Khi nhìn vào hai hệ thống trường này, chúng ta thấy có một nét khác biệt là sinh viên ngoài công lập phải trả chi phí đào tạo 100%, trong khi sinh viên công lập chỉ phải trả 30-40% chi phí đào tạo vì phần còn lại do Nhà nước bao cấp.
Như vậy có thể khẳng định rằng đối với hệ thống trường đại học ngoài công lập, học phí đóng góp từ sinh viên là yếu tố quyết định đến sự sống còn của trường.
Thế nhưng nhìn vào những cuộc tranh chấp từ Trường đại học Hùng Vương đến Trường đại học Hoa Sen, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng tất cả các bên tranh chấp đều không quan tâm đến giới sinh viên của nhà trường, trong khi chính sinh viên mới là những “cổ đông” lớn nhất của một trường đại học ngoài công lập.
Nếu quan sát những cuộc tranh chấp đã và đang diễn ra tại các trường đại học như vừa nêu thì dù phe nào, nhóm nào thắng, phần thua thiệt nhất đều rơi vào các “cổ đông” sinh viên và gia đình của các em.
Những tranh chấp, bất đồng trong nhà trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của nhà trường, mà ảnh hưởng này là ảnh hưởng tiêu cực và từ đó làm giảm sức cạnh tranh của sinh viên tốt nghiệp khi tham gia thị trường lao động vốn ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Cụ thể là cái nhìn của xã hội đối với những sản phẩm do các trường này đào tạo ra: sau này ai sẽ thoải mái tiếp nhận những sinh viên do trường đại học này đào tạo khi mà giới lãnh đạo của những nơi đó tố cáo nhau, kiện tụng nhau vì quyền và tiền?
Mặt khác khi các bên tham gia tranh chấp, họ đã quên một điều rằng trường đại học không phải là một công ty mà là một cơ sở giáo dục, một nơi đang đào tạo và uốn nắn những công dân tương lai cho xã hội.
Họ lẽ ra cần phải biết rằng những nhà nghiên cứu, cụ thể là các nhà xã hội học, đã thừa nhận trong tiến trình hình thành nhân cách của cá nhân, trường học là thiết chế quan trọng thứ hai sau gia đình trong việc định hình cái tôi và nhân cách của một cá nhân.
Trường học không chỉ là nơi truyền dạy kiến thức, kỹ năng mà quan trọng hơn là uốn nắn, trang bị cho cá nhân những giá trị, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp lý để trở thành một con người thích nghi được với đời sống xã hội.
Do tầm quan trọng của trường học như vậy nên những chuyện lùm xùm về tranh chức tranh quyền tại các trường không chỉ là câu chuyện về pháp lý, mà còn là câu chuyện về đào tạo con người và gần như người ta đã quên những con người quan trọng nhất: sinh viên!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận