29/02/2024 10:31 GMT+7

27 năm vượt qua ung thư, đóa trà vẫn nở

Chiến đấu với bệnh ung thư vòm họng từ năm 16 tuổi, rồi chống chọi biến chứng phải ghép xương hàm và giọng trở nên ngọng nghịu, giờ đây Trà yêu đời, đắm mình vào những thước vải, may những bộ váy tô điểm cuộc sống.

Chị Thanh Trà vui sống mỗi ngày - Ảnh: YẾN TRINH

Chị Thanh Trà vui sống mỗi ngày - Ảnh: YẾN TRINH

Đi qua khoảnh sân nhỏ với cây ổi, cây mai, chị Ngô Thị Thanh Trà (43 tuổi, ngụ đường Tân Hóa, quận 6, TP.HCM) bước vào thế giới riêng của mình là gian phòng nhà dưới.

Mình phải làm cái gì đó, buồn thì vẫn phải sống. Không làm được nghề cũ, mình phải học nghề mới.

Chị NGÔ THỊ THANH TRÀ

Cơn bão cuộc đời

Trong gian phòng, Trà chăm chú ngồi kẻ mẫu đầm trên nền vải xô màu mạ non. Nhìn chị, chúng tôi liên tưởng cô bé trong truyện Mặt nạ thủy tinh của Nhật Bản. Đó là cô gái khi có cơ hội diễn luôn xuất thần và chị khi may vá cũng vậy.

Vóc người thanh mảnh, đôi mắt to, chị thong thả làm phần việc của mình. Chị hào hứng khoe những cuốn sổ học may với nét chữ nắn nót, trong đó cắt dán những mẫu áo, mẫu đầm...

Một hồi sau, chị mới trải lòng về những điều chưa hoàn hảo trên mặt mình sau khi điều trị: hai bên hàm lõm sâu, hàm răng dưới đã mất và cổ họng hẹp lại.

Nhìn ra khoảnh sân vẫn còn đóa mai nở muộn, ký ức đưa chị về năm 1997, ngày thi xong học kỳ 1 năm lớp 11. Nghe nhức đầu hoài, tưởng bị viêm xoang, gia đình đưa chị đi khám thì nhận tin sét đánh khi xét nghiệm sinh thiết: ung thư vòm họng.

"Lúc đó mình vô tư không sợ chết, chỉ nghĩ bệnh thì trị. Ba mẹ và các cô trong nhà thay phiên nhau đưa tôi đi Bệnh viện Ung bướu chữa, cách tuần là đi. Tôi nghỉ học một thời gian", chị nhẹ nhàng kể.

Ròng rã hóa trị, xạ trị, thuốc men, rồi ói mửa, cuối cùng phép màu đến với chị khi bác sĩ thông báo bệnh đã khỏi vào mùa hè 1998. Đang độ tuổi trăng rằm, chị phải làm quen với gương mặt hóp và mái đầu nhẵn bóng.

Trà trở lại trường học, đội tóc giả xõa dài che bớt gương mặt khiến vài người bạn nghịch ngợm chọc "Ê nhỏ đó đội tóc giả". Thời gian trôi, Trà học trung cấp kế toán và ra trường đi làm như bao người, thêm công việc thu ngân buổi tối.

Những tối còn lại chị học tại chức ngữ văn Anh. Chị chia sẻ: "Lúc đó tôi không thấy mệt, còn trẻ và sung sức mà. Tôi nghĩ đời mình vậy ổn rồi...". Ngày mẹ mất, chị thay mẹ bảo ban hai người em.

Cuộc đời với ai đó đôi khi quá tàn nhẫn. Năm 2007, ông trời lại trêu ngươi khi phần xương hàm phải của chị có lẽ do di chứng nên gãy đâm vào thịt nhiễm trùng. Chị được chẩn đoán phẫu thuật tháo xương hàm nhưng đắn đo vì phần dưới hàm sẽ thêm teo tóp.

Chị nhớ lại: "Tôi đi lần lượt nhiều bệnh viện ở Sài Gòn. Có nơi giới thiệu đi Singapore nhưng chi phí quá cao. Khi nhiễm trùng thì mặt sưng, đau đớn, chưa kể bị kháng thuốc. Tôi định bỏ cuộc".

Chịu đựng đau đớn hơn hai năm, mùa đông 2010 chị ra Hà Nội. Các bác sĩ thực hiện hai ca mổ: tháo xương phụ của ống chân trái và ghép lên hàm.

Tỉnh dậy, cô gái sốc vì giọng nói mình không thể trở lại như xưa. Cổ họng hẹp lại, lưỡi thu vào trong, hàm răng dưới cũng tiêu tan. Đó là giọng ngọng líu như của một người nào đó, nhiều chữ phát âm không rõ, như "t" nghe thành "s"...

Nhìn mình trong gương, chị không muốn tiếp xúc với ai. "Ba năm trời, tôi không bước ra khỏi nhà.

Trong hàm là ốc vít bu lông hồi ráp xương. Tuyến nước bọt giảm, khô miệng nên ăn uống không thấy mùi vị như xưa. Thức ăn tôi xay nhuyễn nuốt. Tôi khóc hoài" - nói tới đây, chị lau hai dòng nước mắt.

Gương mặt chị Thanh Trà sau khi được can thiệp thẩm mỹ tiêm đầy cằm - Ảnh: YẾN TRINH

Gương mặt chị Thanh Trà sau khi được can thiệp thẩm mỹ tiêm đầy cằm - Ảnh: YẾN TRINH

Gượng dậy

Thước phim cuộc đời chị chầm chậm lướt tới mốc tỉnh lại sau những tháng ngày chìm đắm đau khổ.

"Mình phải làm cái gì đó, buồn thì vẫn phải sống. Không làm được nghề cũ, mình phải học nghề mới". Năm 2016, chị đi học may ở Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, mỗi tuần chạy xe đi học ba buổi.

Qua ba khóa học, biết may cơ bản thì chị ngưng. "Thời gian đó tôi vẫn buồn lắm. Đi học giao tiếp khó nên khi có bạn hỏi chuyện, tôi viết giấy và cuối cùng ghi mình bị câm. Sau này, tôi suy nghĩ nhẹ nhàng hơn", chị bộc bạch.

Sắm chiếc máy may cũ 5 triệu đồng, thêm máy vắt sổ, chị tự may một số kiểu quần áo cho mình và ông bà nội.

Mấy năm sau, chị xin vào phụ việc cho một cửa hàng quần áo để học nghề may. Được vài tháng, nỗi đau lại ập xuống khi ba bị ung thư gan, chị nghỉ việc chăm sóc. Rồi ba cũng bỏ chị mà đi, Trà chỉ còn ông bà nội, cuộc đời quá nhiều nỗi buồn.

Phải tiếp tục cuộc sống thôi! Chị lại đi xin việc. Mắt chị đỏ hoe kể tới đoạn: "Tôi đi khám sức khỏe để nộp hồ sơ, kết quả là loại trung bình. Đi phỏng vấn, thêm giọng nói khó khăn, chục công ty mới có nơi thông cảm nhận mình...".

Nhưng chị không nản, cuối cùng vào một công ty may. Mỗi sáng chị dậy lúc 4h30, lấy rong biển và thịt đã nấu xay nhuyễn hấp lại đem đi ăn trưa. Chị vượt qua những cơn hạ huyết áp, thiếu máu, sức khỏe như vắt kiệt những ngày tăng ca.

Gắng gượng trải qua hai công ty, do tăng ca quá nhiều nên chị đành nghỉ. Thời buổi khó khăn người bình thường tìm việc đã khó, vậy nên tạm thời chị ở nhà chăm sóc ông bà.

Chị vẫn đang tìm kiếm một công việc như kế toán, thu ngân hoặc soát vé giờ hành chính để có thời gian lo người thân và đảm bảo ngưỡng sức khỏe.

Chị Thanh Trà với niềm vui may vá mỗi ngày - Ảnh: YẾN TRINH

Chị Thanh Trà với niềm vui may vá mỗi ngày - Ảnh: YẾN TRINH

Đóa hoa trà khát khao sống

Mỗi ngày khi rảnh rỗi, Trà cặm cụi với thế giới may vá của mình. Chị mở điện thoại, khoe ảnh trong chiếc đầm đỏ thướt tha do mình tự may và mái tóc xõa cùng nụ cười tươi.

Suốt cuộc nói chuyện, không khi nào chị nói hai chữ "giá như" bởi đã chọn cách đối mặt. Trong lằn ranh sinh - tử, chị đã một lần vượt khỏi bệnh ung thư, một lần trải qua biến chứng hàm tưởng đã bó tay.

Trong cuộc đời riêng, chị nỗ lực học nghề, tìm việc làm, tự lo bản thân mà không than trách số phận. Chị chia sẻ mình may mắn còn được sống, còn có những người bạn chơi với nhau từ hồi học cấp III, có mái nhà, có khả năng làm việc...

Nhìn cháu nội, ông Ngô Văn Thiết (93 tuổi) dõng đôi tai đã lãng nặng nói một tràng khi thấy có khách.

"Nhỏ này nó bệnh từ nhỏ, giờ nó khỏi rồi. Tôi thương nó lắm, may là nó không sao rồi", ông nói. Với người thân, việc chị sống khỏe mạnh là một kỳ tích. Và nghe câu chuyện, chúng tôi chợt nghĩ có lẽ qua đận này, cuộc đời sẽ bù đắp cho một người quá đỗi hiền lành như chị.

Trời chiều, chúng tôi tạm biệt khi chị đang tưới cây, bóng dáng nhỏ bé với bàn tay trắng gầy khép cổng. Nhìn đóa hoa trà lặng lẽ vượt thử thách cuộc đời, chắc ai cũng sẽ cầu mong chị tìm được việc mong muốn và hạnh phúc về sau.

Ông Nam Sơn là vị bác sĩ thẩm mỹ đã giới thiệu một người bạn làm răng sứ hàm trên miễn phí cho chị Trà cách đây bốn năm.

Ông chia sẻ: "Phần răng của Trà sau thời gian trị bệnh yếu gãy, hàm không còn, cơ teo, má hóp. Cùng 10 y bác sĩ khác, ròng rã sáu tháng tôi hội chẩn tìm phương pháp giúp gương mặt Trà hài hòa hơn".

Do tránh di chứng bệnh ung thư có thể tái phát nếu tiêm chất làm đầy vĩnh viễn, ông giúp đỡ Trà thực hiện kỹ thuật tiêm đầy cằm miễn phí có thời hạn, giúp gương mặt chị đầy đặn hơn.

Vượt qua ung thư, cười Vượt qua ung thư, cười 'hết phần người khác', sống vui 20 năm

TTO - Bí quyết nào khiến cho một phụ nữ bị ung thư đã gần 20 năm sống khỏe đến bây giờ? Câu chuyện của chị Hồ Thị Sáu đơn giản mà sâu sắc. Phương châm của chị chỉ là "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên