứu sẽ bắt đầu từ ngày 24-4-1980.

40 năm đối đầu Mỹ - Iran (1979-2019) - Kỳ 1: Chiến dịch giải cứu con tin thất bại - Ảnh 3.

Trực thăng RH-53D cất cánh từ tàu sân bay Nimitz - Ảnh: Không quân Mỹ

Nửa đường gãy gánh

Theo kế hoạch, vào đêm N-1 sáu máy bay C-130 chở 132 binh sĩ Delta Force, biệt kích, nhân viên bảo trì và nhiên liệu sẽ cất cánh từ đảo Masirah (Oman) bay đến địa điểm tập kết Desert One xa hơn 1.600km. Cùng lúc tám trực thăng RH-53D cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz cách bờ biển Iran 80km bay hơn 600km đến Desert One.

Sau khi nạp nhiên liệu, đội trực thăng sẽ chở lực lượng giải cứu đến địa điểm ẩn náu cách Tehran 80km, còn C-130 bay về Masirah.

Đêm hôm sau, lực lượng giải cứu sẽ ngồi trong xe do các điệp viên CIA cài cắm ở Iran dẫn đường tiến về Đại sứ quán Mỹ. Trong đó có điệp viên Dick Meadows, sĩ quan từng tham gia chiến dịch tập kích trại giam tù binh phi công Mỹ ở Sơn Tây đêm 20-11-1970. 

Một tổ biệt kích sẽ đến trụ sở Bộ Ngoại giao Iran giải cứu ba con tin Mỹ. Đội trực thăng sẽ chở các binh sĩ và con tin về một căn cứ không quân bỏ hoang cách Tehran 80km. Trực thăng sẽ bị phá hủy. Các máy bay C-141 bay từ Saudi Arabia đến sẽ đưa toàn bộ lực lượng về Ai Cập.

Trên thực tế, chiến dịch giải cứu diễn ra không như kế hoạch. Hai tiếng sau khi cất cánh vào đêm 24-4-1980, trực thăng số 6 bị sự cố ở cánh quạt phải hạ cánh và trực thăng bị bỏ lại. Máy bay C-130 gặp trận bão cát dày không thể liên lạc với đội hình trực thăng. Thiết bị dẫn đường của trực thăng số 5 trục trặc vì bão cát nên phi công quyết định bay về tàu sân bay. 

Sáu trực thăng còn lại đến Desert One trễ từ 50-85 phút. Desert One nằm hai bên đường lộ. Lực lượng giải cứu đã thiết lập hàng rào an ninh nhưng một xe buýt Iran chở hành khách chạy vào và bị giữ lại. Một xe tải chở xăng dầu không dừng lại đã bị bắn hạ. 

Lúc đó, hệ thống bơm thủy lực của trực thăng số 2 bị trục trặc nhưng không thể sửa được vì không có phụ tùng. Rốt cuộc chỉ còn năm trực thăng.

Chỉ huy chiến dịch bèn điện về báo cáo tình hình và đề nghị hủy bỏ chiến dịch. Tổng thống chuẩn y. 

Trong lúc rút khỏi Iran, một trực thăng va chạm với máy bay C-130 tiếp nhiên liệu. Biển lửa bùng lên. Tám người chết và năm người bị thương. Đạn trên hai máy bay phát nổ văng trúng nhiều trực thăng. Toàn bộ lực lượng lên C-130 vội vã rời khu vực nhưng lại không hủy dữ liệu trên trực thăng. 

7 giờ sáng 25-4-1980, Tổng thống Jimmy Carter lên truyền hình thông báo chiến dịch giải cứu thất bại.

40 năm đối đầu Mỹ - Iran (1979-2019) - Kỳ 1: Chiến dịch giải cứu con tin thất bại - Ảnh 4.

Người dân Iran xem trực thăng Mỹ bị bỏ lại tại địa điểm tập kết Desert One hôm 24-4-1980 - Ảnh: khamenei.ir

Bài học xương máu

Báo cáo Holloway xác định có 23 vấn đề cần chú ý trong chiến dịch giải cứu và đưa ra hai kết luận.

Một là việc thành lập lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp chỉ mang tính chất đối phó vì các binh sĩ thuộc bốn binh chủng và nhiều đơn vị phối thuộc trên khắp thế giới.

Hai là quá đề cao vấn đề bảo đảm an toàn. Nguyên tắc an ninh được tuân thủ nghiêm ngặt đến mức các toán giải cứu được huấn luyện riêng rẽ và không có cuộc diễn tập phối hợp chung nào.

Báo cáo khuyến cáo cần thành lập một lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp riêng. Từ đó, ngày 22-10-1980 quân đội Mỹ đã thành lập Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt hỗn hợp (JSOC) trực thuộc Bộ tư lệnh Các chiến dịch đặc biệt Mỹ (SOCOM).

Kỳ tới: Cuộc chiến đánh tàu chở dầu

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên