Nụ cười của chị Nguyễn Thị Liên - một người mẹ ung thư mang thai và sinh con với niềm tin, sức sống mãnh liệt - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tôi không tham vọng sẽ giúp được cho mọi người nhiều nhưng cũng mong muốn góp chút kinh nghiệm nhỏ để mọi người cùng suy ngẫm...
Vào năm 2000, bác sĩ chẩn đoán chồng tôi bị ung thư thực quản, sau đó mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Một tháng sau, tôi bị u vú. Khi sinh thiết, các bác sĩ chẩn đoán tôi mắc "ung thư liên bào tuyến vú".
"Hai bản án" cho vợ chồng tôi khiến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm đều sốc. Trong khi cha chồng tôi đã 86 tuổi, con trai tôi mới học lớp 10, còn hai con gái tôi nhận về cưu mang mới 7 tuổi và 3 tuổi.
Tôi khóc thầm hằng đêm, thương con vì nếu sau này hai vợ chồng ra đi rồi thì con sẽ ra sao trong khi các cháu cũng bệnh tật và phải uống thuốc hằng ngày. Rồi tôi nghĩ rằng khóc mãi, nghĩ mãi chẳng giải quyết được điều gì nên tôi quyết định coi bản thân mình không bị bệnh gì.
Tôi vẫn đi làm bình thường, trừ những ngày đi điều trị, lo cho gia đình đầy đủ, đưa chồng đi vô hóa chất và bản thân tôi cũng phải vô hóa chất, chở - đón con đi học. Ai mách đâu thấy có thuốc tốt tôi cũng chở chồng tới xin thuốc về sắc cho chồng uống.
Mỗi sáng chở chồng đi tắm biển hay đi đâu đều quan sát, nếu thấy cây đu đủ là vô xin lá ngay về sắc cho hai vợ chồng uống. Một năm sau thì anh ấy qua đời.
Một mình với ba đứa con và cha chồng già yếu. Tôi vẫn miệt mài làm việc, chăm sóc gia đình và không nghĩ mình bị bệnh.
Tôi tin vào điều đó. Vẫn tập thể dục đều đặn, đi biển, vui vẻ cùng bạn bè, anh em cơ quan. Mỗi khi cơ quan có tổ chức cho đi chơi, du lịch, tham quan hay đi làm từ thiện tôi tham gia ngay.
Ở đâu có tôi thì ở đó có tiếng cười, tôi cười và còn cười "hôi" của người khác nữa.
Chị Hồ Thị Sáu và cháu nội - Ảnh: NVCC
"Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ" nên dại gì không cười nhỉ! Và đồng thời tôi uống thêm một số thứ như nghệ - mật ong, nha đam - mật ong, chanh - sả - gừng. Đặc biệt không dùng thuốc và thực phẩm chức năng.
Cứ nghĩ, nếu tôi ra đi nữa thì con tôi sẽ ra sao? Xót xa lắm! Từ đó, tôi cố gắng vui vẻ hơn, tạo cho con niềm tin, sự tự lập trong cuộc sống.
Cho tới hôm nay, đã gần 20 năm, con tôi trưởng thành, có vợ và tôi đã có cháu nội, hạnh phúc mỉm cười, tôi mãn nguyện.
Sau khi tôi khỏe mạnh, mọi người cũng có chút ngưỡng mộ, và từ đó tôi trở thành người chia sẻ cách sống chung với ung thư, với bệnh tật. Nghĩ sao nói vậy, làm sao nói vậy!
Tôi chỉ khuyên mọi người sống vui, thoải mái, luôn vị tha, vị tha cho chính mình nữa. Khi bị bệnh hãy bình tĩnh tìm thuốc để điều trị, tin tưởng điều trị, đặc biệt là không buồn, khóc.
Tôi vẫn thường khuyên mọi người: "Nếu chị khóc, nếu chị buồn mà hết bệnh thì chị cứ buồn, khóc nhiều vô...".
Còn khóc, buồn mà cả gia đình lo lắng, buồn khổ theo thì thôi, bởi sinh tử chỉ là sớm muộn. Nếu trời kêu trước thì dạ trước, còn sống được thì hãy:
- Tập thể dục đều đặn theo sức của mình.
- Sống vui vẻ, thoải mái, cười nhiều, có điều kiện thì hát karaoke, đi tham quan, du lịch, làm "bà tám", đi tắm biển.
- Ngủ đúng giờ, đủ giờ (7 đến 8 tiếng).
- Ăn uống đủ chất, không bỏ bữa, ăn ít đồ nóng, chiên, rang.
- Không ăn thịt màu đỏ.
- Ăn nhiều rau, trái cây và cá.
- Uống trà chanh, uống thêm chanh - sả - gừng.
- Quên bệnh tật, gạt bỏ buồn lo, không giận hờn.
Mỗi người hãy là bác sĩ của chính mình, mình khỏe thì cả nhà khỏe, ít tiền mà có sức khỏe vẫn hơn nhiều tiền mà không có sức khỏe.
Người phụ nữ ấy luôn cười - Ảnh: NVCC
Tinh thần chiến thắng bệnh tật
Hôm 15-7 vừa rồi, chị Nguyễn Thị Liên, bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn (di căn phổi), đã được đón con về nhà sau gần 2 tháng mổ sinh.
Ở bệnh viện, chị Liên bế con trai nhỏ; và trên con đường làng quê quen thuộc, chị lại để cô con gái nhỏ ngồi cùng trên xe lăn, lấy nón che nắng cho con. Hành động rất đỗi bình thường ấy làm xúc động đến tận tâm can chúng tôi.
Xúc động lắm, bởi vì chúng tôi đã chứng kiến thời điểm chị Liên sinh mổ gần 2 tháng trước đó, hôm 22-5.
Lúc đó, chị Liên chỉ còn da bọc xương, khó thở, khó ngủ, khó ăn uống, khối u đã di căn, sau mổ sinh chị Liên hôn mê. Các bác sĩ lo ngại chị khó có cơ hội được gặp con trai mới sinh (đang điều trị sinh non cách bệnh viện mẹ nằm khoảng 10km), dù là chỉ gặp 1 lần.
Nhưng giờ chị Liên đã đón được con về nhà, nét mặt còn hơi tái nhưng chị rất hay cười. Hai tháng trước, chẳng ai dám tin vào điều đó.
Theo ông Trần Văn Thuấn - giám đốc Bệnh viện K, việc bệnh nhân luôn vui vẻ, tinh thần vững vàng, nỗ lực phối hợp với thầy thuốc để điều trị bệnh là một trong những "liều thuốc" quan trọng trong điều trị ung thư.
Ông Thuấn dẫn trường hợp chị Đ.T.T., 50 tuổi, phát hiện mắc ung thư vú cách đây 12 năm nhưng nhờ kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị, áp dụng các phương pháp điều trị và các phương pháp bổ trợ, hiện chị T. vẫn đang rất khỏe mạnh, chụp PET CT không phát hiện khối u tái phát.
Ông Thuấn cho hay tỉ lệ khỏi bệnh ung thư vú ở VN (nếu được phát hiện bệnh sớm và điều trị tích cực) là trên 70%, tương đương với Singapore. Nhiều loại ung thư khác hiện cũng có hiệu quả điều trị tốt.
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận