Ông Bùi Anh Tuấn - Ảnh: N.Hà |
* Theo ông, bất cập nào của quy chế hoạt động, tổ chức trường tư thục hiện hành nhất thiết phải được sửa đổi?
- Bên cạnh những nội dung cần thiết phải điều chỉnh riêng, quy chế tổ chức và hoạt động dành cho ĐH tư thục hiện còn tập trung quyền vào chủ tịch hội đồng quản trị, chưa chú trọng đến quyền điều hành của hiệu trưởng, vai trò của hội đồng khoa học và đào tạo.
Đây là một trong những nguyên cớ dẫn đến xu hướng thương mại hóa trong trường ĐH. Thực tế, quyền lợi của các cổ đông, hiệu lực của nghị quyết đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị chưa được quy định cụ thể nên còn thiếu dân chủ.
Cơ chế quản lý tài chính, tài sản đối với tài sản phân chia và không phân chia chưa rõ nên ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển trường và việc chuyển đổi từ trường ĐH dân lập sang trường tư thục còn kéo dài, khó thực thi.
* Không ít chuyên gia nhận xét bản dự thảo mới chỉ đề cập “một nửa mô hình ngoài công lập”, với những quy định chủ yếu dành cho trường ĐH tư vì lợi nhuận, chưa làm rõ được thế nào là trường “vì lợi nhuận”, trường “không vì lợi nhuận”. Trong khi “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” là gốc rễ của nhiều rắc rối khi vấn đề này lâu nay chưa được làm rõ...
Chính sách cần phải rõ và minh bạch để các nhà đầu tư lựa chọn mô hình hoạt động phù hợp với mục đích đầu tư của mình |
Ông BÙI ANH TUẤN |
- Trong hệ thống văn bản, Chính phủ đã có quy định chung về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở giáo dục tư thục hoạt động không vì lợi nhuận tại nghị định 141. Điều lệ trường ĐH sẽ tiếp tục cụ thể hóa vấn đề này để rõ hơn các điều kiện, căn cứ đánh giá, hồ sơ cam kết, chế tài xử lý vi phạm cam kết... của trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Hoạt động của trường ĐH tư thục được thiết kế theo nguyên tắc: hội đồng quản trị định hướng hoạt động theo mục tiêu phát triển của nhà trường, ban giám hiệu thực hiện quản lý và điều hành các hoạt động cụ thể, hội đồng khoa học và đào tạo xem xét các hoạt động chuyên môn, đại hội đồng cổ đông xem xét quyết định phần tài chính của các nhà đầu tư, góp vốn.
Về tổ chức, dự thảo chỉ quy định số lượng thành viên tối thiểu của hội đồng quản trị, nên những trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận hoặc ĐH do cộng đồng đầu tư có thể tăng số lượng giảng viên, người không góp vốn vào hội đồng quản trị. Về quyền quản lý tài sản, dự thảo quy định giao cho hội đồng quản trị quản lý phần tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Theo quy định tại nghị định 141 của Chính phủ, hội đồng quản trị phải xây dựng phương án sử dụng tài sản, nguồn vốn sở hữu chung không chia theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
* Dự thảo quy định đại hội đồng cổ đông có thể quyết chuyển đổi mô hình trường sang hoạt động không vì lợi nhuận, mà không hề đề cập quá trình chuyển đổi ngược lại. Văn bản quy phạm pháp luật cần đi trước, chứ không thể cứ mãi chạy theo sau thực tiễn, rồi lại sửa đổi, thưa ông?
- Có thể nói khái niệm trường ĐH hoạt động không vì lợi nhuận vẫn là điều mới mẻ ở VN (nghị định số 141 của Chính phủ cũng mới quy định có tính nguyên tắc dựa vào việc sử dụng chênh lệch thu - chi, nhận lợi tức, có cam kết) và việc loại hình trường này có thành công trong điều kiện cụ thể ở VN hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Hơn thế, quy định hiện tại đem lại nhiều ưu đãi đối với trường hoạt động không vì lợi nhuận như về thuế, đất đai, hỗ trợ đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ giảng viên ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học... nên cũng không khuyến khích việc các trường tư thục cam kết hoạt động không vì lợi nhuận để nhận sự ưu tiên của Nhà nước, rồi lại chuyển sang hoạt động vì lợi nhuận.
Thảo luận về những vấn đề cấp bách của giáo dục đại học Ngày 15-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Dự kiến bộ sẽ có báo cáo về những vấn đề cấp bách đặt ra đối với giáo dục ĐH hiện nay. Giám đốc các học viện, ĐH, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sẽ thảo luận, hiến kế đối với vấn đề lớn của giáo dục ĐH như công tác thi tuyển sinh ĐH, CĐ, những vướng mắc trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công tác quản lý các trường cũng như những bất cập đang tồn tại trong đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận